Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới

Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang trở thành tiềm năng giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, mở rộng thị trường.

Dệt may trở thành 1 trong 5 ngành nghề có doanh thu xuất khẩu tốt thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: T.L.

Dệt may trở thành 1 trong 5 ngành nghề có doanh thu xuất khẩu tốt thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: T.L.

Thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu online

Ông Phan Văn Hiệu – Tổng Giám đốc CVI Pharma chia sẻ, bắt đầu bán hàng qua sàn TMĐT đi các nước từ đầu năm 2024. Thế nhưng, doanh nghiệp (DN) đã nhận được tín hiệu tích cực với kênh phân phối này. Hiện, đơn vị ghi nhận có hàng chục nghìn đơn hàng, doanh số đạt khoảng 20.000 USD/tháng. “Doanh số bán hàng trên TMĐT tử xuyên biên giới còn khá khiêm tốn nhưng tôi hy vọng sẽ có con số doanh thu lớn hơn. Lý do, đang được tổ chức bán hàng khá bài bản, đồng thời nhận được nhiều lời khen từ người tiêu dùng các nước. 10 năm mô hình truyền thống với nhiều khó khăn, ngược lại TMĐT đang tạo điều kiện chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tinh gọn. Chúng tôi xác định không chỉ cắm cờ mà phải thành nhà bán hàng thành công trên TMĐT tử xuyên biên giới” - ông Hiệu nói.

Là ngành lọt top 5 của những ngành hàng bán chạy, rất nhiều DN đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ hướng đến xuất khẩu online. Ông Phùng Quốc Mẫn – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho rằng, lạm phát tăng cao nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, điều này đồng nghĩa hàng tồn tăng cao... gây nhiều khó khăn cho ngành gỗ. Trước thách thức trên, DN nhìn lại điểm yếu của mình đó là công tác thị trường chưa được chú trọng, chưa tập trung vào các kênh phân phối, nhất là kênh phân phối qua sàn TMĐT. DN ngành gỗ đang xem TMĐT là một kênh quan trọng để phát triển sản xuất kinh doanh. Ngành gỗ và nội thất thông quan TMĐT xuyên biên giới hướng đến giữ vững vị trí ngành gỗ Việt trên thị trường thế giới.

Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, tốc độ TMĐT của Việt Nam đứng thứ 3 châu Á, tốc độ tăng trưởng trung bình dao động ở mức 20 - 30%. Đáng mừng, DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ đã tham gia sân chơi mới này thay vì các doanh nghiệp lớn, trong khi Việt Nam có đến 90% là DN vừa và nhỏ. Một vấn đề nữa cho thấy lợi thế của DN khi xuất khẩu qua TMĐT, đó là kim ngạch xuất khẩu TMĐT chỉ mới đạt 5 – 6 tỷ USD/350 tỷ USD xuất khẩu chung trong năm 2023. Điều này chứng tỏ, sân chơi còn rất lớn cho các DN tham gia.

Hỗ trợ doanh nghiệp cất cánh

Đánh giá cao hoạt động giao thương thông qua TMĐT, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, thông tin, thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang là xu hướng tất yếu giúp cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng trưởng doanh số. Đáng chú ý, TMĐT Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình 20% trong 10 năm qua. Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Ông Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cũng cho rằng, sở hữu kinh nghiệm sản xuất, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, và nhiều ngành hàng xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam liên tục mang đến những sản phẩm chất lượng, độc đáo, góp phần mở rộng lựa chọn sản phẩm cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới. Amazon ghi nhận, 5 năm qua số lượng DN Việt bán hàng trên sàn tăng 300%, số lượng DN bán hàng đạt doanh thu 1 triệu USD/năm tăng gấp 10 lần.

Tuy nhiên, đại diện Hawa cho rằng, mặc dù doanh số TMĐT của ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ vẫn tăng trưởng vượt bậc nhưng mức độ tham gia xuất khẩu qua TMĐT của DN Việt Nam còn hạn chế. Lý do, phần lớn DN chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Đa số các DN có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Để thúc đẩy sản phẩm gỗ nội thất Việt vươn tầm thế giới thông qua TMĐT, các DN phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Đặc biệt cần đầu tư nâng cao năng lực vận hành khi tham gia TMĐT xuyên biên giới nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định của thị trường tiêu dùng quốc tế.

Thời gian qua, các DN Việt Nam đã tự tin vươn ra biển lớn, chinh phục thị trường toàn cầu nhờ TMĐT xuyên biên giới. Thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Cục TMĐT và Kinh tế số đang triển khai nhóm giải pháp xây dựng thị trường TMĐT. Trong đó, củng cố niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát tạo ra môi trường phát triển lành mạnh cho DN. Bộ Công thương đã và đang phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai chuỗi các hoạt động liên kết vùng trong phát triển TMĐT; đào tạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMĐT cho các địa phương; quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương trên sàn TMĐT và các nền tảng số.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuc-day-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-10280780.html