Tiềm năng từ mô hình trồng nấm bào ngư của nông dân Tây Ninh

Những năm gần đây, ở xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh xuất hiện nhiều hộ trồng nấm bào ngư có quy mô nhỏ lẻ, thu nhập ổn định ở mức cao. Đã có nhiều hộ gia đình đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào trồng nấm thương phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao. Đây là mô hình phát triển kinh tế mới, hiệu quả được người dân ở xã Tân Bình ứng dụng và phát triển.

Nguồn nguyên liệu để làm phôi nấm đều là những phế phẩm sinh học như mùn cưa, bã mía, thân cây mì có sẵn ở địa phương. Ảnh: Ái Vân

Nguồn nguyên liệu để làm phôi nấm đều là những phế phẩm sinh học như mùn cưa, bã mía, thân cây mì có sẵn ở địa phương. Ảnh: Ái Vân

Nấm bào ngư là loại thực phẩm thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao gồm protein, các vitamin và khoáng chất. Việc trồng nấm bào ngư được chính quyền địa phương khuyến khích, vì đây là loại nấm có thể tận dụng nguồn phụ phẩm nông lâm nghiệp như: mùn cưa, cùi bắp, bã mía để làm nguyên liệu phôi nấm. Do có nhiều ưu thế nên nấm bào ngư được trồng phổ biến, là sản phẩm phong phú trên thị trường. Điển hình có trại nấm của anh Trần Anh Vũ, ở xã Tân Bình, trồng nấm bào ngư thương phẩm.

Anh Vũ chia sẻ: "Năm 2020, tôi chọn nuôi trồng nấm bào ngư để khởi nghiệp vì nhận thấy ở địa phương mình, nguyên liệu chính làm môi trường nuôi nấm là các loại phụ phẩm nông nghiệp giàu chất cenluloz như: rơm rạ, mùn cưa từ cây cao su, thân bắp, cùi bắp, bã mía rất sẵn có... Các nguyên liệu này sau khi được xử lý, ủ chín, phối trộn dinh dưỡng, cho vào bịch, hấp thanh trùng, tiệt trùng, cấy meo giống thì sau 20 - 25 ngày, tơ nấm mọc đầy bịch phôi. Lúc này, phôi được đem ra nhà nấm chăm sóc để thu hoạch, nếu chăm sóc tốt, mỗi bịch phôi nấm sẽ cho thu hoạch từ 250 đến 300g nấm".

Ngoài trồng nấm bào ngư, anh Vũ còn tìm hiểu và trồng thêm một loại nấm dược liệu khác, đó là nấm vân chi đỏ. Nấm vân chi đỏ thuộc 25 loại nấm dược liệu chính trên thế giới có giá trị dược tính rất cao, được nhiều người tiêu dùng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, châu Mỹ ưa chuộng. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về nấm vân chi đỏ. Loại nấm này cũng chưa được trồng phổ biến, đa phần người tiêu dùng Việt Nam vẫn sử dụng nấm vân chi từ nguồn nhập khẩu với giá thành cao.

Trước khi bắt tay vào thử nghiệm trồng nấm vân chi, anh Vũ đến cơ sở nghiên cứu khoa học ở miền Tây Nam Bộ học hỏi kỹ thuật, cách chăm sóc, kỹ thuật hái sấy, cách bảo quản nấm vân chi. Trong khi các trại trồng nấm vân chi ở Tây Nam Bộ sử dụng cùi bắp, vỏ trấu làm giá thể, thì anh Vũ sử dụng thân cây mì, mùn cưa đã được xử lý để trồng nấm.

Nấm vân chi chịu ảnh hưởng lớn bởi nguồn dinh dưỡng, các loại nguyên liệu cung cấp dinh dưỡng cho nấm vân chi phát triển khá đa dạng, hấu hết trong số đó là phụ phẩm nông nghiệp mà Việt Nam là một nước nông nghiệp với nguồn phụ phế phẩm hết sức dồi dào, phong phú, giá thành thấp. Trong tự nhiên, nấm vân chi phát triển trên gỗ mục, thuộc loại nấm phân hủy gỗ mạnh. Theo kết quả nghiên cứu, xác định chất trồng nấm vân chi có tỉ lệ phối trộn gồm 60% cùi bắp, 40% vỏ trấu thích hợp nhất cho hệ sơ nấm phát triển tốt và lan kín bịch phôi nhanh nhất. Cùi bắp, vỏ trấu, mùn cưa, bã mía là những chế phẩm sẵn có, các phụ phẩm này chứa hàm lượng chất xơ khá cao, dễ thu gom, giá thành thấp, trữ lượng dồi dào, rất thích hợp cho trồng các loại nấm dược liệu. Ngoài ra, tận dụng hiệu quả các nguyên liệu nông nghiệp này là góp phần giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Nấm vân chi được các chuyên gia đánh giá là loại thảo dược quý dùng trong các vị thuốc Đông y. Người sử dụng nấm vân chi thường xuyên sẽ tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tiểu đường, làm chậm quá trình lão hóa. Phương pháp cấy trồng nấm vân chi không khó, cũng sử dụng các nguyên liệu giống như trồng nấm bào ngư, nên anh Vũ quyết tâm trồng song song nấm vân chi với nấm bào ngư.

Sau hơn 3 năm trồng nấm, nhận thấy nấm vân chi đỏ có giá trị kinh tế cao, giá bán khoảng 2,4 triệu đồng/kg, thời gian cho một vụ sản xuất từ khâu làm giống đến nuôi trồng giá thể, nấm sấy khô trung bình từ 4 - 5 tháng, tùy từng thời tiết. Trong tương lai, tiềm năng để phát triển loại nấm này là rất lớn, do đó, anh Vũ mong muốn mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm trang thiết bị cơ bản, quy hoạch lại khu vực chứa nguyên liệu, nhà ủ nấm, vòng cấy meo quy mô hơn, hiện đại hơn để thuận tiện cho việc trồng và phát triển giống nấm vân chi.

Nấm vân chi còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: nấm mây, nấm đuôi gà. Loại nấm này có hình nan quạt, không có cuống, bề mặt của nấm có những đường kẻ đồng tâm. Ở Tây Ninh, anh Vũ là người đầu tiên, tiên phong trồng loại nấm vân chi đỏ. Anh dự kiến, trại nấm của anh sẽ là nơi cung cấp phôi trồng của nấm bào ngư và nấm vân chi cho khách đặt hàng, kế hoạch của anh sẽ phát triển nuôi trồng nấm vân chi thành loại nấm thương phẩm để cung cấp ra thị trường cho người tiêu dùng trong tương lai.

Nấm vân chi sau khi thu hoạch đúng lứa được sấy ở nhiệt độ thích hợp có tác dụng giúp tăng hệ miễn dịch, ức chế tế bào ung thư, chống các phản ứng phụ của hóa trị, xạ trị, điều trị bệnh về đường hô hấp, giúp làm chậm lão hóa, hỗ trợ đường tiêu hóa, giảm lượng đường trong máu, tốt cho xương tủy, giảm huyết áp, giảm cholesterol, kháng viên..., có lợi cho sức khỏe của con người. Hiện nay, chính quyền địa phương rất quan tâm, hỗ trợ cho anh Vũ tiếp cận, nâng cấp thiết bị máy móc để ủ, sấy nấm vân chi và phát triển loại nấm quý này ra thị trường Việt Nam tiêu thụ để sản phẩm này đến được tay người tiêu dùng, góp phần đẩy lùi bệnh tật và xây dựng thương hiệu nấm dược liệu quý cho Tây Ninh.

Nấm vân chi đỏ được anh Vũ nuôi trồng thành công, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Ái Vân

Nấm vân chi đỏ được anh Vũ nuôi trồng thành công, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Ái Vân

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Tây Ninh chia sẻ, mô hình trồng nấm vân chi đỏ là mô hình mang hiệu quả kinh tế cao. Tới đây, Hội Nông dân thành phố sẽ phối hợp với các ngành chuyên môn hỗ trợ để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này và đề xuất đưa sản phẩm nấm vân chi lên tỉnh để được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Đây là mô hình mới có tiềm năng về kinh tế, có thị trường tiêu thụ, giá trị kinh tế cao. Nếu thực hiện tốt mô hình và tuyên truyền đến với người dân hiểu về tác dụng của nấm vân chi đỏ cũng như giá trị kinh tế của nó mang lại thì mô hình trồng nấm vân chi đỏ sẽ được nhân rộng và phát triển hơn nữa.

Song song với việc nuôi trồng nấm bào ngư thương phẩm, trại nấm của anh Vũ vẫn phát triển, mở rộng trồng nấm vân chi trên cơ sở sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ. Trong lúc chờ đợi nâng cấp nhà xưởng, mô hình trồng nấm của anh có nhiều hội viên nông dân đến tham quan, học hỏi cách trồng.

Các nghiên cứu về độc tính, tác dụng sinh học cho thấy, nấm vân chi đỏ có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường miễn dịch, bảo vệ gan, ổn định glucose huyết. Nấm vân chi giàu khoáng chất, chống ô-xi hóa, được y học sử dụng hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh, không chỉ là loại dược liệu quý mà nấm vân chi còn được sử dụng như một loại trà tốt cho sức khỏe. Nấm vân chi còn có giá trị kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, có thể sản xuất quanh năm từ nguồn nguyên liệu dồi dào, về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà sản xuất.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tiem-nang-tu-mo-hinh-trong-nam-bao-ngu-cua-nong-dan-tay-ninh-post479632.html