Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh: 'Tế bào gốc không phải thần dược – hiểu đúng mới mang lại hiệu quả'
Tế bào gốc không phải 'thần dược', chúng chỉ hỗ trợ điều trị, phục hồi và điều trị một số bệnh lý nhất định, nhưng vẫn phải là tế bào gốc thật mới làm được điều đó. Nhiều sản phẩm gắn mác 'tế bào gốc' nhưng thực chất chỉ là dịch nuôi cấy, không hề chứa tế bào sống..
Tốt nghiệp và từng làm việc tại các trung tâm y sinh danh tiếng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh (sinh năm 1989) có thể đã tiếp tục sự nghiệp ổn định nơi xứ người. Thế nhưng, chị chọn quay về Việt Nam – không phải để tìm vùng an toàn, mà để bắt đầu lại từ điều còn dang dở: cống hiến cho ngành y học tái tạo còn mới mẻ nhưng đầy tiềm năng tại quê nhà. Hiện chị đang công tác tại Ngân hàng mô-tế bào gốc Vicells thuộc Bệnh viện Thẩm mỹ SIAM Thailand, đơn vị vừa được Bộ Y tế cấp phép hoạt động chính thức.
Trong cuộc trò chuyện dưới đây, Tiến sĩ Kiều Oanh chia sẻ không chỉ góc nhìn chuyên môn về tế bào gốc, mà còn là những cảnh báo cần thiết giữa thời điểm lĩnh vực này đang bị thương mại hóa quá mức, thậm chí bị hiểu sai như một “liều thần dược” chữa được mọi thứ.
- Thưa Tiến sĩ, vì sao chị chọn từ bỏ công việc ổn định tại nước ngoài để trở về Việt Nam, và điều gì khiến chị quyết định gắn bó với Vicells?
TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh: Tôi từng làm việc, nghiên cứu, học tập tại Đại học Tokushima (Nhật Bản), UCLA (Hoa Kỳ) và sau đó hoàn tất chương trình tiến sĩ ngành Khoa học Y sinh tại Đại học Ulsan (Hàn Quốc). Quãng thời gian làm việc tại các công ty công nghệ sinh học quốc tế, tôi được tiếp xúc với những thành tựu hiện đại trong phát triển dược phẩm và ứng dụng y sinh. Tôi cũng may mắn được đồng hành cùng nhiều nhóm nghiên cứu giàu kinh nghiệm và đã công bố hàng chục công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín như: Biomedical Research and Therapy, Progress in Stem Cell, Cytotechnology,...
Nhưng sau tất cả, tôi cảm thấy mình cần một thời gian “lắng lại”. Tôi trở về Việt Nam, ban đầu chỉ là nghỉ ngơi ngắn hạn, nhưng rồi tôi gặp Vicells.
Điều khiến tôi ấn tượng là cái tên: Vicells – viết tắt của Vietnamese Cells. Tôi cũng được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ anh Thái Hoàng Sơn – CEO Bệnh viện Thẩm mỹ SIAM Thailand – người luôn ấp ủ giấc mơ kiến tạo một thương hiệu Việt mang tầm quốc tế, nơi hội tụ tinh hoa công nghệ thế giới và trí tuệ Việt Nam. Từ anh, tôi cảm nhận rất rõ khát vọng xây dựng một nền y học tái tạo hiện đại, phát triển ngay trên đất Việt, do chính người Việt làm chủ. Với hệ thống phòng sạch đạt chuẩn quốc tế, công nghệ xử lý tế bào theo tiêu chuẩn Nhật Bản và một định hướng phát triển dài hạn, bài bản, Vicells không chỉ là nơi tôi làm việc – mà còn là nơi tôi tin rằng mình có thể đóng góp những viên gạch đầu tiên cho lĩnh vực y học tái tạo tại quê hương.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh.
- Từ góc nhìn chuyên môn, chị đánh giá như thế nào về tiềm năng của tế bào gốc, đặc biệt là mô mỡ tự thân?
TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh: Tế bào gốc là nền tảng cốt lõi của y học tái tạo. Trong đó, tế bào gốc từ mô mỡ (ADSC – Adipose-derived Stem Cells) là một trong những loại phổ biến, dễ lấy, ít xâm lấn và giàu khả năng biệt hóa.
Vì là tế bào tự thân nên gần như không có nguy cơ bị đào thải. Chúng có thể phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau: xương, sụn, mô da, sợi… nên có thể dùng để hỗ trợ phục hồi mô tổn thương, làm chậm quá trình lão hóa và điều trị sẹo, trẻ hóa làn da hay tái tạo sau phẫu thuật,...
Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, hiệu quả chỉ đạt được nếu đảm bảo chất lượng tế bào và tuân thủ quy trình y khoa chuẩn mực. Nếu sử dụng tế bào kém chất lượng hoặc thực hiện sai kỹ thuật, nguy cơ nhiễm trùng, viêm hay mất hiệu lực sinh học là điều rất đáng lo ngại.
- Có quan điểm nào sai lệch về tế bào gốc mà chị muốn cảnh báo?
TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh: Có ba hiểu lầm phổ biến về tế bào gốc. Thứ nhất, “tất cả tế bào gốc đều giống nhau”. Đây là quan điểm không đúng. Có nhiều loại tế bào gốc: phôi (ESC), trưởng thành (tủy xương, mô mỡ…), dây rốn, hay iPSC (cảm ứng vạn năng). Mỗi loại có đặc tính, tiềm năng và chỉ định riêng. Không thể đánh đồng.
Thứ hai, tế bào gốc không phải “thần dược”, chúng chỉ hỗ trợ điều trị, phục hồi và điều trị một số bệnh lý nhất định, nhưng vẫn phải là tế bào gốc thật mới làm được điều đó. Nhiều sản phẩm gắn mác “tế bào gốc” nhưng thực chất chỉ là dịch nuôi cấy, không hề chứa tế bào sống. Chúng có thể chứa một số protein hoặc yếu tố tăng trưởng, nhưng không có năng lực biệt hóa hay tái tạo mô để giúp hỗ trợ chữa trị bệnh lý và duy trì sức khỏe. Việc hiểu sai sẽ dẫn tới kỳ vọng sai và tiêu dùng sai.
Cuối cùng, tuyệt đối không sử dụng sản phẩm tế bào gốc không được kiểm định hoặc từ nguồn không rõ ràng. Đặc biệt nguy hiểm nếu sản phẩm đó được tiêm trực tiếp vào cơ thể mà không có quy trình kiểm soát chất lượng.

Theo TS. Oanh, không nên sử dụng sản phẩm tế bào gốc không được kiểm định hoặc từ nguồn không rõ ràng.
- Vậy tế bào gốc liên hệ thế nào đến quá trình sống và tái tạo của cơ thể, thưa TS?
TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh: Mỗi ngày, cơ thể chúng ta mất khoảng 330 tỷ tế bào – từ da, máu đến tế bào niêm mạc. Để tồn tại, cơ thể phải liên tục sản sinh tế bào mới – và nguồn cung cấp đó chính là tế bào gốc nội sinh.
Khi tuổi tác tăng, bệnh tật xuất hiện, quá trình này chậm lại. Lúc này, can thiệp bằng tế bào gốc ngoài cơ thể (đã được nuôi cấy và nhân lên) là một cách hỗ trợ hợp lý – giúp tái cấu trúc mô và cải thiện chức năng suy giảm.
Tế bào gốc không chỉ dành cho bệnh nặng. Chúng có thể hỗ trợ phòng ngừa lão hóa, phục hồi sau can thiệp và chăm sóc sức khỏe tổng thể – nếu được sử dụng đúng cách, đúng người, đúng thời điểm.
- Vậy theo chị, làm thế nào để người tiêu dùng tự bảo vệ mình trước sự thương mại hóa quá đà?
TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh: Người tiêu dùng chỉ nên sử dụng dịch vụ liên quan đến tế bào gốc tại các cơ sở được cấp phép, có phòng LAB đạt chuẩn, đội ngũ chuyên môn được đào tạo bài bản như Vicells.
Ngoài ra, mỗi người cần chủ động trang bị kiến thức. Đừng bị cuốn theo lời quảng cáo “có tác dụng ngay” – vì sinh học cần thời gian. Không có liệu pháp nào tiêm vào hôm nay là đẹp ngày mai. Mọi can thiệp sinh học đều cần thời gian tương tác và điều kiện phù hợp để phát huy hiệu quả.
Quan trọng nhất, hãy luôn giữ một tâm thế tỉnh táo. Tế bào gốc là khoa học, không phải phép màu.
Xin cảm ơn Tiến sĩ về những chia sẻ sâu sắc và đầy trách nhiệm!