Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng
An Giang với sự đa dạng về địa hình (đồi núi, đồng bằng, sông ngòi, biển đảo), dân tộc - tôn giáo, loại hình kinh tế; con người thân thiện, nhiệt tình… có rất nhiều tiềm năng cho việc phát triển du lịch (DL) cộng đồng. Đặc biệt, loại hình DL này không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương một cách bền vững.
Không chỉ nổi bật bởi cảnh quan thiên nhiên phong phú với sông nước, đồng bằng và núi non giao thoa, biển đảo, tỉnh An Giang còn là vùng đất hội tụ bản sắc văn hóa đặc trưng của nhiều cộng đồng dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Khmer, Chăm và Hoa…
Trong bối cảnh phát triển DL gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mô hình DL cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa đang từng bước hình thành và khẳng định vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Hiện nay, các tour, tuyến DL cộng đồng của tỉnh An Giang đã được đưa vào khai thác và đã nhận được sự đón nhận tích cực của du khách. Tại xã Châu Phong, bà con đồng bào dân tộc Chăm địa phương đã liên kết, cho ra mắt mô hình Tổ hợp tác DL cộng đồng làng Chăm, do ông Mohamad (chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm xã Châu Phong) làm tổ trưởng.
Dịch vụ tại đây sẽ đưa du khách đến tham quan các địa điểm DL nổi tiếng của địa phương; trải nghiệm ẩm thực, đời sống, hoạt động sản xuất của người dân. Cụ thể như, tham quan quy trình sản xuất tung lò mò (lạp xưởng bò) của hộ kinh doanh Anas - một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu địa phương; thưởng thức bánh bò nướng (Ha-cô) của nghệ nhân Rô Phi Á. Du khách còn được trải nghiệm quy trình dệt thổ cẩm tại cơ sở dệt thổ cẩm của ông Mohamad; chụp hình “phòng cưới” truyền thống của đồng bào Chăm, do cơ sở phục dựng.

Du khách thích thú với những thánh đường Hồi Giáo ở xã Châu Phong
Hành trình tiếp theo sẽ đưa du khách tham quan thánh đường Mubarak, một trong những thánh đường Hồi giáo lớn nhất của tỉnh An Giang, đồng thời xem đội văn nghệ hát nhạc Chăm cùng với bộ trống Rap-Ba-Na. Du khách còn được tham quan ngôi nhà cổ có niên đại hơn 100 năm tuổi tại ấp Phũm Soài. Đồng thời, thưởng thức bữa trưa với các món ăn truyền thống: Cơm nị, tung lò mò, cà búa, rau luộc, cà ri…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, trải nghiệm rất thú vị, vì được hiểu thêm về văn hóa, cuộc sống của đồng bào Chăm địa phương. Bà Lan cũng mong muốn loại hình DL này sẽ phát triển để nhiều du khách có được trải nghiệm thú vị khi tham quan, DL làng Chăm...
Đối với xã Cù Lao Giêng, sự kết hợp giữa phong cảnh thiên nhiên và nét văn hóa lâu đời đã trở thành điểm nhấn đối với du khách trong và ngoài nước. Trải nghiệm ấn tượng của nhiều người là được hòa mình trên những con đường xanh mát rợp bóng cây, hít thở không khí trong lành của một vùng quê yên bình.
Bên cạnh đó, được tham quan làng nghề đóng ghe, xuồng nổi tiếng tồn tại hơn 100 năm; nghe những câu chuyện nhốm màu thời gian bên những ngôi nhà cổ trăm tuổi. Đồng thời, thưởng thức các loại thức ăn, trái cây đặc sản của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh An Giang còn nhiều đảo lớn nhỏ từ lâu được nhiều người biết đến. Ngoài “đảo ngọc” Phú Quốc, thì Hòn Sơn (đặc khu Kiên Hải) với bãi biển sạch, cát mịn, tạo cảm giác an nhiên, yên bình cho du khách. Đến đây, du khách còn được trải nghiệm: Khám phá dốc yên ngựa, chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh; lặn biển bắt ốc, ngắm san hô và câu mực, câu cá, kéo lưới…
“Đây thật sự là những trải nghiệm khá thú vị đối với bản thân tôi. Tôi đã đến Hòn Sơn nhiều lần, lần nào cũng có những cung bậc cảm xúc riêng, rất khó tả” - chị Lê Thị Huỳnh Dao, du khách đến từ Cần Thơ chia sẻ.
Hòa mình cùng với đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương là một trong những trải nghiệm thú vị đối với du khách, nhất là khách nước ngoài. Vì vậy, loại hình DL trải nghiệm đang ngày càng được du khách đón nhận. Đi cùng với đó, các cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ còn tạo thêm nhiều hoạt động, trải nghiệm mới nhằm thu hút du khách. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
DL cộng đồng được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Tham gia loại hình DL này, du khách vừa được tham quan, tìm hiểu cảnh đẹp địa phương,vừa được trải nghiệm, hòa mình vào đời sống người dân.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tiem-nang-phat-trien-du-lich-cong-dong-a423904.html