Thịt chua Lâm Tin - hương vị Mường Vang lên men từ ký ức
Từ món ăn truyền thống trong các dịp lễ, Tết của người Mường, thịt chua nay đã trở thành đặc sản mang thương hiệu OCOP tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (cũ), nay là xã Lạc Sơn, tỉnh Phú Thọ (mới). Trong đó, thịt chua Lâm Tin, một sản phẩm từ căn bếp nhỏ của hộ gia đình ở xã Lạc Sơn, đang dần khẳng định vị thế bằng hương vị đặc trưng, sự đầu tư nghiêm túc và câu chuyện văn hóa ẩm thực đậm chất Mường.

Sản phẩm thịt chua của cơ sở sản xuất thịt chua Lâm Tin, phố Lâm Hóa 2, xã Lạc Sơn được thị trường ưa chuộng, mang hương vị đặc trưng của vùng Mường Vang.
Từ món ăn dân dã đến đặc sản OCOP
Ở vùng Mường Vang, huyện Lạc Sơn (cũ), nay thuộc tỉnh Phú Thọ, thịt chua từng được gọi là “thịt muối chua”, là một cách chế biến và bảo quản nhằm thịt để được lâu ngày. Món ăn được chế biến bằng cách lên men tự nhiên thịt lợn trộn thính và gia vị đặc trưng như tỏi, ớt, hạt dổi. Trải qua thời gian, món ăn không chỉ để dùng trong ngày giáp hạt mà đã trở thành món không thể thiếu trong lễ Tết, cưới hỏi, đón khách quý.
Tại xã Vũ Bình (huyện Lạc Sơn cũ), nay là xã Lạc Sơn, tỉnh Phú Thọ, cơ sở sản xuất thịt chua Lâm Tin của hộ kinh doanh bà Bùi Thị Tin, phố Lâm Hóa 2 là một trong những cơ sở đầu tiên sản xuất thịt chua theo hướng hàng hóa, đưa món ăn truyền thống vào thị trường OCOP. Chia sẻ về cơ duyên với nghề, bà Tin cho biết: “Làm món truyền thống không chỉ để bán, mà là giữ lại hương vị quê mình. Vừa làm ra sản phẩm sạch, ngon, vừa kể được câu chuyện quê hương – đó là điều mà tôi theo đuổi từ ngày đầu đến nay".
Từ năm 2016, gia đình bà Tin bắt đầu sản xuất nhỏ lẻ, bán cho khách du lịch và các quán ăn trong vùng. Nhờ giữ được hương vị đặc trưng, sản phẩm được khách hàng giới thiệu qua nhau. Năm 2022, sản phẩm thịt chua Lâm Tin được công nhận OCOP 3 sao, được phân phối tại các cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh, có mặt ở các thị trường như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh...
Hiện, mỗi tháng cơ sở cung cấp khoảng 3.500 sản phẩm gồm thịt chua quả và thịt chua hộp. Các sản phẩm đều được đóng gói vệ sinh, dán tem, mã QR truy xuất nguồn gốc, hạn sử dụng và hướng dẫn dùng rõ ràng.
Sản phẩm Thịt chua Lâm Tin được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Cơ sở sản xuất thịt chua Lâm Tin đang cung cấp ra thị trường 2 loại thịt chua quả và thịt chua hộp.
Gìn giữ hương vị bằng đôi tay và tâm huyết
Điểm khác biệt tạo nên thương hiệu của thịt chua Lâm Tin là ở khâu lựa chọn nguyên liệu và cách lên men tự nhiên. Thịt được chọn từ lợn sạch, có đủ nạc và bì, lẫn chút mỡ để đảm bảo vị ngậy. Thính được làm từ ngô, nhiều tinh bột, bùi và thơm. Hạt dổi được rang đúng lửa, giã nhỏ, trộn cùng tỏi, muối, tạo ra hương vị rất riêng mà các món thịt chua công nghiệp không thể có.
“Tôi không dùng chất bảo quản hay men nhân tạo. Muốn sản phẩm lên men chuẩn, phải biết cách căn nhiệt độ, thời gian ủ, độ ẩm, và cả độ dày của lát thịt. Làm thịt chua phải kiên nhẫn và sạch sẽ tuyệt đối”, bà Tin chia sẻ.
Không chỉ được người dân trong tỉnh ưa chuộng, nhiều du khách từ các tỉnh, thành khác khi biết đến thịt chua Lâm Tin đều tỏ ra thích thú với món ăn dân dã này. Thịt chua ngon nhất khi ăn cùng lá sung, lá đinh lăng, chấm với tương ớt. Vị chua nhẹ từ thịt lên men hòa với vị béo, thơm của thính, của dổi, vị cay của ớt tạo nên bản hòa tấu vị giác khó quên. Chị Lò Thị Khuyên (Điện Biên), một khách quen cho biết: “Tôi từng ăn thử nhiều loại thịt chua, nhưng ấn tượng với thịt chua Lâm Tin vì vị chua thanh, bùi thính, thơm mùi hạt dổi. Mỗi lần nhớ món ăn này, tôi lại nhờ bạn ghé qua mua giúp rồi gửi xe khách lên Điện Biên”.

Cơ sở sản xuất thịt chua Lâm Tin lựa chọn nguồn nguyên liệu thịt lợn sạch và cách lên men tự nhiên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, việc người dân mạnh dạn phát triển thịt chua theo hướng hàng hóa không chỉ giữ gìn được món ăn truyền thống, mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và gắn phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa bản địa. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Lạc Sơn cho biết: “Hiện xã có gần 10 hộ làm thịt chua, trong đó có một số cơ sở như Lâm Tin, Tuấn Linh đã đạt quy mô hộ sản xuất chuyên nghiệp. Xã định hướng hỗ trợ thêm về quảng bá, bao bì, truy xuất để xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương, khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển, mở rộng quy mô sản xuất”.
Trong dòng chảy hội nhập, không ít món ăn truyền thống bị lãng quên, thịt chua Lâm Tin là một ví dụ đẹp về cách một gia đình nông dân có thể gìn giữ hồn ẩm thực Mường, vừa làm kinh tế, vừa giữ lại một mảnh ký ức cho thế hệ sau. Mỗi miếng thịt lên men không chỉ là món ăn, mà còn là câu chuyện về sự bền bỉ, khéo léo và tình yêu quê hương lặng lẽ mà sâu đậm, như chính tính cách của người Mường ở vùng Mường Vang.