Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng: Muốn xử lý rác hiệu quả, phải có 'kiến trúc sư trưởng' ngành rác

Trong khuôn khổ tuyên truyền Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam, một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô

Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô

- PV: Thưa ông, xin ông chia sẻ một số kết quả sản xuất kinh doanh nổi bật của T-TECH trong năm 2024?

- TS.Nguyễn Đình Trọng: Năm 2024, T-TECH tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, mở rộng mạng lưới đầu tư và triển khai thành công nhiều dự án nhà máy xử lý rác thải tại hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Chúng tôi không chạy theo những công nghệ đắt đỏ, phức tạp mà chú trọng vào sự “thông minh” và thực tiễn trong thiết kế, như cách nhiệt nhiều lớp, tối ưu luồng khí đốt, tận dụng bức xạ nhiệt để tối ưu hóa hiệu suất xử lý. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu xử lý triệt để rác thải, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Nhà máy xử lý rác tại Tuy Hòa - Phú Yên với công suất 240 tấn/ngày đêm do T-TECH làm chủ đầu tư

Nhà máy xử lý rác tại Tuy Hòa - Phú Yên với công suất 240 tấn/ngày đêm do T-TECH làm chủ đầu tư

Năm 2024, T-TECH đầu tư 2 nhà máy xử lý rác tại Phú Yên và Bạc Liêu. Nhà máy xử lý rác tại Tuy Hòa - Phú Yên có công suất 240 tấn/ngày đêm, tổng mức đầu tư 262,4 tỷ đồng. Tại Bạc Liêu, nhà máy xử lý rác có công suất 200 tấn/ngày đêm, tổng mức đầu tư 158 tỷ đồng. Ngoài ra, T-TECH còn đầu tư vào nhà máy điện gió Đông Hải II, công suất 50MW/ngày đêm, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng.

- PV: Ông đánh giá thế nào về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại Việt Nam?

- TS. Nguyễn Đình Trọng: Thực tế hiện nay, nhiều địa phương, kể cả các thành phố lớn vẫn loay hoay trong mọi khâu: từ lựa chọn công nghệ, nhà đầu tư, đến quản lý sau đầu tư. Một nguyên nhân cốt lõi là chúng ta chưa có một “kiến trúc sư trưởng” ngành rác - người có tầm nhìn, có chuyên môn để thiết kế tổng thể hệ sinh thái xử lý rác.

Công nghệ lò đốt rác của T-TECH phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam

Công nghệ lò đốt rác của T-TECH phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam

Nhiều công nghệ nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản, Đức… qua các nguồn vốn ODA hay đầu tư tư nhân đều thất bại khi áp dụng tại Việt Nam. Sản xuất phân compost thất bại, công nghệ Plasma hay khí hóa cũng thất bại. Một phần vì đặc thù rác thải ở Việt Nam khác biệt, phần khác vì nhà đầu tư không làm chủ được công nghệ, phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, không thể tự sửa chữa hay vận hành linh hoạt - trong khi xử lý rác là công việc không có ngày nghỉ.

- PV: Ông có khuyến nghị như thế nào với các địa phương trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt?

- TS. Nguyễn Đình Trọng: Để giải quyết vấn đề xử lý rác hiệu quả, theo tôi cần có bản đồ quy hoạch thông minh về điểm xử lý rác, trong đó có nhóm giải pháp với 3 bước đối với các tỉnh, thành, địa phương hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng đề xuất nhóm giải pháp 3 bước trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương

Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng đề xuất nhóm giải pháp 3 bước trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương

Bước 1, mỗi tỉnh, thành phố phải có một bản đồ quy hoạch “thông minh” về các điểm xử lý rác, trạm xử lý rác, mạng lưới thu gom,... đảm bảo tối ưu, khoa học. Rất nhiều tỉnh, thành phố mắc lỗi này và tồn tại trong nhiều năm qua.

Bước 2, lựa chọn “công nghệ phù hợp”, “nhà đầu tư phù hợp” thì mới có cơ hội thành công. Trong bước này hạn chế lựa chọn “nhà đầu tư tay ngang”, không có kinh nghiệm, không chuyên nghiệp, không có công nghệ trong tay. “Hạn chế “tâm lý sính ngoại”, nghĩ rằng cứ phải chọn công nghệ G7 thì mới tốt, đây là một quan điểm “sai lầm nghiêm trọng” trong việc xử lý rác. Rác Việt Nam không giống rác nước ngoài, nên để công nghệ Việt Nam xử lý”

Bước thứ ba, cần quản lý sau đầu tư đối với các dự án nhà máy xử lý rác thải. “Sau khi các nhà máy rác được đầu tư bài bản, ngoài việc giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng, thì rất cần có sự chung tay, đồng hành thường xuyên, liên tục của ba đơn vị khác nữa đó là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nếu không có sự đồng hành, gắn kết của 3 “đơn vị” nêu trên thì nguy cơ các nhà máy rác rơi vào thất bại là rất lớn.

Các dự án khác, nếu thất bại thì chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp thôi. Còn nếu 1 dự án về xử lý rác mà thất bại thì ảnh hưởng đến toàn xã hội, đến cả các lãnh đạo đừng đầu địa phương, ảnh hưởng người dân và cả chính nhà đầu tư. Bởi vậy, tôi vẫn nói là làm về rác rất vất vả, nếu không yêu rác, không tâm huyết, không đủ năng lực thì đừng làm, đừng tham gia mà đứng sang một bên để cho những ai có đủ những yếu tố đó, họ làm.

- PV: Là nhà đầu tư các Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xin ông cho biết công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam trong thời gian vừa qua?

- TS.Nguyễn Đình Trọng: Lĩnh vực hoạt động chính của T-TECH là lò đốt rác: Bao gồm lò đốt rác sinh hoạt, công nghiệp, y tế và lò đốt rác phát điện; dây chuyền thiết bị xử lý môi trường, công nghệ đóng cửa bãi rác cũ, dây chuyền xử lý rác thải tổng hợp. Doanh nghiệp còn đầu tư nhà máy xử lý rác, các nhà máy đốt rác công suất từ 200 tấn/ngày trở lên, theo mô hình đầu tư linh hoạt; cung cấp thiết bị thí nghiệm, thiết bị xây dựng, kiểm tra vật liệu, đo lường khoa học, công nghệ đốt rác phát điện.

Trong hơn 22 năm qua, T-TECH đã triển khai thành công hơn 200 dự án lò đốt rác lớn tại hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lò đốt rác T-TECH cũng không có điều gì quá đặc biệt, nhưng chúng tôi có sự thông minh, chất “nghề” trong đó. Ví dụ như tường lò cách nhiệt, giữ nhiệt của T-TECH được làm thành nhiều lớp giữ nhiệt. Tính toán để lưu chuyển dòng khí nóng khi đưa vào để được cộng hưởng và hấp thụ nhiệt tối đa. Hệ thống bức xạ nhiệt cũng phải được tính toán, tận dụng tối đa nhiệt tạo ra từ rác để quay lại đốt rác.

Tập thể cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam

Tập thể cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam

Chúng tôi áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đặc biệt là công nghệ đốt rác phát điện, hướng tới mục tiêu xử lý triệt để rác thải, đồng thời thu hồi năng lượng tái tạo. Ngoài ra, chúng tôi còn chú trọng đến việc phân loại rác tại nguồn và nâng cao nhận thức cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu quả xử lý rác và bảo vệ môi trường bền vững.

- PV: Ông đánh giá sao về vai trò của doanh nghiệp trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nhà nước cần có những giải pháp, chính sách gì thêm để thu hút doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải rắn sinh hoạt?

- TS.Nguyễn Đình Trọng: Doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, không chỉ về mặt đầu tư tài chính mà còn về ứng dụng công nghệ, quản lý vận hành hiệu quả và sáng tạo trong mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, để thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách giá xử lý rác hợp lý, hỗ trợ tiếp cận đất đai, vốn vay ưu đãi, và minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích phân loại rác tại nguồn và thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, từ đó tạo động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài.

- PV: Xin ông cho biết mục tiêu sản xuất kinh doanh của T-TECH năm 2025?

- TS.Nguyễn Đình Trọng: Năm 2025, T-TECH bước vào giai đoạn phát triển mới trong kế hoạch 5 năm (2025–2030) với bốn trụ cột chính:

1. Nghiên cứu - sản xuất - phân phối thiết bị khoa học

2. Đầu tư bất động sản

3. Phát triển năng lượng tái tạo

4. Đầu tư tài chính (M&A)

Chúng tôi cũng tập trung xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, phát triển các giải pháp số hóa trong quản lý vận hành nhà máy, đồng thời đóng góp tích cực vào chiến lược kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững tại Việt Nam.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

P.V

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tien-si-nguyen-dinh-trong-muon-xu-ly-rac-hieu-qua-phai-co-kien-truc-su-truong-nganh-rac-post617154.antd