Thuế quan của Mỹ - ngòi nổ chiến tranh thương mại

Ông Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế quan đối với Trung Quốc và các quốc gia thành viên khác của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, Mexico, Canada và các nhà sản xuất ô tô Đức.

Ông Donald Trump phát biểu tại lễ mừng chiến thắng trước khi nhậm chức ở Washington, DC tối 19/1/2025. Ảnh: Xinhua/TTXVN

Ông Donald Trump phát biểu tại lễ mừng chiến thắng trước khi nhậm chức ở Washington, DC tối 19/1/2025. Ảnh: Xinhua/TTXVN

Theo Đài đối ngoại Đức Deutsche Welle (DW), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ để thúc đẩy sản xuất trong nước. Ông Trump cho biết muốn khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp mua các sản phẩm do Mỹ sản xuất bằng cách làm cho hàng hóa nhập khẩu đắt hơn.

Ông tin rằng làm như vậy sẽ thúc đẩy việc làm và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Những người chỉ trích cảnh báo rằng việc áp một mức thuế suất cố định đối với tất cả hàng nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ vì giá cả tăng cao, gây thiệt hại nhiều nhất đến những người có thu nhập thấp. Ông Trump đã được khuyến cáo rằng thuế quan trên diện rộng, bao gồm cả đối với phụ tùng và nguyên liệu thô, sẽ khiến sản xuất của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, do đó khiến các nhà sản xuất của nước này kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu.

Trung Quốc sẵn sàng đối phó với bất đồng thương mại mới

Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ông Trump đã nhắm vào Trung Quốc để áp thuế trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, một chính sách mà chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden tiếp tục bằng cách hạn chế quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ như chip và trí tuệ nhân tạo.

Khi nhiệm kỳ tổng thống thứ hai bắt đầu, ông Trump đã cảnh báo sẽ áp thuế 20-60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Các nhà kinh tế và chuyên gia thương mại dự đoán làn sóng thuế quan tiếp theo của ông có thể áp dụng cho hàng hóa thành phẩm thay vì nguyên liệu thô.

Trong 11 tháng của năm 2024, Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên tới 270,4 tỷ USD. Ông Trump muốn giảm thâm hụt bằng cách khuyến khích nhiều nhà sản xuất chuyển sang Mỹ. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London đã cảnh báo trong một báo cáo gần đây rằng những người hưởng lợi chính từ mức thuế 60% đối với Trung Quốc sẽ là các nhà sản xuất giá rẻ khác, chứ không phải những nhà sản xuất Mỹ.

Trước lễ nhậm chức của ông Trump, các nhà nhập khẩu Mỹ đã tăng cường nhập hàng từ Trung Quốc để tránh mức thuế mới. Số container từ Trung Quốc được thông quan tại các cảng biển của Mỹ trong tháng 12/2024 nhiều hơn 14,5% so với cùng kỳ năm 2023, theo thông tin của hãng thông tấn Reuters, trích dẫn nhà cung cấp dữ liệu thương mại Descartes Systems Group.

Dự đoán về động thái tiếp theo của ông Trump, Bắc Kinh đã công bố mức thuế tạm thời đối với hàng nhập khẩu nhựa công nghiệp từ Mỹ.

Tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin ông Trump đã nói với các quan chức cấp cao rằng ông muốn đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm, cho thấy ông muốn đạt được một thỏa thuận.

Cảnh báo áp thuế 100% đối với các quốc gia BRICS

Ông Trump đã bày tỏ lo ngại về các cuộc thảo luận của BRICS, một nhóm các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhằm thiết lập một loại tiền tệ mới để cạnh tranh với đồng USD. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump cảnh báo sẽ áp thuế 100% đối với các nước BRICS nếu họ cố thách thức sự thống trị của đồng USD.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gần 2/3 dự trữ ngoại hối của thế giới được nắm giữ bằng đồng USD. Các mặt hàng chính như dầu mỏ vẫn chủ yếu được mua và bán bằng USD. BRICS đã phản hồi bằng cách nói rằng họ không có kế hoạch tung ra một loại tiền tệ mới và các cuộc thảo luận về việc ít phụ thuộc hơn vào đồng USD vẫn đang trong giai đoạn thăm dò.

Tương lai thỏa thuận thương mại Mỹ-Canada-Mexico

Theo ông Trump, Canada và Mexico không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận thương mại tự do mà ông đã giúp đàm phán. Tổng thống hiện cho biết Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), có hiệu lực vào năm 2020, là "thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được thực hiện" và cho biết ông có kế hoạch đàm phán lại thỏa thuận khi nó được xem xét trong năm tới.

Ông Trump cho rằng các nước láng giềng Bắc Mỹ đã không nỗ lực giải quyết nạn buôn lậu ma túy hoặc ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp qua biên giới với Mỹ. Ông cho biết USMCA không cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, vì vậy ông cảnh báo sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa từ cả hai quốc gia.

Tổng thống Trump gần đây đã nói với kênh tin tức Fox News của Mỹ, rằng ông cũng muốn có một thỏa thuận tốt hơn cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Ông đã mạnh miệng cảnh báo áp thuế 200% đối với ô tô sản xuất tại Mexico, có khả năng sẽ xóa sổ hoạt động xuất khẩu xe của nước này sang Mỹ.

Cả Canada và Mexico đều được cho là đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả. Tuần trước, Thủ tướng Canada sắp mãn nhiệm Justin Trudeau đã triệu tập một hội đồng quan hệ Canada-Mỹ gồm 18 thành viên mới thành lập lần đầu tiên để giúp chính phủ giải quyết mối đe dọa thuế quan.

Hội đồng bao gồm các đại diện từ ngành công nghiệp ô tô, năng lượng hạt nhân, nông nghiệp và phong trào lao động, cũng như Đại sứ Canada tại Mỹ.

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu tìm cách thỏa thuận

Tổng thống Trump đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô châu Âu tăng cường sản xuất tại Mỹ. Tại một cuộc vận động tranh cử ở Savannah, Georgia, ông đã đề cập về vấn đề này.

Mặc dù không nêu rõ con số thuế quan, ông Trump đã đề xuất những lợi ích về thuế cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài chuyển nhiều hoạt động sản xuất hơn sang Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc và coi Trung Quốc và Mỹ là thị trường chính cho tăng trưởng trong tương lai.

Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), gần 13% số lượng ô tô và phụ tùng ô tô do Đức xuất khẩu trong năm 2023 là tới Mỹ. Tháng 11, Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) đã cảnh báo nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump đánh dấu "thời điểm kinh tế khó khăn nhất" trong lịch sử hậu chiến của Đức.

Tuần trước, các hãng xe lớn của Đức bao gồm Mercedes-Benz và BMW đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đồng ý "thỏa thuận lớn" với Washington nhằm bảo vệ ngành này khỏi các mức thuế quan tiềm tàng.

Thu Hằng (TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thue-quan-cua-my-ngoi-no-chien-tranh-thuong-mai/360990.html