Thực hiện tốt chính sách với người có công
Trong suốt chặng đường 80 năm kể từ ngày thành lập nước đến nay, Đảng, Nhà nước ta thường xuyên quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, cũng như phát động các phong trào đền ơn đáp nghĩa.

Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh to lớn của những người con đã hiến dâng xương máu, tính mạng vì non sông gấm vóc, vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc.
Tuy nhiên cứ vào những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc như dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước hiện nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại lớn tiếng lu loa, ra sức chống phá, xuyên tạc vấn đề chăm sóc người có công của Đảng, Nhà nước ta nhằm kích động tạo mâu thuẫn trong xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi mọi người dân cần tỉnh táo nhận diện và kịp thời đấu tranh, phản bác với mưu đồ thâm độc này.
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho công tác chăm sóc người có công. Ngày 11/2/1947, Người ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”, ghi nhận công lao của thương binh, bệnh binh, liệt sĩ.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người có công được thể hiện rõ trong lời dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và gia đình quân nhân là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Vì vậy, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.
Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, chính sách đối với người có công của Việt Nam tiếp tục được quan tâm và ngày càng hoàn thiện. Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, Nhà nước ta đã ban hành 24 văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công trong giai đoạn 1947-1954; 184 văn bản trong giai đoạn 1954-1975 và 523 văn bản trong giai đoạn 1975-1985.
Những năm gần đây, các chế độ, chính sách đối với người có công tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Tiêu biểu có thể kể Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (ban hành ngày 29/8/1994). Pháp lệnh này đã mở rộng đối tượng hưởng chính sách, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến chống Mỹ và các phong trào cách mạng trước năm 1945.
Tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đặt ra mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Mức trợ cấp ưu đãi cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh ở mức cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội.
Tại cuộc gặp mặt đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày 9/4/2025 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh to lớn của những người con đã hiến dâng xương máu, tính mạng vì non sông gấm vóc, vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc”.
Đồng thời Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống uống nước, nhớ nguồn, biết ơn và tri ân các thế hệ đi trước. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, dù khó khăn đến đâu, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và thực hiện tốt nhất có thể chính sách xã hội đối với người đã có công với nước, những người đã đóng góp, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc”.
Điều đó càng cho thấy, chính sách đối với người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thật sự là một biểu tượng tốt đẹp của truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là sự tri ân sâu sắc đối với những hy sinh lớn lao cho độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống những người đã cống hiến cho đất nước.
Tuy nhiên bất chấp thực tế đó, bất chấp thời điểm, cả nước đang nỗ lực triển khai rất nhiều hoạt động thiết thực chào mừng, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), 80 năm Ngày thành lập nước (2/9/1945- 2/9/2025), các thế lực thù địch lại ra sức sử dụng mọi thủ đoạn, tăng cường chống phá, xuyên tạc vấn đề chăm sóc người có công của Việt Nam.
Lợi dụng lý do kỷ niệm, ôn lại lịch sử, truyền thống, mượn danh nghĩa “dân chủ”, “nhân quyền” các đối tượng này lớn tiếng vu cáo Đảng và Nhà nước không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, từ đó mưu đồ gây mâu thuẫn, kích động, ươm mầm sự bất bình trong xã hội và người dân.
Thâm độc hơn, chúng ra sức xuyên tạc chính sách đối với người có công của Đảng, Nhà nước thực tế chỉ là bề nổi, mang tính hình thức, chỉ là trên giấy tờ, thiếu chiều sâu. Thậm chí, khi có tình trạng một số người nhận trợ cấp bị chậm trễ dù có lý do khách quan các đối tượng vẫn lập tức lớn tiếng quy kết cho rằng Nhà nước “vô ơn”, “vô trách nhiệm”, bôi nhọ các khoản hỗ trợ là “bố thí”, cố tình làm sai lệch ý nghĩa nhân văn của chính sách.
Trong khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, nhất là những người có công thì các thế lực thù địch, thiếu thiện chí lại càng ra sức thực hiện các âm mưu, thủ đoạn chống phá, cản trở việc thực hiện những chính sách nhân văn, tốt đẹp.
Một chiêu trò khác thường được các đối tượng thù địch sử dụng là cố tình đưa ra so sánh khập khiễng đối chiếu với các quốc gia phát triển, nơi điều kiện kinh tế vượt trội. Trong khi Việt Nam vốn là một đất nước phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh và đang vươn lên từ muôn vàn khó khăn.
Điều đáng nói, trong khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, nhất là những người có công thì các thế lực thù địch, thiếu thiện chí lại càng ra sức thực hiện các âm mưu, thủ đoạn chống phá, cản trở việc thực hiện những chính sách nhân văn, tốt đẹp.
Mục tiêu mà chúng hướng đến đó là kích động sự bất mãn trong xã hội; khoét sâu vào mất mát, nỗi đau chiến tranh, tổn thương của thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng; làm lung lay niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; làm lệch lạc nhận thức trong thế hệ trẻ, khiến họ quên đi những hy sinh thầm lặng của cha ông, quên đi tinh thần đoàn kết đã làm nên sức mạnh Việt Nam. Từ đó, mưu đồ kích hoạt các hoạt động gây bất ổn xã hội, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Tuy nhiên sự thật luôn là liều thuốc mạnh mẽ nhất để hóa giải những lời bịa đặt dối trá. Theo dõi trên thực tế có thể thấy các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ”, “Nhà tình nghĩa”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng”... được triển khai rộng khắp ở Việt Nam đã truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng, nhân lên sự biết ơn và niềm tự hào trong các tầng lớp nhân dân đối với thế hệ cha anh. Chính sách người có công tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, thực hiện chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2013-2019, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 339.176 hộ người có công có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt tỷ lệ 96,7%. Tính đến năm 2020, cả nước có khoảng 9 triệu người có công và thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi.
Trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước đã dành hàng trăm nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách trợ cấp, hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục nghề nghiệp cho người có công. Bên cạnh đó, trong công tác chăm sóc sức khỏe, chế độ bảo hiểm y tế miễn phí đã bao phủ toàn bộ người có công, giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng mà không phải lo lắng về chi phí.
Chính sách người có công không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lan tỏa giá trị tích cực trong đời sống xã hội. Bởi lẽ mỗi ngôi nhà tình nghĩa, mỗi suất trợ cấp đều là biểu tượng của lòng biết ơn, là lời nhắc nhở về trách nhiệm của cộng đồng đối với những người có công.
Bên cạnh đó, chính sách này góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự công bằng và ổn định trong cộng đồng. Với giới trẻ, các hoạt động tri ân, các câu chuyện về liệt sĩ, thương binh là bài học sống động về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết - những giá trị cần được gìn giữ trong thời đại hội nhập.
Những thành tựu của Việt Nam trong chính sách người có công không chỉ được nhân dân trong nước đồng tình, ủng hộ mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Báo cáo của tổ chức World Bank công bố ngày 12/4/2023 đánh giá tiến trình xóa nghèo và phát triển kinh tế của Việt Nam ghi nhận các chương trình hỗ trợ của Việt Nam, bao gồm chính sách dành cho người có công, đã góp phần giảm bất bình đẳng và cải thiện phúc lợi cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Báo cáo nhấn mạnh rằng chính sách này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn thể hiện sự gắn kết xã hội mạnh mẽ, một điểm mạnh của Việt Nam so với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp khác.
Ông Peter Boothroyd (người Canada), một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch phát triển và phát triển bền vững nhận xét rằng chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của Việt Nam là một cách tiếp cận độc đáo, kết hợp giữa giá trị văn hóa truyền thống và trách nhiệm nhà nước.
Ông đánh giá cao cách Việt Nam biến lòng biết ơn thành hành động cụ thể như hỗ trợ nhà ở, việc làm và y tế cho người có công, cho rằng đây là mô hình mà các quốc gia khác có thể học hỏi để tăng cường sự gắn kết cộng đồng.
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác chăm sóc người có công, song so với yêu cầu và mục tiêu đặt ra, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được kịp thời, quyết liệt giải quyết trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách. Chẳng hạn như việc triển khai chính sách ở một số địa phương còn chậm trễ do thủ tục hành chính phức tạp hoặc thiếu sự phối hợp đồng bộ, vẫn còn một số người có công chưa được tiếp cận đầy đủ các chế độ do khó khăn trong xác minh hồ sơ hoặc hạn chế về nguồn lực...
Để chính sách này tiếp tục phát huy hiệu quả, các cấp, các ngành chức năng cần có những điều chỉnh và đổi mới mạnh mẽ. Trước hết, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hồ sơ người có công, giúp rút ngắn thời gian xử lý và tăng tính minh bạch.
Thứ hai, cần chú trọng tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở để nâng cao năng lực triển khai chính sách. Đồng thời, cần mở rộng nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng cùng tham gia, tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ bền vững cho người có công.
Những nỗ lực đồng bộ và xuyên suốt này sẽ góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái và giàu truyền thống, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-hien-tot-chinh-sach-voi-nguoi-co-cong-post872449.html