Thước đo trình độ hội nhập

Lần đầu tiên, Việt Nam chính thức công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA Index), đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Được ví như thước đo mới cho tiến trình hội nhập, FTA Index giúp các địa phương nhận diện điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực thi các cam kết FTA, là cơ sở để Chính phủ định hướng điều hành, xây dựng chính sách hội nhập phù hợp từng vùng, miền, địa phương.

Tận dụng FTA - “xa lộ lớn” thúc đẩy thương mại

Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với hơn 60 đối tác lớn trên thế giới. Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) đã khẳng định cam kết hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam, thể hiện vai trò, vị thế của đất nước, thể hiện sự hợp tác, tin tưởng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.

Các FTA này mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế, như: Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Các cam kết cải cách và minh bạch hóa thể chế trong khuôn khổ FTA cũng tạo động lực cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, các FTA không chỉ là "tấm hộ chiếu" giúp hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế mà còn là nền tảng then chốt để kết nối sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng).

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc thực thi các FTA thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là: Việc tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các địa phương và doanh nghiệp chưa đồng đều, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nắm rõ cam kết cụ thể và chưa đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, môi trường, lao động...; sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai FTA chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả, làm giảm tác động lan tỏa của các hiệp định. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng FTA Index. Đây là một công cụ mới, mang tính định lượng và hệ thống, được xây dựng dựa trên khảo sát thực tế doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bộ chỉ số FTA Index được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính tạo thành tổng điểm tối đa là 40, gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến FTA; thực hiện quy định pháp luật về FTA; chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai các cam kết về phát triển bền vững. Theo đó, tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về điểm số FTA Index năm 2024 gồm: Cà Mau (34,9 điểm), Thanh Hóa (34,13 điểm), Bình Dương (34,02 điểm), Khánh Hòa (32,92 điểm), Trà Vinh (32,74 điểm), Long An (32,50 điểm), Hà Giang (32,46 điểm), Bạc Liêu (32,43 điểm), Ninh Bình (31,74 điểm), Điện Biên (31,72 điểm). FTA Index 2024 ghi nhận điểm số trung bình của 63 tỉnh, thành phố là 26,20 điểm, trong khi tỉnh có điểm số thấp nhất chỉ đạt 14,49 điểm. Điều này phản ánh sự chênh lệch đáng kể trong năng lực thực thi FTA, cả về nhận thức, thể chế lẫn nguồn lực triển khai.

Doanh nghiệp FDI đầu tư và quan tâm khai thác FTA nhiều hơn

Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 12,4% doanh nghiệp trả lời “rất thường xuyên” và “thường xuyên” tham gia các sự kiện phổ biến tuyên truyền thông tin về FTA; có 35,3% doanh nghiệp thỉnh thoảng tham gia, có 16,6% doanh nghiệp trả lời hiếm khi tham gia, trong khi có 35,6% không tham gia. Đáng chú ý, có sự khác biệt lớn trong việc tận dụng hiệu quả các FTA. Trong đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tận dụng hiệu quả nhất với gần 35% cho biết là hiệu quả và 6,13% rất hiệu quả.

Có thể thấy, mặc dù đã có những sự chú ý nhất định, nhưng mức độ quan tâm và dành các nguồn lực cho việc tìm hiểu và tận dụng các FTA của doanh nghiệp vẫn chưa thật sự cao. Ngoài ra, sự thiếu hụt đối với bộ phận chuyên trách để nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về các FTA tại các doanh nghiệp cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tận dụng FTA nói chung. Cùng với đó, hiện nay, công tác hướng dẫn hoặc tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp về các văn bản pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết FTA của cơ quan quản lý nhà nước địa phương vẫn đang tập trung vào các cam kết liên quan đến quy tắc xuất xứ, biểu thuế ưu đãi, vốn là những lĩnh vực truyền thống trong các FTA. Tuy nhiên, xu hướng FTA hiện nay không chỉ dừng lại ở thương mại hàng hóa mà còn bao gồm các cam kết sâu rộng hơn trong các lĩnh vực như: Thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... Điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan Nhà nước cấp Trung ương và địa phương trong việc mở rộng phạm vi và tăng cường hướng dẫn đối với các lĩnh vực kể trên nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao trong các FTA thế hệ mới.

Là địa phương có số điểm dẫn đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại cho biết, tỉnh nhận thức rõ được vai trò, hiệu quả của các FTA. Do vậy, tỉnh thành lập ban chỉ đạo, gắn trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, tổ chức các cuộc cung cấp thông tin chuyên đề về các FTA giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin, tiếp cận các nguồn lực, đổi mới công tác xúc tiến thương mại...

Việc công bố chỉ số FTA Index mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng. Đây sẽ là công cụ đánh giá định lượng, khách quan, toàn diện, giúp Chính phủ, các cơ quan chức năng đo lường mức độ thực thi và tận dụng các FTA của các địa phương trong cả nước nhằm kịp thời nhận diện những điểm nghẽn trong quá trình thực thi các cam kết và đề xuất các giải pháp cải thiện cụ thể, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chính sách sản xuất, xuất nhập khẩu của các cấp chính quyền một cách sát thực, hiệu quả. Đặc biệt, chỉ số còn là lời nhắc nhở các địa phương không ngừng đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực thi có hiệu quả và tối ưu hóa các nguồn lực, các cơ hội từ các FTA.

Bài và ảnh: ĐAN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuoc-do-trinh-do-hoi-nhap-829368