Thuế quan của Mỹ có thể khiến châu Âu 'vĩ đại trở lại'?

Giới chuyên gia đánh giá rằng tác động từ chính sách áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ tạo ra một số lợi thế đáng kể cho nền kinh tế châu Âu.

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng đang có sự khác biệt đáng kể trong cách tiếp cận về vấn đề thuế quan giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Ông George Buckley - nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại tập đoàn tài chính Nomura (Nhật) lưu ý việc châu Âu đang "chỉ áp dụng thuế quan lên hàng nhập khẩu của một quốc gia duy nhất”, khác cách tiếp cận tối đa, áp thuế lên nhiều đối tác như của chính phủ Mỹ hiện nay, theo đài CNN.

Kể cả khi EU đưa ra những phản ứng mạnh mẽ hơn, có thể làm tăng mạnh giá hàng nhập khẩu từ Mỹ, tác động của căng thẳng thuế quan lên các nước châu Âu được cho là vẫn sẽ nhỏ hơn so với những gì Washington phải đối mặt.

 Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng đang có sự khác biệt đáng kể trong cách tiếp cận về vấn đề thuế quan giữa Mỹ và Liên minh châu Âu. Ảnh: AFP

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng đang có sự khác biệt đáng kể trong cách tiếp cận về vấn đề thuế quan giữa Mỹ và Liên minh châu Âu. Ảnh: AFP

Trên cơ sở này, các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng tác động từ chính sách áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ tạo ra một số lợi ích đáng kể cho kinh tế châu Âu, khiến EU “vĩ đại trở lại”.

Những lợi thế

Trước hết, chính sách của ông Trump áp thuế quan khổng lồ lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc sẽ khiến chuỗi cung ứng khổng lồ của Bắc Kinh dần dịch khỏi Mỹ và chuyển qua châu Âu, như những gì bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã mô tả với tờ Washington Post ngày 24-4.

Theo bà Lagarde, điều này sẽ có tác động làm giảm giá tiêu dùng trong nền kinh tế châu Âu, khi thị trường nhiều hàng hóa hơn, đồng nghĩa cạnh tranh nhiều hơn và giá thấp hơn cho người mua sắm.

"Và với việc Trung Quốc hiện đang phải đối mặt mức thuế quan cao hơn nhiều so với chúng tôi dự kiến, các nhà xuất khẩu của nước này có thể giảm giá hơn nữa để bán bớt hàng hóa ban đầu dự tính được gửi đến Mỹ" - ông Jack Allen-Reynolds - nhà kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn Capital Economics nhận định.

Bên cạnh đó, những lo ngại về tác động từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đối với nền kinh tế toàn cầu là một trong những yếu tố đẩy giá năng lượng xuống thấp: giá dầu thô Brent đã sụt giảm 17% kể từ ngày 2-4 khi ông Trump công bố áp thuế đối ứng lên toàn cầu, theo CNN.

Giá khí đốt tự nhiên cũng đã giảm và giảm mạnh hơn ở châu Âu so với Mỹ. Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 29-4 cho thấy giá khí đốt của Mỹ sẽ còn tăng mạnh vào năm 2025 và tiếp tục tăng trong năm 2026, trong khi giá khí đốt ở châu Âu được dự đoán sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2025 và giảm vào năm tới.

Kịch bản này có thể sẽ giúp nền kinh tế châu Âu chịu ít áp lực lạm phát hơn so với Mỹ, từ đó giúp Brussels có thêm không gian để ra quyết định kích thích tăng trưởng so với Washington.

Việc thay đổi chính sách đột ngột của Tổng thống Trump cũng khiến các nhà đầu tư phải tránh xa các tài sản của Mỹ, bao gồm cả đồng USD để tránh những rủi ro bất ngờ. Hệ quả là giá trị của đồng USD so với các loại tiền tệ khác đã giảm khoảng 9% kể từ cuối tháng 1-2025. Nhu cầu về trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đã giảm sau thông báo áp thuế đối ứng từ Mỹ, theo tờ Politico.

 Các chuyên gia đánh giá rằng tác động từ chính sách áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ mang lại một số lợi thế đáng kể cho nền kinh tế châu Âu. Ảnh: AFP

Các chuyên gia đánh giá rằng tác động từ chính sách áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ mang lại một số lợi thế đáng kể cho nền kinh tế châu Âu. Ảnh: AFP

Ngược lại, đồng euro đã mạnh lên đáng kể. Đồng tiền này đã tăng 3% giá trị so với các loại tiền tệ của các đối tác thương mại chính của EU, bao gồm cả đồng USD, đang tiến gần trở lại mức cao kỷ lục 1 euro đổi 1,1476 USD đã đạt được vào ngày 22-4. Chỉ so với đồng USD, đồng euro đã tăng mạnh hơn 4% kể từ ngày 2-4.

Cách biệt trong triển vọng

Với những hệ quả trên, các chuyên gia kinh tế đánh giá tình hình căng thẳng thương mại hiện nay có thể sẽ mang lại một số lợi thế quan trọng cho kinh tế châu Âu trước Mỹ.

Trong các bản báo cáo mới nhất do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 22-4, triển vọng của nền kinh tế Mỹ đang có nhiều biến động hơn so với triển vọng của kinh tế châu Âu trong năm 2025, mặc dù đang cùng chịu tác động từ bối cảnh căng thẳng thuế quan chung.

IMF dự báo Mỹ phải đối mặt sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng lớn, khi mà nền kinh tế của nước này có khả năng chỉ tăng trưởng 1,8% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2,8% vào năm 2024. Trong khi đó, tăng trưởng ở khu vực đồng euro được IMF dự báo chỉ giảm 0,2%, xuống còn 0,8% trong năm 2025 so với mức 1% của năm 2025.

Đặc biệt, IMF đã nâng dự báo lạm phát năm 2025 ở các nền kinh tế phát triển, trong đó có EU, từ mức 2% trong báo cáo hồi tháng 1-2025 lên mức 2,4%, trong khi nâng dự báo lạm phát ở Mỹ lên tới mức 3%.

Tuy vậy, kinh tế châu Âu vẫn đối mặt nhiều yếu tố rủi ro khác. Trong đó, Quốc hội Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - ngày 18-3 đã chấp thuận cải cách quy định "phanh nợ", tăng mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và quốc phòng. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo châu Âu vào tháng 3-2025 cũng đã công bố sẽ chi tới 800 tỉ euro nhằm cho kế hoạch “tái vũ trang châu Âu” vào năm 2030.

Những yếu tố này có thể sẽ đẩy lạm phát tăng cao hơn so với dự kiến, dẫn đến những thách thức khác cho tăng trưởng kinh tế châu Âu, giữa lúc căng thẳng thuế quan cùng tình hình chính trị quốc tế còn diễn biến phức tạp.

TRỌNG TẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/thue-quan-cua-my-co-the-khien-chau-au-vi-dai-tro-lai-post848297.html