Thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại điện tử

Trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử, các giao dịch điện tử trở nên thịnh hành, thì việc triển khai hóa đơn điện tử đang và sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà cả đối với cơ quan thuế. Chính việc áp dụng hóa đơn điện tử cũng giúp thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát triển.

Chỉ cần nhấp chuột là nhận được hóa đơn

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội, hay một lĩnh vực mới mẻ tại nước ta. Đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN, thể hiện vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, bền vững.

Sự phát triển của TMĐT đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho việc xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh ở Việt Nam. Dựa trên mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, một thị trường TMĐT an toàn, lành mạnh là điều hoàn toàn có thể thực hiện khi có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương và những doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia vào thị trường trực tuyến.

Người nộp thuế làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” Cục Thuế TP. Hà Nội. Ảnh: Mai Lan

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, TMĐT, các giao dịch điện tử trở nên thịnh hành, thì việc triển khai hóa đơn điện tử đang và sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, mà cả đối với cơ quan thuế.

Đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt - một trong những đơn vị áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới cho biết, từ khi sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp không bị phụ thuộc vào việc nhận được hóa đơn theo đường bưu điện như cách làm truyền thống trước đây, bởi chỉ cần có internet thì trong vài thao tác nhấp chuột, người mua hàng sẽ nhận được hóa đơn dù đang ở bất cứ nơi nào. Cũng chính điều đó, doanh nghiệp cũng không lo tình trạng bị thất lạc hóa đơn trong khi chờ chuyển phát và tăng cường khả năng bảo mật, giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn.

80% người nộp thuế sử dụng vào cuối năm 2021

Nói về việc triển khai hóa đơn điện tử, ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội, một trong 6 tỉnh, thành phố triển khai hóa đơn điện tử đợt 1 cho biết, triển khai hóa đơn điện tử là chủ trương của Chính phủ, được lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Thuế đặc biệt quan tâm và có những chỉ đạo rất sát sao. “Điều này vừa là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm lớn đối với Cục Thuế TP. Hà Nội. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và yêu cầu các đơn vị triển khai kịp thời, hiệu quả” - ông Sơn nói.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cũng cho biết, tại các cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử đều yêu cầu các phòng, các chi cục thuế chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm hay, cách làm tốt để nhân rộng. “Với những vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị báo cáo ngay để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo việc triển khai đúng kế hoạch đã được đề ra, phấn đấu từ nay đến 31/12/2021 có 80% người nộp thuế trên địa bàn đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công” - ông Sơn nói.

Để phấn đấu đạt được chỉ tiêu này, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết đã yêu cầu các phòng, các chi cục thuế giao chỉ tiêu cụ thể tới từng cán bộ, công chức và có kiểm tra, đếm kết quả công việc hàng ngày. Báo cáo cho thấy, một số đơn vị triển khai đạt kết quả tốt như: Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng, Chi cục Thuế huyện Gia Lâm, Chi cục Thuế quận Đống Đa; Chi cục Thuế quận Ba Đình, Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm.

Để việc truyền nhận dữ liệu về hóa đơn điện tử diễn ra thông suốt, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội đã yêu cầu lãnh đạo các phòng, các chi cục trưởng chi cục thuế phân công cán bộ công chức tiếp nhận và xử lý tờ khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế kịp thời, đúng quy trình, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp, tổ chức giảm thiểu thay đổi khi áp dụng hóa đơn điện tử từ quy định cũ theo Thông tư 32/2011/TT-BTC sang quy định mới theo Thông tư 78/2021/TT-BTC.

Lợi ích của hóa đơn điện tử đối với người nộp thuế

Sử dụng hóa đơn điện tử các thủ tục hành chính thuế của doanh nghiệp được thực hiện điện tử nên chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan thuế về việc sử dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng và thuận tiện, không phải đăng ký mẫu hóa đơn, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế.

Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử giúp khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, hóa đơn khống nhằm mục đích gian lận thuế, từ đó tạo niềm tin cho khách hàng. Thông qua đó còn tạo ra hệ sinh thái đầu tư kinh doanh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện cách ly, giãn cách, hóa đơn điện tử được sử dụng rộng rãi sẽ giúp thông tin về hóa đơn của doanh nghiệp không vì bất cứ lý do gì mà gián đoạn, ngược lại vẫn được tập trung tại cơ quan thuế một cách liên tục từ thông tin về doanh thu đến chi phí hàng ngày của doanh nghiệp, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-day-phat-trien-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-96962.html