Thương mại điện tử - cơ hội và thách thức| Nhìn ra thế giới| 12/10/2023

Không chỉ góp phần giảm bớt các rào cản trong thương mại toàn cầu, thương mại điện tử đã và đang thay đổi thế giới theo nhiều cách, mang lại sự tiện lợi, an toàn và hiệu quả cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc xuất hiện cách đây 20 năm và gồm nhiều tên tuổi lớn như Alibaba, JD, Pinduoduo, Meituan và Tencent. Theo báo cáo của hãng phân tích GlobalData, doanh số thương mại điện tử ở Trung Quốc đã phát triển nở rộ với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 11,2% trong giai đoạn 2018-2022 và đạt giá trị 13,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 2 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2022, chiếm 1/3 thị phần thương mại điện tử toàn cầu, theo sau là Mỹ và Vương quốc Anh. Trong năm 2023, vị trí dẫn đầu này của Trung Quốc được cho là khó lòng lay chuyển khi thị trường thương mại điện tử nước này liên tục chứng kiến tổng lợi nhuận tăng đáng kể trong 7 tháng đầu năm nay. Cuộc khảo sát mới nhất của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết, các công ty thương mại điện tử có tổng doanh thu tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, thị trường thương mại điện tử Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong những năm qua là nhờ sự phát triển và phổ biến rộng rãi của điện thoại thông minh. Điều này giúp số lượng khách hàng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, kèm theo đó là sự sẵn có của các giải pháp thanh toán trực tuyến. Không chỉ người dân Trung Quốc, mà khách du lịch quốc tế khi đến nước này - giờ đây có thể thực hiện thanh toán bằng chính ví kỹ thuật số họ đang sử dụng mà không mất thời gian đổi tiền phức tạp, nhờ mạng lưới liên kết nhiều ví điện tử nước ngoài.

“Tôi chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng, sau đó tìm và mở mã QR để thanh toán. Chỉ cần thêm một bước liên kết là tôi có thể thanh toán bằng chính ứng dụng mà chúng tôi thường dùng ở Malaysia. Nó khá thuận tiện.”, một khách hàng Malaysia cho biết.

"Hiện tại các đối tác ví điện tử của chúng tôi phần lớn đến từ Đông Nam Á. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tìm kiếm các đối tác với các dịch vụ thanh toán điện tử từ nhiều quốc gia trong khu vực hơn.”, Giám đốc phụ trách ALIPAY+, chi nhánh Thượng Hải nói.

Việc mua sắm trực tuyến cho phép khách hàng xem trước và mua sản phẩm thông qua các nội dung livestream cũng đã biến mua sắm trực tuyến thành một xu hướng tại Trung Quốc, khi ghi nhận số lượng người tham gia và doanh thu không ngừng gia tăng. Theo báo cáo do Viện Đo lường Quốc gia Trung Quốc và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ của Hải quan Trung Quốc công bố mới đây, doanh số từ hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn ở nước này trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 1.270 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 176,9 tỷ USD). Trong giai đoạn này, đã có hơn 110 triệu chương trình livestream bán hàng được thực hiện, giới thiệu tới người tiêu dùng hơn 70 triệu mặt hàng. Các mặt hàng như đồ trang sức, dụng cụ thể thao, quần áo và đồ lót là những sản phẩm được săn đón nhiều trên các nền tảng phát trực tiếp này.

Các nhà phân tích đánh giá, thị trường thương mại điện tử Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 11,6% từ nay cho đến cuối thập kỷ, và sẽ đạt 23,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,3 nghìn tỷ đô la Mỹ) vào năm 2027. Bên cạnh các yếu tố như số lượng người mua sắm trực tuyến, sự cải thiện và phổ biến của các cơ sở hạ tầng, phương tiện thanh toán, thì trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ cách mạng hóa thương mại điện tử thông qua các ứng dụng phân tích bán hàng, xác định xu hướng trong hành vi, sở thích và thói quen mua hàng của khách hàng, tối ưu hóa chiến lược định giá, cải thiện quản lý hàng tồn kho, và phát hiện hoạt động gian lận. Thậm chí, một số thương hiệu đang sử dụng người mẫu AI để livestream bán hàng.

Tại Indonesia, mua sắm trực tuyến đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhất là kể từ sau đại dịch COVID-19. Nhiều mạng xã hội đã tận dụng số người dùng đông đảo tại quốc gia Đông Nam Á này và đưa vào tính năng mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, mới đây, Indonesia đã ban hành lệnh cấm mua bán hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội, trong một động thái được các chuyên gia đánh giá là để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng thị trường truyền thống trước tình trạng bán phá giá trên các nền tảng thương mại điện tử. Lệnh cấm mới được cho sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến nền tảng video ngắn như TikTok và Tiktok Shop. Được biết, Indonesia là thị trường lớn thứ 2 thế giới của TikTok với 125 triệu tài khoản hoạt động hàng tháng - ngang với châu Âu và chỉ xếp sau 150 triệu người dùng ở Mỹ.

Theo quy định được Bộ Thương mại Indonesia công bố, các cá nhân, doanh nghiệp trên mạng xã hội như TikTok, Facebook hay Instagram sẽ không thể giao dịch trực tiếp mà chỉ có thể quảng bá sản phẩm. Quy định này nhằm bảo đảm cạnh tranh trong kinh doanh, đồng thời bảo vệ dữ liệu người dùng.

“Các nền tảng thương mại điện tử khác vẫn được hoạt động nhưng riêng mạng xã hội là phải tách biệt ra, không thể nào kết hợp cả mạng xã hội lẫn bán hàng trên mạng được", Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan nói

Quy định mới cũng nêu rõ danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu cần đáp ứng các yêu cầu tương tự như hàng nội địa, hoặc chứng nhận Halal cho sản phẩm thực phẩm và sự cho phép của Cơ quan Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia đối với các sản phẩm chăm sóc da hoặc làm đẹp. Ngoài ra, quy định cũng yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử ở Indonesia đặt mức giá tối thiểu là 100 USD cho một số mặt hàng mua trực tiếp từ nước ngoài. Động thái được đưa ra khi hàng hóa nước ngoài giá rẻ ngày càng phổ biến ở Indonesia thông qua các nền tảng truyền thông xã hội. Nếu các công ty nào vi phạm, sẽ bị cảnh cáo và đối mặt với nguy cơ thu hồi giấy phép kinh doanh.

Tuy nhiên, lệnh cấm này gây ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng các doanh nghiệp chuyên bán hàng online. Đặc biệt là từ sau dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp chỉ dựa vào doanh thu đến từ bán hàng trên mạng. Một trong những mạng xã hội bị ảnh hưởng nặng nhất từ lệnh cấm là TikTok thuộc Công ty Bytedance của Trung Quốc, khi chỉ 3 tháng trước TikTok còn cam kết đầu tư hàng tỉ USD vào khu vực Đông Nam Á trong những năm tới, chủ yếu là ở Indonesia, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop. Phản ứng trước lệnh cấm, đại diện TikTok tại Indonesia cho biết, việc tách phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử thành các nền tảng khác nhau sẽ cản trở xu thế đổi mới. Họ hy vọng chính phủ Indonesia sẽ cung cấp một sân chơi bình đẳng cho các nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, Tiktok cũng lo ngại lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của 6 triệu người bán hàng địa phương đang hoạt động trên TikTok Shop.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, Indonesia - với dân số hơn 270 triệu người, đã tạo ra các giao dịch thương mại điện tử trị giá gần 52 tỷ USD vào năm ngoái. Trong đó, 5% lượng giao dịch này diễn ra trên TikTok, thông qua hình thức livestream bán hàng.

Tại Mỹ, livestream bán hàng là một hình thức phổ biến mà các gã khổng lồ thương mại điện tử như Amazon sử dụng để giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Các nền tảng tại Mỹ đặc biệt quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Do đó, hàng hóa trên các livestream đều tuân thủ điều khoản về việc cấm bán hàng giả; nâng cao quy trình thẩm định bên bán hàng thứ ba, đồng thời đơn giản hóa các quy định đối với bên giữ bản quyền sở hữu trí tuệ của hàng hóa, cho phép họ dễ dàng khiếu nại vấn đề hàng giả và yêu cầu gỡ bỏ hàng giả đang niêm yết bán trực tuyến.

Ngoài việc kiểm soát hình thức livestream bán hàng, chính phủ Mỹ cũng thúc đẩy các giải pháp đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh của các sàn thương mại điện tử. Mới đây, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã khởi kiện hãng thương mại điện tử lớn nhất đất nước là Amazon với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền, gây tổn hại cho người tiêu dùng, khi khiến họ phải mua hàng với giá cao. eBay-một nền tảng thương mại điện tử khác cũng bị Bộ Tư pháp Mỹ đâm đơn kiện với cáo buộc chào bán các sản phẩm và thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải của xe cơ giới, ghi nhãn hiệu sai hoặc được quy định hạn chế sử dụng.

Tại châu Âu, Nghị viện châu Âu đã ban hành Đạo luật Thị trường kỹ thuật số và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số để nâng cao tính cạnh tranh và đảm bảo quyền được lựa chọn của người tiêu dùng. Các đạo luật đặt ra các quy tắc cho những công ty kiểm soát dữ liệu người dùng và quyền truy cập các nền tảng phổ biến, như mạng xã hội, dịch vụ quảng cáo trực tuyến và dịch vụ chia sẻ video. Doanh nghiệp có thể quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh trên một nền tảng, đồng thời đạt thỏa thuận với khách hàng bên ngoài nền tảng đó. Tuy nhiên, các nền tảng phải xác minh danh tính nhà cung cấp trước khi bán các sản phẩm và ngăn chặn việc mua, bán hàng hóa bất hợp pháp. Các chuyên gia đánh giá, hai đạo luật này sẽ bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng và các quyền cơ bản của họ; thiết lập tính minh bạch mạnh mẽ và khuôn khổ trách nhiệm giải trình rõ ràng cho các nền tảng trực tuyến; thúc đẩy sự đổi mới, tăng trưởng và khả năng cạnh tranh trong một thị trường; hướng tới không gian kỹ thuật số lành mạnh, an toàn, và tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp kỹ thuật số và thương mại điện tử.

Tại Trung Quốc, Bộ Du lịch - Văn hóa nước này đã quy định những người livestream phải cung cấp tên thật và mã tín dụng xã hội, chính là mã số thuộc hệ thống chấm điểm công dân dựa trên hành vi của Chính phủ Trung Quốc. Các nền tảng phát trực tuyến sẽ báo cáo thường xuyên các mã này cho chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, những người livestream sẽ phải trên 16 tuổi, trừ khi được sự đồng ý của người giám hộ. Họ cũng có trách nhiệm phải thường xuyên theo dõi nội dung livestream và dừng mọi quảng cáo bất hợp pháp. Đối với những lĩnh vực như y tế, tài chính, luật, giáo dục, người livestream phải có trình độ chuyên môn mới được phát trực tiếp. Ngoài ra, các nền tảng như Taobao của Alibaba, Douyin của Bytedance hay Kuaishou có nghĩa vụ phải lập danh sách đánh giá tín dụng những người phát trực tiếp và đưa vào danh sách đen bất cứ ai vi phạm luật.

Thương mại điện tử đang hướng đến việc đầu tư có chọn lọc và tối ưu chi phí để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế. Phát triển bền vững là xu hướng phát triển bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử để thích nghi và tăng khả năng nắm bắt cơ hội trước những biến động bên ngoài. Và Các nhà khởi nghiệp sẽ có cơ hội mới để cạnh tranh công bằng, bình đẳng, trong khi người tiêu dùng sẽ có nhiều dịch vụ tốt hơn để lựa chọn. Các nhà phân tích cho biết, thương mại điện tử giá rẻ sẽ thống trị toàn cầu trong mùa mua sắm quan trọng sắp tới ở phương Tây và Ngày lễ Độc thân 11/11 ở Trung Quốc.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thuong-mai-dien-tu-co-hoi-va-thach-thuc-nhin-ra-the-gioi-12-10-2023-197427.htm