Thúc đẩy tăng trưởng thị trường nội địa: Cần đặc biệt quan tâm đến xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng
Ông Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và đào tạo - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương chia sẻ về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nội địa
Thưa ông, 8 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mức tăng 2 con số đã được duy trì liên tục từ đầu năm đến nay. Đây là điểm sáng tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô khác như xuất nhập khẩu, đầu tư suy giảm. Ông chia sẻ gì về những kết quả này?
Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế chung của thế giới đã suy giảm do những tác động, biến cố từ đại dịch Covid-19 cũng như diễn biến về địa chính trị. Những kết quả như vậy đạt được nhờ tổng hòa những chính sách sâu xa từ trước, trong và sau đại dịch. Đó là những chính sách ta đưa ra để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là việc nước ta sớm dỡ bỏ giãn cách xã hội đã tác động tích cực đến sản xuất trong nước. Từ đó, các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động sản xuất, kéo các doanh nghiệp và nhà đầu tư, người lao động nước ngoài quay lại làm việc, tác động đến tăng trưởng tổng mức bán lẻ trong thời gian sau đại dịch.
Thứ hai là sự nhận diện chính xác của Chính phủ trong việc xác định các trụ cột để duy trì tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tiêu dùng trong nước thời gian qua. Đặc biệt, giữa năm 2022, Chính phủ đã nhận ra rằng bức tranh kinh tế sẽ có xu hướng suy giảm dưới tác động của đại dịch và sự suy giảm bên ngoài nên đã xác định 2 trụ cột chính là rà soát, sát sao việc lập kế hoạch cho đầu tư công. Đồng thời xác định quy mô dân số trên 100 triệu dân và tiêu dùng trong nước chính là yếu tố chính duy trì tăng trưởng kinh tế trong nước cũng như tăng cường tiêu dùng nội địa. Đây là quyết sách lớn để tạo điều kiện cho thị trường nội địa tăng trưởng trong suốt những tháng vừa qua.
Mặc dù duy trì mức tăng khá cao trong một thời gian dài, song tiêu dùng trong nước có xu hướng đang giảm dần trong những tháng gần đây. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
Thực tế, kết quả trong những tháng đầu năm được hưởng lợi từ kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2022. Đầu năm 2023 cũng là thời điểm Tết Nguyên đán, xu hướng khởi sắc của du lịch đã giúp thị trường nội địa khởi sáng những tháng đầu năm.
Nguyên nhân tiếp theo là tác động tích cực khi Chính phủ có quyết sách thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công. Chưa năm nào tất cả lãnh đạo của Chính phủ đi theo giám sát từng dự án, địa phương để nhắc nhở về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như năm nay. Tôi cho rằng không chỉ năm nay mà cả những năm sau sự sát sao này vẫn sẽ diễn ra để là bệ đỡ duy trì kinh tế trong nước. Đây cũng là giải pháp mà các quốc gia khác sát sao thực hiện, Việt Nam cũng vậy.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, tốc độ tăng trưởng của thị trường nội địa dù vẫn đạt 2 con số (10% sau 8 tháng) xong tốc độ đang dần suy giảm. Hiện nay là tháng 9/2023, hy vọng tốc độ dù suy giảm nhưng sẽ được tháo gỡ phần nào bởi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vì theo quy luật thì những tháng cuối năm sẽ là thời điểm tốt hơn tiêu dùng vì trùng vào dịp Lễ, Tết cuối năm.
Chúng ta không nhìn thấy bức tranh quá ảm đạm vì sẽ có những yếu tố hỗ trợ trong dịp cuối năm. Tuy nhiên dự báo từ nay đến cuôi năm và đầu năm 2024, việc phục hồi kinh tế nói chung và thị trường nội địa nói riêng sẽ có những khó khăn lớn và cần những giải pháp nhìn nhận trước để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy sang năm họ sẽ bơm tiền cho tiêu dùng nội địa. Đây cũng là gợi ý cho Việt Nam trong thời gian tới.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức mua ở thị trường nội địa chính là nhiều khu vực doanh nghiệp sản xuất bị thu hẹp khiến thu nhập của người dân sụt giảm… Vậy, để thị trường trong nước giữ vững vai trò “chủ công” trong thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô cần những giải pháp gì, thưa ông?
Để duy trì tốc độ của thị trường trong nước những tháng cuối năm cũng như các năm tiếp theo, việc đầu tiên là Chính phủ cần sát sao việc đầu tư công để hỗ trợ cho đầu ra. Đây chính là yếu tố kéo theo mọi mắt xích của nền kinh tế. Hiện nay các chính sách còn có độ trễ cho nên chúng ta cần thực hiện nhanh và quyết liệt. Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vẫn là công cụ quan trọng, là bệ đỡ nền kinh tế, kéo theo sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kéo theo việc làm, từ đó kích thích tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 27 năm 2018 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương dù ra đời rất lâu nhưng do tác động của nền kinh tế khiến chi ngân sách chưa thể bố trí cho thực hiện Nghị quyết này. Trong khi việc tăng lương cho khối công chức viên chức là yếu tố rất quan trọng để tạo động lực cho tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hiện nay lãi suất cho vay đang quá cao, tăng trưởng tín dụng thấp thì nền kinh tế không thể tăng trưởng mạnh được. Biện pháp trước mắt cho thị trường chính là hạ lãi suất để đảm bảo sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Các giải pháp xúc tiến thương mại sẽ có tác động ra sao đối với việc tăng trưởng thị trường nội địa thời gian tới, thưa ông?
Đối với Bộ Công Thương, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều quyết sách liên quan thúc đẩy thị trường trong nước như Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó là triển khai hàng loạt các giải pháp kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại để thúc đẩy tăng trưởng thị trường.
Hoạt động xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng và theo tôi, trong thời gian tới, hoạt động này cần tập trung nhiều hơn cho phân khúc thị trường nông thôn. Đây là khu vực có quy mô dân số lớn, thu nhập của người dân đã dần được thu hẹp so với khu vực thành thị nên dư địa còn rất nhiều để có thể khai thác. Cho nên cần nhiều giải pháp đẩy mạnh kết nối cung cầu, đưa hàng về nông thôn.
Song song với đó, cần tăng cường phòng chống buôn lậu hàng nhái hàng giả để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất.
Đặc biệt, thương mại điện tử đang có tốc độ phát triển mạnh nên cần có giải pháp cụ thể để định hướng phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.
Đối với doanh nghiệp Việt, ông có lời khuyên gì với doanh nghiệp để chiếm lĩnh tốt hơn thị trường trong nước thời gian tới?
Trước tiên trong bối cảnh có nhiều khó khăn, các doanh nghiệp phải tự thân rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để có sự điều chỉnh, điều tiết để tiết kiệm chi phí cho việc duy trì sự phát triển, có cơ hội thì tận dụng tốt để phát triển trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa nên cần có những bộ phận cập nhật thông tin thị trường để nắm bắt tốt cơ hội.
Các DN cũng cần ý thức trong việc xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu sản phẩm. Đây là yếu tố sống còn. Trước đây nghe đến sản phẩm của Việt Nam, người tiêu dùng không quá mặn mà nhưng giờ thì họ ưu tiên hơn cho hàng Việt Nam. Đây là tín hiệu doanh nghiệp Việt Nam cần duy trì phát huy để có thể đứng vững được. Đây là giải pháp dài hạn nhưng ta phải nhìn nhận được tư duy của người tiêu dùng là sự thay đổi tích cực và là công sức của cả hệ thống chính trị xã hội trong xây dựng lên ý thức ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
Doanh nghiệp cũng cần theo dõi sát sao các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, đồng thời tích cực triển khai các chương trình khuyến mại, bố trí nguồn lực kinh phí để kéo dài thời gian và tăng cường điểm khuyến mại để thu hút người tiêu dùng.