Thương mại tự do nóng lên cùng biến đổi khí hậu

Thương mại tự do có thể được đưa vào cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu và đã đến lúc thế giới phải đưa chủ đề này vào Hội nghị COP28.

Trong ảnh: Khí thải từ nhà máy điện than ở New Haven, Tây Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ảnh: Khí thải từ nhà máy điện than ở New Haven, Tây Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Le Monde (Pháp), thương mại tự do có thể được đưa vào cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu và đã đến lúc thế giới phải đưa chủ đề này vào Hội nghị các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28).

Lần đầu tiên, một hội nghị về khí hậu (COP28), dự kiến được tổ chức tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) từ ngày 30/11 -12/12, sẽ xem xét vai trò của thương mại toàn cầu đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo quan điểm của những người phản đối thương mại tự do, chi phí dành cho môi trường - một vấn đề lâu nay vẫn bị bỏ quên - phải được đặt lên trên các lợi ích thương mại. Chính vì vậy mà vào năm 2020, Pháp đã phản đối việc ký Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và 4 quốc gia Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay. Đơn giản là bởi nó có nguy cơ đẩy nhanh nạn phá rừng Amazon dẫn đến rủi ro về khí hậu.

Một lập luận khác được đưa ra: việc di dời các nhà máy đến các quốc gia có nguồn nhiên liệu hóa thạch dồi dào và chi phí thấp hơn năng lượng Mặt Trời hoặc năng lượng gió cũng làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu. Cuối cùng, vận tải hàng hải, chiếm 80% thương mại hàng hóa trên thế giới, đóng góp 3% lượng khí thải nhà kính trên hành tinh.

Nhưng cũng cần khẳng định rằng tự do thương mại cũng thúc đẩy việc phổ biến các công nghệ sạch. Ví dụ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tính toán rằng toàn cầu hóa và các chuỗi giá trị của nó là nguyên nhân khiến giá tấm pin Mặt Trời giảm đến 40% từ năm 2001. Theo WTO, việc giảm rào cản hải quan đối với một số sản phẩm và công nghệ sạch có thể giảm phát thải khí nhà kính 0,6%.

Dù vậy, việc tự do hóa thương mại các công nghệ sạch này không phải lúc nào cũng tương thích với chủ nghĩa về kinh tế. Để bảo vệ ngành công nghiệp của mình, Ấn Độ đã áp thuế hải quan trung bình 30% đối với các tấm quang điện nhập khẩu. Và Pháp cũng có thể áp dụng các biện pháp bảo hộ theo cách tương tự bằng cách chỉ phân phối tiền thưởng mua hàng cho những chiếc xe điện được sản xuất tại các nhà máy ở châu Âu.

Lập luận về cuộc chiến chống hiện tượng nóng lên toàn cầu đôi khi bị sử dụng sai để biện minh cho chính sách “chủ quyền công nghiệp” - một tên gọi khác của chủ nghĩa bảo hộ. Điều này gây phức tạp thêm cho việc thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu. Khi một quốc gia bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy hoặc lũ lụt tìm cách phục hồi nhanh nhất có thể, việc cung cấp vật liệu xây dựng, thực phẩm hoặc thuốc men có thể bị chậm lại do những rào cản đó. Thương mại toàn cầu giúp dễ dàng hấp thụ những "cú sốc" do thiên tai gây ra.

Để có tác động tích cực đến khí hậu, trước hết cần xác định lại các quy tắc. Điều này sẽ mang lại một lý do mới cho sự tồn tại của WTO, vốn đã bị suy yếu rất nhiều do các cạnh tranh địa chính trị. Đến nay đã có không dưới 70 hệ thống định giá CO2 trên khắp thế giới. Việc áp dụng một phương pháp định giá chung sẽ giúp ngăn chặn các doanh nghiệp "né" các lỗ hổng.

Nếu giá một tấn khí thải carbon ở mọi nơi đều như nhau thì các quốc gia có thể sử dụng nguồn năng lượng Mặt Trời hoặc gió làm lợi thế so sánh để thu hút các nhà máy đến với mình. Đây sẽ là một lợi ích cho các quốc gia đang phát triển có nguồn tài nguyên dồi dào, miễn là họ có thể tài trợ cho việc xây dựng tuốc-bin gió hoặc trang trại năng lượng Mặt Trời. Đã đến lúc các nước phải đưa chủ đề này vào COP28 cũng như các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do. Hiện tại chỉ có khoảng 60 hiệp định thương mại khu vực, trong số 349 hiệp định hiện có trên thế giới, có một chương dành cho vấn đề nóng lên toàn cầu./.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuong-mai-tu-do-nong-len-cung-bien-doi-khi-hau/305234.html