Tiềm năng lớn của cảng nước sâu Trần Đề
Theo quy hoạch, diện tích cảng biển nước sâu Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) khoảng 550ha, cầu cảng vượt biển dài 16km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT...
Chiều 29/7, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đầu tháng 8 này, tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ tổ chức hội thảo về cảng nước sâu Trần Đề, tập trung thảo luận về sự cần thiết đầu tư cảng nước sâu tại Trần Đề và vai trò của cảng trong hệ thống logistics quốc tế. Sóc Trăng cũng muốn lắng nghe các nhà đầu tư đề xuất cơ chế, vốn để đầu tư vào dự án này. Hiện tỉnh đang tích cực thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai dự án này.
Theo ông Trần Văn Lâu, đầu tư vào cảng nước sâu Trần Đề, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, như: áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Đồng thời, nhà đầu tư cũng được miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất…
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 886 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng nhu cầu sử dụng đất để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 33.600ha; tổng nhu cầu sử dụng mặt nước đến năm 2030 là 606.000ha. Khu cảng Trần Đề - Sóc Trăng thuộc danh mục dự kiến sử dụng vốn của doanh nghiệp, khoảng 50.000 tỉ đồng.
Ông Trần Văn Lâu cho biết thêm, theo quy hoạch, diện tích cảng biển nước sâu Trần Đề khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài 16km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu Container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…
Từ năm 1994 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về việc xây dựng cảng nước sâu trung tâm vùng ĐBSCL. Năm 2019, Bộ GTVT đã thực hiện nội dung nghiên cứu các vị trí trong vùng nhằm tìm vị trí thích hợp xây dựng cảng biển nước sâu trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.
Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng là vị trí ưu thế nhất, chiếm số điểm cao nhất (62 điểm) về lợi thế so sánh. Việc xây dựng cảng biển nước Trần Đề còn có ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh của vùng và khu vực; tạo điều kiện thuận lợi cho kết hợp giữa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh...
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/tiem-nang-lon-cua-cang-nuoc-sau-tran-de-i702050/