Tiền gửi tăng, cho vay tăng, nợ xấu cũng sẽ tăng theo

Trong quý I, tiền gửi vẫn ồ ạt chảy các NH, đồng thời tín dụng cũng bứt phá so với các năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh tin vui vẫn tiềm ẩn nhiều áp lực vì mặt bằng lãi suất huy động có nhiều sức ép, trong khi Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất.

Tăng trưởng mạnh dòng tiền

Theo số liệu thống kê, tổng tiền gửi khách hàng tại 27 NH đã công bố báo cáo tài chính quý I-2025 đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 272.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 2,4%.

Trong đó BIDV đang là NH có quy mô tiền gửi lớn nhất tính đến cuối quý I, với gần 2 triệu tỷ đồng, xếp thứ 2 là VietinBank với quy mô tiền gửi 1,62 triệu tỷ đồng, và thứ 3 là Vietcombank với quy mô tiền gửi 1,5 triệu tỷ đồng.

Những gương mặt còn lại trong top 10 NH có lượng tiền gửi lớn nhất hệ thống bao gồm MB 722.622 tỷ đồng, Sacombank 585.569 tỷ đồng, VPBank 552.374 tỷ đồng, ACB 550.375 tỷ đồng, Techcombank 531.583 tỷ đồng, SHB 530.116 tỷ đồng, HDBank 465.321 tỷ đồng.

Cùng với đó, tín dụng của ngành NH cũng bứt tốc trong quý đầu năm nay. NHNN cho biết đến ngày 15-4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 1,21%. Với tổng dư nợ cuối năm 2024 đạt gần 15,6 triệu tỷ đồng, quy mô tín dụng đến 15-4 đã tăng thêm 600.000 tỷ đồng.

Các nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành trong 3 tháng đầu năm, như Kienlongbank tăng 10,6%, NCB tăng 9,6%, PG Bank tăng 9,4%, SHB và Eximbank tăng 9,2%, MSB tăng 7,9%, NamABank tăng 6%, VietABank tăng 6,3%, LPBank tăng 6,2%, VPBank tăng 5,4%...

Nhờ tăng trưởng tín dụng khởi sắc, tổng thu nhập lãi thuần của 27 NH đã công bố báo cáo tài chính đạt 129.179 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2024. Cùng với việc cải thiện thêm các nguồn thu nhập khác ngoài lãi, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 NH này trong quý I đạt hơn 82.500 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng vẫn nhiều nỗi lo…

Mặc dù huy động và cho vay cùng tăng cao, song tình trạng cũ vẫn tiếp diễn, đó là tốc độ tăng trưởng huy động vốn vẫn chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng cho vay. Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), vào cuối quý I, tổng lượng tiền gửi vào hệ thống thấp hơn 1,1 triệu tỷ đồng so với tổng lượng tín dụng bơm ra nền kinh tế.

Hồi đầu năm, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng chia sẻ, ngành NH cho vay ra nền kinh tế nhiều hơn số dư huy động. Tức huy động được 9 đồng nhưng ngành NH cho vay 10 đồng, phần thiếu hụt còn lại phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ NHNN.

Từ sau cuộc họp ngày 25-2 giữa NHNN với các NHTM về lãi suất, 29 nhà băng đã tiến hành giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm. Dù vậy, ngành NH vẫn ghi nhận mức tăng tiền gửi tốt.

Nguyên nhân được cho là thời điểm đó sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, thị trường chứng khoán vẫn chưa mạnh. Song qua quý II này, một số NH đã bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi để hút vốn. Lãi suất đã rục rịch tăng do một phần kênh đầu tư vàng đang nóng lên, bất động sản cũng đang có tín hiệu khởi sắc.

Bên cạnh về dài hạn, sự bất định của chính sách thuế quan của Mỹ tạo ra sức ép lên công cuộc điều hành chính sách của NHNN. Theo đó, dự báo lãi suất huy động có thể tăng 1-2%, lãi suất cho vay tăng nhẹ và chậm hơn lãi suất huy động (0,5-1%).

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép trong thời gian tới, vì nhu cầu vốn tín dụng dự kiến gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi huy động vốn của NH có thể bị ảnh hưởng và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, thị trường chứng khoán.

Áp lực về vốn cũng thể hiện qua việc các NH ồ ạt phát hành trái phiếu. Trong tháng 4, tổng giá trị phát hành mới trong tháng đạt 39.000 tỷ đồng, tăng mạnh 126% so với tháng trước, trong đó nhóm NH phát hành 21.800 tỷ đồng.

FiinRattings dự báo giá trị dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm nay sẽ tăng 15-20%, trong đó các NH sẽ tiếp tục phải đẩy mạnh phát hành để vừa tăng vốn cấp 2, vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng như định hướng của Chính phủ.

Bên cạnh đó, ngành NH vẫn còn một mối quan tâm lớn nữa là kiểm soát nợ xấu, bởi khoản này vẫn đang trong xu hướng tăng lên. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội NH cho biết, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NH (bao gồm cả nợ tiềm ẩn rủi ro) tính đến cuối năm 2024 ước tính khoảng 5,46%, tương ứng với tổng số tiền nợ xấu hơn 1.030.000 tỷ đồng.

Trong đó nợ xấu nội bảng là 778.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC 101.000 tỷ đồng, và nợ tiềm ẩn rủi ro 150.000 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2025, tổng nợ xấu của hệ thống NH tăng thêm 34.000 tỷ đồng, đạt 1.064.000 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng tăng lên 833.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC giảm còn 99.000 tỷ đồng, và nợ tiềm ẩn rủi ro là 130.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hùng, hiện còn khoảng 63.000 tỷ đồng nợ xấu thuộc diện cơ cấu nợ theo Thông tư 02. Thông tư này đã hết hiệu lực, nên khoản nợ này được xem là nợ tiềm ẩn rủi ro, nâng tổng nợ tiềm ẩn rủi ro lên khoảng 193.000 tỷ đồng.

Tại các nhà băng, nợ xấu quý I cũng tiếp tục ghi nhận mức tăng. Chẳng hạn, tổng nợ xấu của BIDV cuối quý I lên gần 39.909 tỷ đồng, tăng 37% so với hồi cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,41% năm trước lên mức 1,89%.

Tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank lên mức 2,2%, tăng 0,2% do khách hàng bị ảnh hưởng bởi khó khăn, nền kinh tế phục hồi chậm, bất động sản chưa phục hồi. Tỷ lệ nợ xấu của MB cũng tăng từ mức 1,62% vào cuối năm 2024 lên 1,84%. Nợ xấu của SaigonBank đã lên mức 3,28%, trong khi cuối năm 2024 chỉ ở mức 2,66%...

Chất lượng tín dụng là vấn đề được chú trọng trong năm nay, nhất là trước áp lực chính sách thuế quan của Mỹ. Vì khi dòng tiền của doanh nghiệp bị gián đoạn do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, việc trả nợ sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và NH buộc phải tăng trích lập dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận.

THIÊN MINH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tien-gui-tang-cho-vay-tang-no-xau-cung-se-tang-theo-post122662.html