Tiễn biệt Giáo sư Võ Tòng Xuân

GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học nông nghiệp khả kính của Việt Nam, vừa qua đời sáng nay (19-8), ở tuổi 85. Tiễn biệt ông, xin kể vài câu chuyện về việc ông luôn thao thức làm cho nông dân ta giàu lên.

(KTSG Online) – GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học nông nghiệp khả kính của Việt Nam, vừa qua đời sáng nay (19-8), ở tuổi 85. Tiễn biệt ông, xin kể vài câu chuyện về việc ông luôn thao thức làm cho nông dân ta giàu lên.

GS.TS Võ Tòng Xuân sinh ra trong một gia đình nghèo ở Châu Đốc, tỉnh An Giang. Lúc nhỏ, ông lên Sài Gòn tự lập để phụ cha mẹ nuôi các em và để có tiền đi học đến khi thành tài. Ông đã từng đi bán báo dạo dọc các bến xe đò, đêm đi dạy kèm cho học sinh luyện thi. Năm 1974, ông du học tại Trường đại học Kyushu (Nhật Bản). Vào đầu tháng 4-1975, trong khi nhiều người rời đất nước, ông quyết định quay về Việt Nam ngay sau khi trình luận án tiến sĩ nông học với đề tài nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật trồng lúa tại vùng nhiệt đới.

Mười năm đầu sau ngày hòa bình 1975, hoạt động khoa học của GS.TS Võ Tòng Xuân, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, chỉ nhằm một hướng: phát triển nông thôn. Ông đã linh động vượt qua nhiều thử thách trong cơ chế bao cấp lúc đó để làm cho được mục tiêu đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất.

GS Võ Tòng Xuân (người đứng giữa) và GS Gurdev Singh Khush (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự hội nghị lúa gạo tại Tiền Giang năm 1992. Ảnh: CTV

GS Võ Tòng Xuân (người đứng giữa) và GS Gurdev Singh Khush (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự hội nghị lúa gạo tại Tiền Giang năm 1992. Ảnh: CTV

Cộng tác viên của Kinh tế Sài Gòn

GS.TS Võ Tòng Xuân từng cùng tòa soạn tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm, bàn tròn tại TPHCM, Cần Thơ, Long Xuyên và thường xuyên viết bài cho báo.

Đến cuối năm 2005, Giáo sư Võ Tòng Xuân, khi đó là Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, đã chọn ra những bài báo mà ông gởi cộng tác với Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho in tập sách “Để nông dân giàu lên”. Qua từng bài báo, dù chủ đề, thể loại khác nhau nhưng xuyên suốt tập sách là những tâm huyết muốn góp phần làm cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam nói chung, mau thoát khỏi đói nghèo, biết làm giàu và hội nhập bình đẳng với thế giới.

Đọc lại những bài này, càng thấy nhiều phân tích, dự báo, đề xuất của ông có tầm nhìn xa và thiết thực cho đất nước. Có những chuyện, như cho tư nhân xuất khẩu gạo đã được Giáo sư Xuân đề cập từ những năm 1990, khi mà nhiều người còn cho rằng làm như vậy là không bảo đảm an ninh lương thực.

Hoặc như trong bài “Phải học thôi!” viết hồi tháng 2-2005, Giáo sư Xuân mở đầu: “Trong một thế giới đầy cạnh tranh, việc nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp đã trở thành quốc sách của nhiều nước châu Á”. Ông kết luận: “Giám đốc doanh nghiệp được bồi dưỡng đúng chương trình có chất lượng cao càng sớm thì Việt Nam càng có nhiều điều kiện để thắng lợi trên thương trường”.

Trong bài “Cần sự phát triển cho toàn vùng” (tháng 12-2004), ông nhận xét rằng lúa, cá, tôm, trái cây của ĐBSCL gia tăng sản lượng và xuất khẩu nhưng lợi tức của nhà nông vẫn không tăng tương ứng, nghèo vẫn nghèo. Giáo sư nhấn mạnh: “Lý do chính: mạnh tỉnh nào làm theo tỉnh ấy; trong tỉnh, mạnh huyện nào lo cho huyện nấy; trong huyện, mạnh người nông dân nào tự lo cho người nông dân ấy.

Kết quả là trăm hoa đua nở: thủy lợi tỉnh này làm thì tỉnh kia ngăn lại; đồng ruộng lúc nào cũng có hàng chục giống lúa được trồng; vườn tược nào cũng có đủ thứ giống dỏm… Thế thì làm sao doanh nghiệp thu gom được một vài giống chất lượng tốt nhất với khối lượng lớn cùng một thời điểm mà khách hàng cần?”.

Ngoài việc viết báo, ông thường trao đổi thân tình và thẳng thắn với anh chị em làm báo. Còn nhớ, vào ngày 24-1-2016, ông đã gởi e-mail trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc góp ý cho Đại hội XII của Đảng. Ông viết: “Đã đến lúc các lãnh đạo của nước ta nên đổi mới tư duy. Giai đoạn “Tất cả cho an ninh lương thực” đã làm xong sứ mệnh lịch sử của nó và nay cần chuyển sang giai đoạn làm giàu cho nông dân.

Chúng ta không nên bắt nông dân cứ trồng lúa mãi bằng mọi tốn kém quá mức – tốn tiền của nhân dân, tốn tài nguyên nước của thiên nhiên. Tại sao ta cứ đổ tiền của và sức người vào cây lúa để sản xuất một sản phẩm giá rẻ mạt để nuôi thế giới? Vùng ven biển là vùng không thích nghi trồng lúa trong mùa nắng khô ráo. Nhưng vì lợi ích nhóm mà người ta đã cố làm thủy lợi ở mọi nơi kể cả tốn hàng chục ngàn tỉ đồng để làm ngọt hóa các vùng mặn mong để trông lúa thay vì để nước mặn tự nhiên cho nuôi thủy sản đắt tiền như tôm cua cá…

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, chúng tôi mong Đảng ta đổi mới tư duy cho nông dân được làm giàu thay vì cứ tiêu phí hàng chục ngàn tỉ đồng quý hiếm để trồng lúa bán gạo giá rẻ mạt là cho nông dân đến giờ vẫn khổ. Ngày nay dân nghèo vì trồng lúa tại vùng mặn, nhà nước phải nhận trách nhiệm”.

Năm ngoái, ở cương vị Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ, Giáo sư Võ Tòng Xuân vẫn giữ phong cách sống giản dị, phương pháp làm việc hiệu quả như bao năm qua. Ông nói: “Tôi không giữ cho riêng mình những gì thu thập được. Phương pháp chính của tôi là làm cho nhiều người cộng tác hiểu và thực hiện được nội dung, kế hoạch công việc. Qua đó, mỗi ngày có thêm nhiều người cộng tác tốt hơn”.

Bìa sách “Để nông dân giàu lên” của GS.TS Võ Tòng Xuân do NXB Trẻ và TBKTG ấn hành năm 2005. Ảnh: H.Kim

Bìa sách “Để nông dân giàu lên” của GS.TS Võ Tòng Xuân do NXB Trẻ và TBKTG ấn hành năm 2005. Ảnh: H.Kim

Luôn trăn trở về việc học của thanh niên

Hồi năm 2013, ở tuổi 72, nhìn lại công cuộc đổi mới về kinh tế của đất nước, trả lời chúng tôi sau một cuộc họp tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn, giáo sư Xuân nhận xét:

“Cũng con người này, đất nước này, nhờ có thay đổi chính sách một chút là có cải cách, có đổi mới. Từ một đất nước thiếu thốn đủ thứ, phải ăn gạo theo tem phiếu… trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, dân mình đã khá hơn xưa. Nhưng, đến giờ đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo và thua thiệt. Cái chính của thời hội nhập là Nhà nước mình phải dám thay đổi thêm chính sách, cải cách và đổi mới mạnh hơn thì chúng ta mới có thể thắng được cái nghèo.

Trăn trở về giáo dục, ông nói: “Sản phẩm giáo dục của nước ta còn nhiều hụt hẫng so với các nước tiên tiến. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng hệ thống giáo dục Việt Nam chưa phải là nơi tạo động lực tối hảo cho sự nghiên cứu và phát triển đất nước và chưa làm được nơi ươm mầm cho các tài năng xuất chúng của quốc gia.

Đổi mới giáo dục sẽ phải bắt đầu từ bậc phổ thông, lần lên đến bậc đại học. Trong đó, sự đổi mới phương pháp đào tạo tại đại học sư phạm đóng vai trò then chốt. Nhưng rất tiếc là Nhà nước chưa thấy sự cần thiết đó. Và như thế chúng ta sẽ càng làm chậm đi tiến trình đổi mới.

Hệ thống đào tạo của Việt Nam hiện nay, từ chương trình đào tạo quá nặng nề, có quá nhiều môn học lý thuyết, nhiều môn học không quan trọng cho ngành chuyên môn, gấp đôi thời gian lên lớp so với sinh viên các nước khác, đến cách dạy chủ yếu vẫn là đọc – chép, vì dạy theo kiểu mới như “lấy người học làm trung tâm” sẽ bị cháy giáo án, cho nên không phát huy được tính sáng tạo, suy nghĩ độc lập của người học.

Trong khi đó, nhất là đối với những sinh viên xuất sắc, nhu cầu học cấp bách những kỹ năng cao cấp ngày càng tăng, nhưng bị hệ thống giáo dục kìm hãm, không phát huy được. Mọi sinh viên phải chờ nhau cùng đi lên chầm chậm, người muốn đi nhanh không có cách gì để đi trước được. Trong khi đó, hệ thống giáo dục ở các nước chung quanh Việt Nam đều đã chuyển từ lâu”.

Cũng vào thời điểm đó, nói về tuổi trẻ, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ, thanh niên không nên buông trôi theo cách sống “chụp giựt” mà phải có ước mơ làm gì để góp phần xây dựng xã hội tốt hơn. Để thực hiện, trước nhất và cơ bản nhất là phải học thật và học giỏi, không học tắt để lên lớp hoặc để lấy bằng cấp. Thanh niên phải dũng cảm tìm cách thực hiện những sáng kiến của chính mình để làm giàu và đồng thời tạo của cải giúp ích xã hội. Trong quá trình thực hiện ý tưởng ước mơ, thanh niên còn phải trong sạch, liêm chính, không tráo trở, gạt gẫm và tham nhũng với bất cứ ai. Tóm lại, người thanh niên mới của thời đại phải có tâm, trí, dũng, liêm.

Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân sinh ngày 6-9-1940 tại Châu Đốc, An Giang; công tác tại Đại học Cần Thơ từ 1971 đến 1999, sau đó làm Hiệu trưởng Đại học An Gang và Đại học Tân Tạo; hiện là Hiệu trưởng danh dự Đại học Nam Cần Thơ.

Ông được phong Giáo sư năm 1980, Anh hùng Lao động năm 1985, Nhà giáo Ưu tú năm 1990, Nhà giáo Nhân dân năm 1999. Ông đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật năm 2005; giải thưởng Nikkei Á Châu 2002 về tăng trưởng vùng; giải thưởng Ramon Magsaysay về “Phục vụ Nhà nước” năm 1993; Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về “Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới” năm 1995; Huy chương “Kỵ mã nông nghiệp” của bộ Nông Lâm Thủy sản Pháp năm 1996; Huân chương “Mặt trời mọc” của Chính phủ Nhật Bản về quan hệ Nhật – Việt năm 2019; giải thưởng Đặc biệt VinFuture 2023 về phụng sự nhân loại.

Huỳnh Kim

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tien-biet-giao-su-vo-tong-xuan/