Thuốc trị sỏi mật

Nếu không được điều trị đúng cách sỏi mật có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như viêm túi - ống mật, viêm đường mật cấp tính, thậm chí ung thư túi mật. Do đó, người mắc sỏi mật cần được can thiệp sớm, kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Khi bị sỏi mật, người bệnh có thể được chỉ định dùng một số loại thuốc, bao gồm:

1. Thuốc chống co thắt cơ trơn

Tác dụng: Thuốc chống co thắt co trơn thường dùng trong giảm các cơn đau quặn mật hoặc các cơn đau xuất phát từ việc tăng nhu động của hệ thống ống tiêu hóa… Các thuốc thường dùng là papaverin, visceralgin.

Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt, viêm gan, đau đầu...

Lưu ý: Không dùng thuốc kéo dài để tránh lệ thuộc thuốc.

2. Thuốc kháng cholinergic

Tác dụng: Các thuốc kháng cholinergic (như hyoscyamine và scopolamine) giảm cơn đau bằng cách làm giãn túi mật, nhờ ngăn chặn acetylcholine, một chất hóa học kích hoạt các cơn co thắt cơ, gây đau.

Tác dụng phụ: Các loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như khô miệng, mờ mắt, táo bón, ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp…

3. Thuốc chống viêm không steroid

Tác dụng: Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau quặn mật cấp tính, giảm các biến chứng do sỏi mật. Một số thuốc thường dùng như diclofenac, ketorolac, flurbiprofen, celecoxib, tenoxicam.

Tác dụng phụ: Các thuốc NSAID có thể gây một số tác dụng phụ như đau dạ dày, đau bụng, loét dạ dày gây chảy máu...

Lưu ý, với những trường hợp có vấn đề về xuất huyết tiêu hóa có thể được kê đơn celecoxib, vì nguy cơ xuất huyết tiêu hóa thấp hơn.

Sỏi mật có thể gây viêm túi mật, viêm đường mật cấp tính, thậm chí ung thư túi mật.

Sỏi mật có thể gây viêm túi mật, viêm đường mật cấp tính, thậm chí ung thư túi mật.

4. Thuốc làm tan sỏi mật

Tác dụng: Các thuốc nhóm này giúp hòa tan sỏi cholesterol dư thừa trong dịch mật, ức chế sản xuất cholessterol ở gan và ngăn ngừa hấp thu ở ruột.

Các thuốc bao gồm: Acid ursodeoxycholic (ursodiol), acid chenodesoxychlolic và rowachol.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như tiêu chảy, táo bón, phát ban ngứa, buồn nôn, nghiêm trọng hơn có thể gây viêm gan, loét dạ dày-tá tràng…

Lưu ý: Các thuốc làm tan sỏi mật chỉ có tác dụng với sỏi cholessterol có kích thước nhỏ (dưới 15mm). Thời gian sử dụng thuốc kéo dài, cần phải mất vài tháng hoặc nhiều năm điều trị để có kết quả. Sau khi ngừng dùng thuốc, nguy cơ tái phát sỏi mật vẫn cao.

Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại thuốc giảm nguy cơ biến chứng do sỏi mật: Kháng sinh nhóm aminoglycosid, quinolon hoặc colistin, các thuốc lợi mật, thông mật... Tuy nhiên, khi dùng thuốc điều trị biến chứng do sỏi mật cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ bởi các thuốc này đều có thể gây những tác dụng phụ nguy hiểm nếu lạm dụng. Trong thời gian dùng thuốc nếu gặp bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để có cách xử trí kịp thời.

4. Lưu ý khi dùng thuốc

- Thuốc điều trị sỏi mật thường được chỉ định trong các trường hợp:

Sỏi mật chưa gây ra biến chứng và kích thước của sỏi còn nhỏ;
Sỏi mật chưa bị vôi hóa, số lượng sỏi còn ít;
Chức năng túi mật vẫn còn tốt;
Ống dẫn mật không bị tắc, nghẹt.

- Thuốc trị sỏi mật chỉ dành cho những người không thể phẫu thuật.

- Chống chỉ định dùng thuốc ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Nếu buộc phải dùng, cần được sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.

- Không dùng đồng thời các thuốc trị sỏi mật với những loại thuốc trị bệnh đường tiêu hóa, bệnh gan, thuốc giảm mỡ, thuốc dạ dày.

6 thói quen gây sỏi mật.

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-soi-mat-169240611231341719.htm