Thủy chung với nghề truyền thống
Sau khi đưa khách tham quan vườn hoa cúc chuẩn bị đón Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII, bên chén trà chiều muộn (tại số 65 - Nguyễn Hữu Cảnh - Phường 8 - TP Đà Lạt), câu chuyện hơn 20 năm thủy chung với cây hoa của nông dân Tạ Minh Quân (sinh 1969) khiến tôi quý hơn những con người thầm lặng đã góp phần làm đẹp cho Đà Lạt mỗi ngày...
Lắm bận lao đao
Anh Quân cho biết, gia đình anh là một trong những hộ dân đầu tiên của Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) vào Đà Lạt lập nghiệp từ những năm 1935 của thế kỷ trước. Ông ngoại anh là cụ Nguyễn Văn Hiệu có trong tốp người Hà Đông đầu tiên được đưa vào Đà Lạt để trồng hoa, rau tươi phục vụ cho người Pháp.
Cũng như các hộ khác, ông bà ngoại và sau này bố mẹ anh Quân chuyên trồng rau để có cái ăn trong những năm đầu đến Đà Lạt còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; dần dần chuyển sang trồng các loại hoa như huệ, lay ơn, cúc Nhật... góp phần hình thành ấp Hà Đông, làng hoa Hà Đông - làng hoa đầu tiên và nổi tiếng của Đà Lạt ngày nay.
Gia đình có 7 anh em, phần lớn học hành thành đạt và làm việc trong các cơ quan nhà nước, duy chỉ có anh Quân gắn bó với nghề trồng hoa truyền thống của gia đình. Anh cười nói: “Có lẽ cái số và cũng là sở thích của tôi với nghề trồng hoa do gia đình truyền lại...”.
Gia đình có 4.000 m2 đất chuyên sản xuất rau, hoa; khi bố mẹ già yếu và các anh chị lo làm việc cơ quan đã giao hết cho anh Quân canh tác. Tích lũy kinh nghiệm trồng hoa từ bố mẹ; tham gia các khóa tập huấn, chuyển giao KHKT do Hội Nông dân tổ chức và tự tìm tòi, học hỏi kiến thức từ các nhà vườn trong vùng, vợ chồng anh Quân tập trung vào nghề trồng hoa; theo anh, nghề này đã từng khiến anh lắm bận lao đao...
Anh chia sẻ, trong suốt hơn 20 năm theo đuổi nghề trồng hoa của vợ chồng anh đã có giai đoạn tưởng chừng vỡ nợ vì thất bại nặng nề, lún sâu việc nợ ngân hàng, người thân... Nhưng rồi, với bản lĩnh của người trồng hoa trong một gia đình có truyền thống, với tình yêu hoa, thủy chung với hoa đã giúp vợ chồng nông dân này lần lượt vượt qua bao nhiêu khó khăn, khốn đốn để phát triển và thành công như hôm nay.
Anh Quân cho biết, liên tiếp 8 năm (từ 1998 đến 2005) là giai đoạn anh gặp khó khăn, trầy trật nhất. Năm 1998, hộ anh Quân tiên phong đưa giống hoa lyli vào trồng đầu tiên tại Phường 8; hoa phát triển rất tốt, ngặt nỗi trên thị trường khi đó chưa chuộng loài hoa này nên sản phẩm không tiêu thụ được. Sang năm 2000, anh Quân (người thứ hai sau nhà nông Vũ Nhuần - Phường 8) đầu tư xây dựng nhà kính và trồng hoa cẩm chướng. Số tiền anh vay ngân hàng và vay mượn đầu tư (khi đó) trên 40 cây vàng. Vì nhà kính của anh nằm đơn độc giữa tứ bề trống trơn của cả vùng rau, hoa và kỹ thuật xây dựng thiếu chắc chắn nên đã bị một trận lốc xoáy lớn xô ngã hoàn toàn làm tất cả hoa trồng bị hư hại nặng...
Thất bại này, những tưởng đã trắng tay và nợ nần không sao trả nổi. Song, vì sống chết với cây hoa, với nghề tổ tiên, vợ chồng anh Quân bàn nhau “gỡ khó” bằng cách tháo dỡ nhà kính và xây dựng lại chắc chắn hơn từng phần; và, tiếp tục trồng hoa trong từng phần của nhà kính vừa xây dựng lại... Kiến thức, kinh nghiệm được nông dân Tạ Minh Quân rút ra từ những thất bại ban đầu khá “đắt giá” trong nghề trồng hoa công nghệ mới để rồi thành công trong những mùa sau...
Đạt thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”
Ngoài thất bại trong xây dựng nhà kính, sản xuất hoa công nghệ cao, Tạ Minh Quân còn “thử nghiệm” nhiều giống hoa trong quá trình “đi tìm” sản phẩm đích thực để làm giàu. Từ “trồng thử” các giống hoa cao cấp (lyli, cúc Nhật, lay ơn, cẩm chướng, cát tường...), cuối cùng anh Quân nhận ra, so với các loài hoa khác thì cây hoa cúc tiêu thụ trong nước mạnh và ổn định nhất (nếu có rủi ro thiệt hại cũng không cao). Do đó, từ năm 2006 đến nay, nhà nông Tạ Minh Quân chuyên trồng hoa cúc các loại trên 4.000 m2 đất trong nhà kính của mình và đã mang lại thu nhập khá cao và ổn định.
Hiện tại, anh Quân đang canh tác 2 giống hoa cúc là cúc bình bông (còn gọi cúc ping - pong) có 2 màu chủ lực là vàng và trắng (loài cúc này có bông hoa hình tròn khá đẹp, được thị trường ưa chuộng) và cúc cao cấp kim cương (cũng 2 màu vàng, trắng). Trung bình mỗi bông cúc ping - pong có giá bán tại vườn từ 400 - 600 đồng/cành; cúc kim cương có giá cao vượt trội: trên 2.000 đồng/cành.
Để có sản phẩm bán thường xuyên hàng tháng trong năm, anh Quân xuống giống nhiều đợt và trồng xen các giống cúc trong vườn. Anh cho biết, cúc ping - pong từ khi xuống giống đến khi thu hoạch là 3,5 tháng; còn cúc kim cương thời gian dài hơn (4,5 tháng). Toàn bộ sản phẩm hoa cúc của anh Quân được một đại lý hoa tại Chợ đầu mối Đầm Sen (TP HCM) bao tiêu rất ổn định. Từ năm 2006 đến nay là giai đoạn nhà vườn Tạ Minh Quân “đắc ý” nhất. Đặc biệt, năm 2010, hoa cúc ping - pong của anh Quân còn nhận được hợp đồng cung cấp cho Công ty Rừng hoa Đà Lạt xuất khẩu sang Nhật Bản đã thu về trên 300 triệu đồng.
Sản xuất, kinh doanh phát triển, vợ chồng không kham hết việc, anh phải thuê thêm 6 lao động người miền Trung làm việc và trả công hàng tháng. Đồng thời, vườn hoa của anh còn là nơi tìm đến của đông đảo sinh viên các trường Đại học Yersin, Đại học Đà Lạt làm thuê để kiếm thêm tiền ăn học. Vào các vụ chính, vợ chồng anh Quân thuê hàng chục lao động làm việc (làm giống, chuyển phân, tro...). Mỗi công lao động nữ được trả 270.000 đồng/ngày; lao động nam 400.000 đồng/ngày.
Anh Quân tâm sự, hiện con trai đầu anh học năm cuối Đại học Yersin - Đà Lạt (con gái út học lớp 9) nên vợ chồng anh rất quý sinh viên và thường tạo việc để các bạn trẻ làm việc tại vườn hoa của anh vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, kiếm tiền trang trải trong học tập, nhất là những sinh viên nghèo xa nhà...
Sau nhiều năm lao đao với cây hoa, đến nay hộ gia đình Tạ Minh Quân có thu nhập khá và ổn định; trung bình mỗi năm tích lũy trên 300 triệu đồng; đặc biệt, các khoản vay để khắc phục thiên tai, thất bại trước đó, anh đã trả dứt điểm.
Ngoài tích cực sản xuất, anh Quân đã tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau, hoa Hà Đông để hỗ trợ nhau kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2015, gia đình anh Tạ Minh Quân được UBND TP Đà Lạt tặng Giấy khen có thành tích trong sản xuất hoa và là điểm tham quan của làng hoa Hà Đông; được cấp Giấy chứng nhận “Quyền sử dụng nhãn hiệu Hoa Đà Lạt”; năm 2017 được UBND TP Đà Lạt cấp Chứng nhận Nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho sản phẩm hoa cúc của anh...
Hiện nay, nhà nông Tạ Minh Quân đang đầu tư hơn 200 m2 trồng thử hoa cúc Nhật (giống mới) và 500 m2 hoa cúc kim cương, ping - pong chuẩn bị phục vụ khách tham quan trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII sắp tới. Đồng thời, anh đang đầu tư chăm sóc trên 40.000 cây hoa cúc các loại chuẩn bị cho đợt hoa Tết Canh Tý... Chắc chắn sẽ bội thu - anh tươi cười khi chia tay khách...
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201912/thuy-chung-voi-nghe-truyen-thong-2977017/