Tiền Giang và những chặng đường xuất khẩu - Bài 2: Xây dựng các 'kịch bản'

Tiền Giang và những chặng đường xuất khẩu - Bài 1: Những bước nhảy vọt

(ABO) Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đã trải qua nhiều chặng đường quan trọng, với nhiều đích đến mới, nhưng đó không phải là điều dễ dàng, mà là thành quả từ việc xây dựng những nền tảng vững chắc thông qua từng “kịch bản” cụ thể.

THAY ĐỔI CƠ CẤU

Khi ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bắt đầu manh nha phát triển, nhiều doanh nghiệp mới ra đời, đi vào hoạt động ổn định, Tiền Giang cũng đã tính toán nhiều “kịch bản” cho phát triển bền vững, trong đó có chú trọng vào lĩnh vực xuất khẩu thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn.

Theo đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, để hỗ trợ phát triển xuất khẩu, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, đề án, kế hoạch nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cụ thể như: Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020; Đề án Phát triển xuất khẩu tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Dự án “Hỗ trợ xuất khẩu trái cây các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - mô hình thí điểm tại tỉnh Tiền Giang”; Kế hoạch “Đẩy mạnh xuất khẩu trái cây tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2013-2015”...

May mặc đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang.

May mặc đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang.

Đồng thời, Tiền Giang tập trung hỗ trợ cung cấp thông tin, kiến thức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về các nội dung có liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, các kiến thức chuyên môn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Với những tác động, hỗ trợ một cách chủ động, hiệu quả và cơ sở hạ tầng tương đối đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã mạnh dạn phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Nhìn vào thực tiễn mới thấy, nếu như trong giai đoạn 2006-2010, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu xuất khẩu hàng nông, thủy sản (thủy sản, gạo, trái cây); đến giai đoạn 2011-2015, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đã thay đổi mạnh. Trong giai đoạn này, tỉnh Tiền Giang đã có hơn 8 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, góp phần đáng kể trong việc phát triển sản phẩm công nghiệp.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu các sản phẩm cũng được mở rộng; hàng năm thị trường xuất khẩu mở rộng thêm khoảng 10 quốc gia, với các mặt hàng có sức cạnh tranh mạnh như: May mặc, giày, túi xách bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống khác như thủy sản, gạo. Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn này đã xuất khẩu sang 145 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, xuất khẩu sang châu Mỹ có mức tăng trưởng mạnh nhất (tăng bình quân hơn 47%/năm (giai đoạn 2011-2015).

Nhờ có những bước đi quan trọng nên khi nhìn lại giai đoạn 2011-2015, có lẽ giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng, với mức tăng bình quân khoảng 26%/năm (Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra mục tiêu tăng từ 16%-18%/năm). Đây là tiền đề rất quan trọng tạo đà cho xuất khẩu những năm tiếp theo.

Hoạt động xuất khẩu giai đoạn 2016-2020, đã có bước phát triển đáng kể, các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp ngày càng nhiều và đa dạng hóa được các mặt hàng xuất khẩu, tăng dần quy mô và thị trường xuất khẩu. Các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp có mức tăng mạnh, đây là nhóm đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh như giày, túi xách, ống đồng, may mặc...

Theo đó, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang đã chạm mốc 3,046 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 13,36 tỷ USD, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 hơn 11%/năm, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành cả nước. Đây được xem là kết quả quan trọng khi Tiền Giang triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 theo chủ trương chung của Bộ Công thương.

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG

Bên cạnh đạt được những thành tựu quan trọng thông qua thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 theo chủ trương chung của Bộ Công thương, thực tiễn tình hình xuất khẩu của Tiền Giang giai đoạn này cũng chỉ ra rằng mặc dù thị trường xuất khẩu nông, thủy sản đã được mở rộng nhưng nhìn chung xuất khẩu nhóm hàng này vẫn chủ yếu xuất khẩu vào một số thị trường lớn. Chính vì vậy, khi nhu cầu thị trường có sự biến động, xuất khẩu nhóm hàng này cũng gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để Tiền Giang đề ra những giải pháp xuất khẩu hiệu quả cho giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Tiếp nối các thành quả về các chủ trương, kế hoạch tăng cường xuất khẩu, những năm sau 2020 đến nay kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang cũng luôn tăng trưởng ở mức ấn tượng. Đặc biệt, trong năm 2024, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn; xung đột giữa một số quốc gia làm gia tăng rủi ro với an toàn hàng hải, chuỗi cung ứng hàng hóa đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp do các hãng vận tải biển tăng giá cước vận tải để bù đắp chi phí gia tăng; trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Tiền Giang đã nỗ lực vượt qua khó khăn cùng với sự hỗ trợ của tỉnh; nhờ các biện pháp tích cực và đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ.

Theo đó, theo Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 của Tiền Giang đạt 6 tỷ USD, đạt 120% kế hoạch, tăng 10% so cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của tỉnh như: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, chiếm gần 22%; tiếp đến là thị trường Ấn Độ chiếm gần 12%; Nga chiếm 7,5%; Trung Quốc chiếm 5,9%; Hàn Quốc chiếm 4,7%… tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Thật ra, ngoài việc nỗ lực của các doanh nghiệp, việc tập trung xây dựng các khung chiến lược, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác từ kết quả nỗ lực cải cách hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp…

TA
(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202502/tien-giang-va-nhung-chang-duong-xuat-khau-bai-2-xay-dung-cac-kich-ban-1034086/