Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Với chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, tỉnh Hà Nam đã xuất sắc lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế số. Kết quả nổi bật này đánh dấu bước tiến vượt bậc của Hà Nam trên bản đồ kinh tế số quốc gia, mở ra cơ hội phát triển mới, đồng thời khẳng định vị thế của mình trong kỷ nguyên số hóa.

Đạt được thành tựu ấn tượng này là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và hoàn thiện hạ tầng viễn thông bảo đảm kết nối thông suốt. Cùng với đó, tỉnh tiên phong trong việc số hóa các thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các chính sách thuế điện tử đối với 100% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử…

Năm 2025, tỉnh ta xác định mục tiêu từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phục vụ của các cơ quan dựa trên công nghệ số; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số. Cụ thể, trong phát triển kinh tế số: tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt tối thiểu 15%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; 100% trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh; 95% cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng thuộc diện triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thực hiện triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để chống thất thu thuế…

Dây chuyền lắp ráp máy tính laptop tại Công ty TNHH Wistron Infocomm Việt Nam (KCN Đồng Văn III, Duy Tiên). Ảnh: Thế Trang

Dây chuyền lắp ráp máy tính laptop tại Công ty TNHH Wistron Infocomm Việt Nam (KCN Đồng Văn III, Duy Tiên). Ảnh: Thế Trang

Căn cứ vào các mục tiêu nêu trên, thời gian tới, tỉnh ta xác định tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số với một trong những trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cung cấp sản phẩm công nghệ số, phát triển nội dung số, quảng cáo số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số của địa phương. Nâng cao tỷ lệ giao dịch của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường số, bằng nền tảng số. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ số (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin), doanh nghiệp nền tảng số hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp với các mục tiêu: Tăng hiệu quả và năng suất, cải thiện trải nghiệm khách hàng, mở rộng thị trường và tăng doanh thu, tối ưu hóa quy trình quản lý, tận dụng dữ liệu và thông tin, tăng cường khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo; tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chính: Digital Marketing, quản trị số, chuyển đổi phương thức, mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên nền tảng, dữ liệu số; thực hiện hỗ trợ từ cơ quan nhà nước với phạm vi đại trà và có ưu tiên.

Xây dựng thị trường thương mại số phát triển bền vững, ứng dụng rộng rãi sàn thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; xây dựng hạ tầng số và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; ứng dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong cộng đồng. Thúc đẩy phát triển kinh tế số gắn kết đồng bộ các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thực hiện đồng bộ việc đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, chú trọng các lĩnh vực: Nông nghiệp; y tế; giáo dục và đào tạo; lao động, việc làm và an sinh xã hội; thương mại, công nghiệp và năng lượng; du lịch; tài nguyên và môi trường; tài chính, ngân hàng; giao thông, vận tải và logistics.

Với những kết quả đạt được cùng lộ trình thực hiện bài bản, khoa học, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nam đã và đang khẳng định chuyển đổi số không chỉ là xu thế, mà chính là con đường tất yếu để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Hà Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuc-day-phat-trien-kinh-te-so-155847.html