Tiếng chim cu gáy

Khi bóng nắng đổ về chiều, hàng sấu thôi vẻ ưu tư trầm mặc, cành lá bắt đầu phe phẩy rồi đu đưa theo làn gió. Từ trong những lùm cây cao bắt đầu văng vẳng tiếng cu chuyền. Thoạt, tiếng chim rời rạc, lẻ tẻ. Dần, những âm thanh cúc cu, cúc cu, cúc cu từng đôi, từng đôi đối đáp râm ran. Tiếng chim thúc giục đổ hồi. Chiếc đĩa mặt trời chói chang trên tít không trung chừng cũng nghe thấy tiếng chim, xích mau lên phía núi. Người dân địa phương cuốc cỏ trên những vườn sắn, vườn chè đã quen nghe chim gáy, dửng dưng. Đám trẻ lông bông lần theo tiếng chim nhòm ngó rình rập. Và có những người sống tha hương đang não lòng lắng nghe tiếng chim cu gáy.

-Minh họa: THANH SONG

-Minh họa: THANH SONG

Lão Vạn ngừng tay kéo mũi lạt tre đan, ngẩng lên nhìn mông lung ra ánh nắng. Bây giờ lão mới nhận biết còn có cả tiếng ve ngân. Những con ve chỉ nghe tiếng lanh lảnh mà khó thấy hình, sao cứ mùa hè lại đến vây quanh túp lều của lão mà kêu than. Tiếng sầu thương còn lay động tâm can con người sâu thẳm, xa xôi hơn cả bóng nắng về chiều và tiếng con chim cu gáy, khiến con người phải lên bổng xuống trầm, ngồi đứng không yên với bao nỗi niềm khơi gợi. Lão Vạn đâu có là người văn hoa mà bản nhạc giao hòa âm sắc nơi núi rừng sơ tán này vẫn tác động vào cõi linh hồn của lão như thế đấy.

Một tay cầm dùi giục, một tay vẫn cầm nan tre, lão Vạn cứ ngồi như bức tượng. Lão nhớ ngẩn ngơ. Bóng chiều, tiếng ve, tiếng chim cu chuyền là cả mớ tiềm thức quê hương trong lòng lão. Ôi cái làng quê bé nhỏ chạy dài theo con đường Bảy Mươi! Khu vườn của lão khá rộng lớn và rất yên tĩnh nằm tách riêng, biệt lập sau lưng làng.

Chỉ có nhà lão quay mặt về Nam, ngó ra choi ruộng và nối tiếp bạt ngàn những vườn đồi trải dài hai cánh. Vẫn mơ hồ nghe âm vang sóng vỗ sông Hiền Lương. Nơi vùng đất bán sơn địa đó có khá nhiều khu vườn biệt lập. Thiên nhiên bao la, dân cư thưa thớt, con người càng gắn bó thân thiết với vạn vật. Vào những ngày hè cháy nắng, khu vườn nhà lão Vạn đầy ắp tiếng ve. Đủ các giống chim bay về quần tụ.

Ngày ngày, vừa mở mắt đã nghe tiếng chim cu gù. Đi cuốc sắn, đi bẻ ngô, xuống ruộng, lên vườn... đều nghe tiếng chim cu gáy. Nhưng với lão Vạn, vào lúc xế chiều, tiếng chim cu mới bắt đầu thực sự. Trong ngọn gió nồm nam hây hẩy, hưng phấn lên men, những đôi chim cu tha thiết muốn xích lại gần nhau.

Tiếng gọi thăm dò, tiếng kêu hăm hở, tiếng cù cục ăn ý gật đầu, tiếng đá chọi những chú cu đực răn đe, hăm dọa lẫn nhau...Mặc lũ chim cu cứ tha hồ dùng tiếng gáy thổ lộ bao tình ý, lão Vạn chỉ cảm nhận rõ rệt một điều: tất cả đều say sưa, tất cả đều vui vầy hòa hợp... Chiều quê thanh bình, chiều quê yên ả, chiều quê êm đềm nhè nhẹ nâng cánh hồn của lão lên tận cõi chơi vơi...

Sự thỏa nguyện quê hương ngày nào, nay trở thành nỗi khát khao cháy bỏng. Thà rằng đừng có gì nhắc nhở cả, lão Vạn cũng sẽ như hàng vạn bà con nơi đầu sóng ngọn gió đã được đưa ra đây chỉ việc chí thú làm ăn chờ ngày giải phóng trở về. Tiếng chim cu (bé nhỏ thôi) sao có thể cứ chiều chiều lại đánh thức con sóng lòng quằn quại đã ngủ yên, sao có thể cứ chiều chiều lay động tận sâu xa nỗi niềm quê hương đã cố nén đè của lão?

Phía trước cửa xuất hiện một ông già tướng mạo khỏe khoắn. Lưỡi rựa trong tay, một nhát ông phất bay cành hóp ngáng đường rồi cắm cúi bước vào. Lột mê nón “lính thú” xuống đầu, dựng cây rựa vào vách, kéo chiếc ghế đẩu ngồi bên hiên thềm, khỏi khách sáo, khỏi chờ lão Vạn mời chào, nêu luôn một lời tâm sự:

-Mấy con cu “cáy” (cu gáy) sao ác quá ông!

Đây là ông Hợp, người hàng xóm tâm đắc của lão. Từ thuở còn để chỏm, hai người đã chơi thân với nhau. Ông Hợp thua lão Vạn năm tuổi, nhưng người dân quân gan góc thời chống Pháp ấy nay vẫn còn phong độ lắm. Ông sống rất nội tâm. Nói là làm. Từ Vĩnh Linh khói lửa tha nhau ra đất Tân Kỳ, hai ông già vẫn sống cạnh nhau, tối lửa tắt đèn có nhau, trang trải nỗi niềm cùng nhau.

Hai người ngồi yên giữa chiều tha hương nghe rộn rã bốn bề tiếng chim cu gáy. Có cái gì nhức nhối, ông Hợp như không chịu nổi nữa cũng chỉ cất tiếng ngập ngừng:

- Ông Vạn này, tôi tính...tôi tính...

- Ông tính gì?

- Tôi tính làm một chuyến quay về! Đôi mắt mờ đục của lão Vạn mở to, nhìn thẳng vào ông Hợp. Lão ngỡ mình đã va phải trán vào tường. Mãi hồi lâu lão mới phát thành câu:

- “Giớ già”, “giớ quê” răng tui không giớ? (Nhớ nhà, nhớ quê sao tôi không nhớ)! Mình tra nua (già nua) vướng bận con cái không đánh được giặc, đã ra đây còn nói quay về. Hồi đánh Pháp, tui với ông làm dân quân ở vùng địch hậu, bà con ra chiến khu cũng “giớ” rồi đòi hồi cư. Chả là mình đã “cưởi thư” (gửi thư) bảo họ rằng “tản cư cũng là kháng chiến đó thôi. Vả lại dân Tân Kỳ, Nghệ An ăn ở với mình quá tốt. Họ còn thiếu thốn chết cha mà mọi thứ phải chắt bóp lo trước cho mình. Nói “giư” (như) ông là trái tình trái cảm với con em ở Vĩnh Linh, là không phải đạo với đồng bào địa phương đó, ông ạ!

Ông Hợp đánh một tiếng thở dài, thủng thẳng đứng lên, đội nón, cầm rựa lặng lẽ bước ra sân. Lão Vạn với theo:

- Có đi chặt rào thì canh chừng đàn bò thả rong “phất” (ăn) lá sắn hộ tui với!

Thêm hai buổi chiều đôi bạn già đến ngồi với nhau nghe tiếng chim cu gáy. Ngày thứ ba, đúng ngọ, quá bữa cơm trưa, bà Hợp tất tả chạy qua nhà lão Vạn. Thấy bà Hợp đi tìm chồng cuống cuồng, lão Vạn biết đã xảy ra chuyện gì. Lão nói theo kế “hoãn binh”: “Không lo, không lo. Tui biết ông ta ở mô rồi. Cùng lắm là chiều tối ông về nhà thôi”. Bà Hợp mếu máo quay về. Lão Vạn gọi thằng cháu nội đang học cấp III tới bảo: “Chiều ni cháu “cáo” (xin phép) thầy nghỉ buổi lao động. Cháu đạp xe gấp xuống Lạt (thị trấn huyện lị Tân Kỳ) tìm, chắc ông Hợp còn ngồi đón xe dọc đường thôi. Cháu bảo ông quay về ngay, bà bị trúng gió đang cấp cứu”. Thằng cháu nội sồng sộc lao xe đi. Lão Vạn ngồi bắt mặt ngó ra, lòng xốn xang. Chỉ có lão biết sự tình ông Hợp.

Càng về chiều, tiếng chim cu càng rộn ràng, khoan nhặt. Giọng hót trong suốt, giọng gù trầm đục, cành cao nhún nhẩy, cành thấp rủ rê, nhịp năm nhịp ba, khêu kều mời mọc...Lão Vạn bỏ mặc, lấy mê thúng ra đan tiếp. Lão cố gõ đùi đan lốc cốc cho át tiếng chim. Trong tiềm thức lão, tiếng chim cu như tiếng gọi quê hương. Chính những tiếng chim cu đã khơi nỗi nhớ. Cái ông Hợp lắm đầu óc tưởng tượng kia không thể nguôi quên được những vạt lúa mẩy vàng, những triền đồi trải rộng sắn khoai, những khu vườn tiêu, chè, mít, cà phê, những khoảnh đất hoang mọc cỏ gianh.... Ôi cái xứ sở quê hương yêu dấu ngàn đời, giờ đây đang bị lật xáo cả lên. Mọi thứ đang tung tóe, nát vụn, đang biến dần thành tro bụi vì bom đạn kẻ thù...

Lão Vạn biết ông Hợp không muốn rời quê hương ngay khi Vĩnh Linh có chủ trương sơ tán trẻ em, ông già, bà lão. Chấp hành “mệnh lệnh”, ông phải “gương mẫu” ra đi. Ông bà chỉ có duy nhất một thằng con trai làm xã đội trưởng. Hai đứa con gái dân quân tuổi tác còn non nớt quá, không biết có đủ kinh qua để tránh trớ với mưa bom bão đạn đến đâu. Và chắc chắn ngoài cái cớ “con cu cáy ác quá”, sự lo nghĩ về những đứa con đã xúi giục hành động “tự do vô kỷ luật” của ông. Tại sao ông không nghĩ quay trở về Vĩnh Linh lúc này, ông chỉ làm rối thêm cho chúng nó?

Bà Hợp cứ qua về ảo não. Lão Vạn chẳng còn lòng dạ nào có thể ngồi đan. Lão vứt đùi đứng lên, đi ra con đường xuôi về phía Lạt. Lóng ngóng. Hồi hộp. Núi non đã tím sẫm lại dưới ánh nhạt nhẽo của mặt trời. Kia rồi, thằng cháu nội của Lão từ Lạt đã quay xe về. Nó về không. Lão Vạn cầm chắc ông Hợp đã bon rồi. Không thể làm yên lòng bà Hợp và hàng xóm bằng cách nói dối, lão Vạn buộc quay sang an ủi mọi người: Ông Hợp “giớ” quê quá thì về. Vài bữa, nửa tháng rồi ông sẽ quay ra. Cứ tin chắc ông Hợp sẽ quay ra...

Gần hai tháng sau, có tin ông Hợp. Anh bộ đội lái xe từ tuyến lửa cầm đến cho lão Vạn một bức thư. Lão Vạn chưa dám gọi bà Hợp, lẩy bẩy trao thư cho cháu đọc:

- Đọc. Đọc con! Đọc mau! Đọc coi thử đã. Nói sau.

- Vâng, cháu đọc đây: “Bà nó ơi tui rất “giớ” bà, “giớ” ông bạn già lão Vạn của tui, đừng trách tui vì nếu không trốn thì ai cho tui đi. Tui về tới Lạt năn nỉ “giảy” (nhảy) lên được một cái xe chở tuyền (toàn) thùng lương khô mần một mạch ba ngày vô thấu. Khỏe cả bà và ông ạ. Con cái đại mừng rồi la, la chán thì thôi. Chừ chúng không cho tui ra nữa, chúng bảo đã vô thì ở mà làm dân quân. Mừng quá, chừ tui ở riêng một hầm chữ A kề địa đạo canh kho hằng ngày, cân gạo cho chúng nó nấu, có bữa cơm vừa bắc lên pháo từ Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn trúng, đổ cả thì lại ăn lương khô. Khổ thì khổ mà đại bui (vui). Báo động B52 rồi, không viết được thêm. Giấy vắn tình dài “giất định” chiến thắng lại gặp nhau. Bà nó ơi lo giữ sức khỏe hí, chúc ông Vạn khỏe. Tôi dừng bút. Ký tên Hợp”.

Đôi hàng mi lão Vạn hấp háy, hấp háy, rồi ứa hai giọt nước mắt. Bảy mươi hai tuổi rồi. Sao lão lại ra đời trước ông Hợp 5 năm để thua sức của ông ấy? Không! Nếu còn sức như ông Hợp, chân phương thế, lão Vạn chắc chẳng bao giờ làm cái việc “tày trời” như vậy. Ngày kháng chiến chống Pháp, chính lão đã thuộc lòng câu: “Tản cư cũng là kháng chiến”.

Nguyễn Trung Hữu

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tieng-chim-cu-gay-187843.htm