Tiềm năng vượt bậc của Đông Nam Á: Động lực nào giúp Việt Nam thăng hạng trong thập kỉ tới?
Đông Nam Á đang nổi lên như một trung tâm hấp dẫn cho các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư.
Ưu thế của Đông Nam Á
Trong một thế giới ngày càng có nhiều sự thay đổi khó lường, các vấn đề toàn cầu như đại dịch COVID-19, xung đột tại các vùng lãnh thổ, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gây cản trở không nhỏ tới các tuyến đường vận chuyển hàng hóa. Vì lí do này, các doanh nghiệp quốc tế cần phải tìm cách để củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
Xung đột giữa hai trong số các nhà sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực, khiến giá năng lượng cao bất ngờ và gây ra tình trạng khan hiếm lương thực.
Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á đang nổi lên như một trung tâm hấp dẫn cho các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư. Những lợi thế lớn nhất của khu vực này đến từ chi phí lao động thấp trong khi đây là một trong những thị trường tiêu dùng và bán lẻ phát triển nhanh nhất toàn cầu.
Ví dụ, trong các ngành sử dụng nhiều lao động, đã có sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. ASEAN dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trước thập kỷ tới.
Cũng cần lưu ý rằng hoạt động thương mại ở Đông Nam Á hiện đã cao hơn 30% so với mức trước đại dịch Covid-19. Qua đó, có thể thấy rằng các chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á đã chứng tỏ được khả năng phục hồi và đa dạng hóa.
Khi lĩnh vực hàng hải phát triển mạnh mẽ với sản lượng vận chuyển kỷ lục, các quốc gia Đông Nam Á cũng đang tìm cách phát triển cơ sở hạ tầng cảng của họ.
Cảng Tuas Mega của Singapore đã được đưa vào hoạt động gần đây và sẽ là cảng hoàn toàn tự động lớn nhất trên thế giới. Cơ sở hạ tầng trị giá 20 tỷ USD này tái khẳng định năng lực của Singapore như một trung tâm thương mại quốc tế.
Tận dụng lợi thế của chuyển đổi kỹ thuật số, các cảng sẽ tận dụng trí tuệ nhân tạo và máy học (machine learning) để phân tích thông tin phức tạp và xúc tiến các hoạt động vận chuyển. Ví dụ, các container sẽ được vận chuyển quanh cảng bằng các phương tiện không người lái.
Singapore cũng đã tận dụng các giải pháp kỹ thuật số khác để tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Josephine Teo đã ra mắt SGTraDex vào tháng 6/2022, một nền tảng kỹ thuật số chung cho phép trao đổi dữ liệu liền mạch. Việc này sẽ giúp gia tăng đáng kể về hiệu quả và tính minh bạch.
Động lực của Việt Nam
Tương tự, Việt Nam cũng đang có một quy hoạch tổng thể mới để phát triển các cảng biển của mình.
Các cảng biển là động lực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, vì cảng biển liên quan tới 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước. Hiện nay, Việt Nam có 25 tuyến vận tải biển quốc tế và đã thu hút các nhà khai thác cảng quốc tế đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng cảng của Việt Nam.
Quy hoạch tổng thể mới sẽ giúp giảm ùn tắc, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của cơ sở hạ tầng cảng. Quá trình này vừa tận dụng khoa học công nghệ, vừa áp dụng hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Việt Nam có khả năng cao sẽ ưu tiên và tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng cảng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu, các nước ASEAN đã bắt đầu phát triển chuỗi cung ứng ô tô điện.
Indonesia và Thái Lan là những địa điểm hấp dẫn để thành lập các nhà máy sản xuất ô tô, với sự hỗ trợ của chính phủ, lực lượng lao động có tay nghề cao và cơ sở hạ tầng công nghệ phù hợp.
Indonesia có mỏ với trữ lượng niken lớn nhất toàn cầu - vốn là nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất pin xe điện. Indonesia đã hợp tác với LG Energy Solution và Hyundai Motor Manufacturing để phát triển một nhà máy chuyên sản xuất pin xe điện.
Thái Lan là nước đi đầu trong việc sản xuất xe điện, với hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng phù hợp. Quốc gia này hy vọng sẽ xây dựng 12.000 trạm sạc xe điện và dự đoán rằng sản xuất xe điện sẽ chiếm 30% tổng sản lượng ô tô của Thái Lan vào cuối thập kỷ này.
Hyundai đang thiết lập một cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Singapore để khám phá các giải pháp ô tô thông minh và bền vững, đồng thời phát triển các công nghệ hiện đại và phức tạp.
Khi Đông Nam Á phục hồi sau đại dịch, việc khai thác số hóa và bền vững môi trường sẽ là yếu tố quan trọng đối với phát triển kinh tế và thương mại.
Tiềm năng phát triển kinh tế
Tương lai của hoạt động thương mại ở Đông Nam Á sẽ phụ thuộc nhiều vào quan hệ giữa các đối tác châu Âu và châu Á. Các quốc gia ASEAN cũng đã quyết định đầu tư vào các cảng thương mại và tận dụng quá trình số hóa để tăng lợi thế cạnh tranh.
Tính bền vững cũng là chủ đề chính của các nước Đông Nam Á khi khối này tìm cách giảm lượng khí thải carbon bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng xe điện.
Vào tháng 12/2022, các nhà lãnh đạo của cả ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tham gia một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về các vấn đề thương mại và chuỗi cung ứng. Cả hai khối đều tin rằng có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong thương mại và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của nhau.
Theo Liên hợp quốc, ASEAN là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của EU, đã trao đổi khối lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 250 tỷ USD vào năm 2021.
EU đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia ASEAN như Việt Nam và Singapore. Khối vẫn đang theo đuổi các thỏa thuận thương mại với các nước Đông Nam Á khác và cuối cùng hy vọng sẽ ký kết một FTA với toàn khối ASEAN.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực đã được ký kết vào tháng 11/2020 bởi tất cả các nước ASEAN và năm quốc gia khác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Các quốc gia trong hiệp định sẽ kết hợp và chia sẻ chuyên môn của họ trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và công nghệ. Những nước này cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn tài chính của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đồng thời tận dụng các phương tiện thông tin liên lạc, năng lượng và vận tải.
Thỏa thuận được thực thi vào tháng 1/2022 sẽ ảnh hưởng tới khoảng 1/3 dân số toàn cầu. Viện Brookings tin rằng ASEAN sẽ kiếm được 19 tỷ USD hàng năm từ hiệp định thương mại và thêm 500 tỷ USD từ thương mại toàn cầu vào cuối thập kỷ này.