Tiền Giang: Tiếp tục tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Đến thời điểm này, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là một trong những điểm sáng của tỉnh Tiền Giang. Để triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024, Tiền Giang đang tập trung nhiều giải pháp để tiếp tục đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn.

GIẢI NGÂN VỐN ĐẠT TỐT

Cầu Chợ Gạo trên đường tỉnh 864 dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào cuối tháng 11-2024.

Cầu Chợ Gạo trên đường tỉnh 864 dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào cuối tháng 11-2024.

Thực tế cho thấy, những năm qua, nhờ chủ động triển khai nhiều giải pháp, Tiền Giang luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Trong năm 2024, kết quả này đã tiếp tục được tỉnh phát huy.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện công tác đầu tư công 9 tháng năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng yêu cầu các địa phương cần tính toán phương án lồng ghép nguồn vốn đầu tư được phân bổ để đầu tư các dự án nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Về công tác chuẩn bị đầu tư, các công trình bổ sung trong những tháng cuối năm phải cố gắng hoàn tất các hồ sơ thủ tục, nhất là công tác tổ chức đầu thầu, kể cả thi công. Nhóm công trình đang triển khai thi công phải tăng cường công tác đôn đốc các nhà thầu…

Về công tác đấu thầu, các chủ đầu tư phải kiểm tra chặt chẽ hồ sơ mời thầu. Về công tác triển khai thi công, đối với công trình năm 2024, các chủ đầu tư phối hợp với địa phương khẩn trương giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ các công trình. Trong công tác thi công, chủ đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ; xử lý đúng quy định pháp luật để tạo môi trường công bằng giữa các nhà thầu…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tiền Giang, năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh sau khi điều chỉnh hơn 6.190 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 4.090 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 2.100 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã triển khai 356 dự án gồm: 186 dự án chuyển tiếp, 104 dự án khởi công mới, 66 dự án thanh quyết toán.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo nhiều nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Qua đó, đến nay, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư sớm hoàn tất, tiến độ tiếp tục được rút ngắn so với cùng kỳ; kiểm soát chặt chẽ, rút ngắn thời gian thực hiện các gói thầu; tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng; điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024…

Cụ thể, ước giá trị giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2024 được 4.660 tỷ đồng, đạt 75,3% kế hoạch, tăng 24,5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4%). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân được 1.900 tỷ đồng, đạt 90,5% kế hoạch; vốn ngân sách địa phương giải ngân được 2.760 tỷ đồng, đạt 67,5% kế hoạch.

Theo Sở KH&ĐT, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hiện cao hơn mức bình quân của cả nước. Đến thời điểm này, tỉnh tiếp tục nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước.

Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang thực hiện tốt công tác giải ngân vốn.

Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang thực hiện tốt công tác giải ngân vốn.

Đặc biệt, các ban quản lý dự án chuyên ngành tỉnh được giao vốn để thực hiện nhiều công trình trọng điểm đã thực hiện rất tốt việc giải ngân vốn.

Cụ thể, tỉnh đang tập trung triển khai Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.855 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương). Kế hoạch vốn giao năm 2024 là 1.572 tỷ đồng, lũy kế vốn giao từ đầu dự án đến nay 2.031 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến nay hơn 1.553/1.572 tỷ đồng, đạt 98,85%. Ước khối lượng thi công đến hết tháng 12-2024 đạt 21%.

Các nhà thầu tập trung triển khai các dự án trọng điểm.

Các nhà thầu tập trung triển khai các dự án trọng điểm.

Dự án Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền) giai đoạn 1 cũng là một trong những công trình trọng điểm mà tỉnh đang tập trung triển khai. Dự án có tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã được bố trí vốn hơn 1.395 tỷ đồng; giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đến nay hơn 422 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch.

Dự án thành phần 1 (đoạn từ cầu Mỹ Thuận đến cầu Vàm Trà Lọt) của dự án này do UBND huyện Cái Bè làm chủ đầu tư. Hiện Sở Giao thông Vận tải đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xem xét phê duyệt dự án.

Dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư. Trong đó, đoạn từ TP. Mỹ Tho đến cầu Vàm Giồng đã triển khai thi công 5 gói thầu.

Hiện gói thầu thi công cầu Vàm Giồng và đường vào cầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2023; gói thầu thi công cầu Chợ Gạo và đường vào cầu đang hoàn thiện, chuẩn bị nghiệm thu đưa vào sử dụng; gói thầu thi công xây dựng công trình đoạn từ cầu Chợ Gạo đến đường tỉnh 877B đang hoàn thiện, chuẩn bị nghiệm thu đưa vào sử dụng; gói thầu thi công xây dựng công trình đoạn từ Quốc lộ 50 đến cầu Chợ Gạo đạt khoảng 70%; gói thầu thi công xây dựng hệ thống chiếu sáng đoạn từ Quốc lộ 50 đến hết cầu Chợ Gạo đạt hơn 37%.

TIẾP TỤC ĐẨY NHANH

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, để triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024, trong thời gian tới, đơn vị đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương hoàn tất hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư, cũng như đảm bảo chất lượng và tiến độ hồ sơ theo quy định.

Dự án Xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên sông Cái Bè (kinh 28) dự kiến sẽ về đích trước tiến độ khoảng 1 tháng.

Dự án Xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên sông Cái Bè (kinh 28) dự kiến sẽ về đích trước tiến độ khoảng 1 tháng.

Trong quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án, các cơ quan cần nghiên cứu triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản liên quan, hướng dẫn của Sở KH&ĐT để đảm bảo chất lượng hồ sơ theo quy định.

Các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa giải ngân phải khẩn trương tập trung các giải pháp quyết liệt, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện dự án từ giai đoạn đấu thầu đến thi công và giải ngân để triển khai thi công.

Các nhà thầu tập trung nhân, vật lực thi công, nhờ đó tiến độ các công trình được đảm bảo.

Các nhà thầu tập trung nhân, vật lực thi công, nhờ đó tiến độ các công trình được đảm bảo.

UBND cấp huyện cần chỉ đạo các ban quản lý dự án, các xã làm chủ đầu tư khẩn trương triển khai thi công dự án kịp tiến độ.

Đồng thời, thực hiện tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định, giải ngân vốn ngay sau khi có khối lượng phát sinh; không đợi đến cuối năm mới thanh toán 1 lần nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân và phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn trước ngày 31-12-2024.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra tiến độ các công trình để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi công.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra tiến độ các công trình để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi công.

Tỉnh sẽ thực hiện điều chuyển vốn từ những dự án có khối lượng thấp sang các dự án có khối lượng cao, có nhu cầu bổ sung vốn trong năm. Trong đó, ưu tiên điều chuyển vốn trong nội bộ của từng chủ đầu tư, tiếp đến là giữa các chủ đầu tư, tránh tình trạng “công trình chờ vốn và vốn chờ công trình” góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra tiến độ các công trình để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi công.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra tiến độ các công trình để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi công.

UBND tỉnh sẽ xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện gắn với kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm.

Ngoài ra, Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác đầu tư công đến cấp huyện, cấp xã để nâng cao năng lực quản lý, điều hành về lĩnh vực này; trong đó, tập trung bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đầu tư, xây dựng cơ bản, nhất là người đứng đầu.

TRỌNG ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202411/tien-giang-tiep-tuc-tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-1025513/