Tiềm năng thu hút đầu tư vào công nghiệp điện tử vẫn rất lớn

Mặc dù xuất khẩu công nghiệp điện tử 8 tháng năm nay sụt giảm so với cùng kỳ 2022, song theo các chuyên gia, đây vẫn là ngành nghề rất triển vọng khi các sản phẩm trong ngành luôn nằm trong top dẫn đầu hàng về xuất khẩu trên thế giới. Với vai trò trong chuỗi cung ứng ngày càng tăng, ngành điện tử của nước ta vẫn có rất nhiều tiềm năng thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI.

Tín hiệu phục hồi tích cực

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác; đây cũng là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của mọi quốc gia trên thế giới. Hiện, ngành công nghiệp điện tử chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp của nước ta, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Tiềm năng thu hút đầu tư vào công nghiệp điện tử của nước ta vẫn rất lớn. Nguồn: ITN

Tiềm năng thu hút đầu tư vào công nghiệp điện tử của nước ta vẫn rất lớn. Nguồn: ITN

Thực tế, ngành công nghiệp điện tử có đóng góp quan trọng cho sự cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cho cả nước. Cụ thể, theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), nếu như năm 2021, Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD, riêng ngành điện tử xuất siêu 11,5 tỷ USD thì bước sang năm 2022, Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD, riêng ngành điện tử xuất siêu 11,24 tỷ USD, chiếm 30,08% tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước (371,85 tỷ USD) và đứng thứ 12 trên thế giới về xuất khẩu điện tử. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, mặc dù xuất khẩu đã giảm so với cùng kỳ, song xuất siêu của ngành điện tử vẫn đạt 7,84 tỷ USD.

Còn theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 227,71; điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện vẫn tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với trị giá khoảng 70 tỷ USD. Trong đó, riêng nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 36,2 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm thấp nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu.

Một tín hiệu tích cực nữa là cũng trong 8 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%, thấp hơn mức giảm 5,1% của 5 tháng, 4,6% của 6 tháng và 4,3% của 7 tháng. Điều này phần nào cho thấy sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2023, qua đó đóng góp tích cực vào sự phục hồi của cả nền kinh tế Việt Nam.

Nên có lãi suất đặc biệt cho doanh nghiệp điện tử

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành VEIA, ngành điện tử đang có nhiều bước tiến khi xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất đang tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư FDI trong ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chip. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa để đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng...

Cũng theo bà Hương, có 3 yếu tố tác động đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam; cụ thể, về lao động, lực lượng lao động ngành điện tử lớn thứ ba trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ sau dệt may và da giày; đây là một đặc thù riêng có của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam khi vừa là ngành tập trung vốn, tập trung công nghệ, lại vừa là ngành tập trung lao động.

Bên cạnh đó làyếu tố chính sách; theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử là một trong những ngành nghề được khuyến khích và được hưởng ưu đãi khi đầu tư của Chính phủ. Ngoài ra, những dự án đầu tư có vốn lớn hơn 6.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 250 triệu USD) - các dự án lắp ráp lớn đầu tư vào Việt Nam trong ngành điện tử thường có mức vốn tương tự, cũng được hưởng ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam, như áp mức thuế thu nhập của các doanh nghiệp là 10% trong thời gian 15 năm, trong đó, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo… Ngoài ra,hạ tầng bất động sản công nghiệp gần đường cao tốc, rất gần với các cảng biển, thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu và giao thương hàng hóa.

Mặc dù số lượng dự án đầu tư đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn kể từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên quý I.2023 quy mô vốn đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ 2022. Đây là một diễn biến tốt,cho thấy các điều kiện thu hút đầu tư của Việt Nam đáp ứng khá tốt yêu cầu của các nhà đầu tư lớn.

Với việc các chủ đầu tư lớn trong ngành đặt nhà máy tại Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có lợi thế trong việc thu hút các nhà đầu tư khác nằm trong chuỗi cung ứng của các chủ đầu tư lớn, từ đó hoàn thiện chuỗi cung ứng ngành. Ngành điện - điện tử đang là ngành nghề rất triển vọng khi các sản phẩm trong ngành luôn nằm trong top xuất khẩu trên thế giới, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cũng ngày càng tăng, do vậy ngành này vẫn có rất nhiều tiềm năng thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI trong năm nay, bà Hương nhận định.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử, đưa hoạt động xuất khẩu nhóm hàng này thực sự phát triển bền vững, bảo đảm hiệu quả thu hút FDI cho ngành, các chuyên gia đề xuất cần có chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí cần có “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vaccine”. Công tác dự báo và đánh giá chính sách, số liệu thống kê cần làm kịp thời, liên tục, công khai và minh bạch hơn nữa. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề trung hạn và dài hạn cho lao động ngành điện tử. Có chính sách và tính thực thi mạnh về hỗ trợ nguồn cung tài chính, lãi suất đặc biệt cho doanh nghiệp khối ngành sản xuất công nghiệp điện tử, chế biến chế tạo. Thu hút FDI có chọn lọc,có tính lan tỏa và tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng ở vị thế chủ lực.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tiem-nang-thu-hut-dau-tu-vao-cong-nghiep-dien-tu-van-rat-lon-i342309/