Tiếng đàn ta lư vang mãi cùng đất nước

Tiếng đàn Ta Lư do nhạc sĩ Huy Thục sáng tác có tiết tấu của tiếng đàn Ta Lư, âm vang tiếng trống trận, ca ngợi chiến thắng của quân và dân Quảng Trị khói lửa.

Khi nhạc sĩ Huy Thục cùng đoàn văn công phục vụ chiến trường Quảng Trị nằm trong vành đai lửa ác liệt, ông đã được nghe kể lại những trận đánh với Mỹ - ngụy. Đặc biệt trong những trận đánh của quân giải phóng có tiếng trống trận. Tiếng kèn tiến quân giữa tiếng pháo gầm đạn nổ.

Trong bài ca có đoạn:

“Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới

Rừng núi ta ơi hãy thức dậy vui cùng bản làng

Mừng thắng trận Gio An”.

Vùng đất Gio An trong bài hát thuộc cùng đất huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Trong trận đánh ngày 2-7-1967, tại Gio An quân giải phóng đã bố trí một trận địa phục kích lính Mỹ. Từ căn cứ Cồn Tiên, hai đại đội lính Mỹ thuộc tiểu đoàn 1 Thủy quân lục chiến hành quân về hướng đường 561. Trong thời tiết mùa hè đỏ lửa. Oi bức, nóng nực làm cho lính Mỹ mệt mỏi. Bất ngờ quân giải phóng nổ súng vào đội hình địch. Tiếng trống trận vang lên cùng tiếng kèn xung trận. Quân Mỹ hoảng loạn vì bị đánh bất ngờ trong tiếng trống trận vang dội. Bị thiệt hại nặng, lính Mỹ buộc phải xin cứu viện máy bay và pháo bắn chi viện. Chúng rút chạy về căn cứ Cồn Tiên.

Tiếng trống trong lời bài ca, đó là hai cái trống quân giải phóng đã mang về từ một trường học tại xã Trung Sơn. Tiếng trống là hiệu lệnh để quân giải phóng tiến đánh đồng loạt quân địch.

Nhạc sĩ Huy Thục còn đưa vào bài ca âm điệu của tiếng đàn: “Tính tính tính tính tính tang tang tình” đó là tiếng đàn Ta Lư của bà con Vân Kiều khi tham gia gùi gạo trên vai vào chiến trường.

Đặc biệt, tháng 12-1968, ca sĩ Tường Vy đã biểu diễn bài Tiếng đàn Ta Lư cho Bác Hồ nghe. Cùng đi, còn có nhạc sĩ Huy Thục. Khi ca sĩ Tường Vy hát đến đoạn:

“Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu

Đàn Ta Lư em cất tiếng ca vui cùng núi rừng

Mừng thắng trận quê em”

Bác đã hỏi nhạc sĩ Huy Thục:

- Bác hỏi cháu, cháu hiểu gì về đồng bào Vân Kiều?

Nhạc sĩ suy nghĩ, rồi trả lời Bác:

- Cháu biết người Vân Kiều họ còn khổ, không có họ đặt tên. Nhưng mang ơn cách mạng, ơn Bác Hồ, đồng bào đã lấy họ Hồ đặt cho mình. Trong chiến đấu, trước ngực đeo đàn Ta Lư, lửng gùi gạo phục vụ kháng chiến…

Bác nghe xong đã căn dặn mọi người:

- Chúng ta phải học tập người Pa Cô - Vân Kiều. Dù họ phải uống nước suối, ăn rau rừng, nhưng họ không tơ hào một hạt gạo của cách mạng.

Lời căn dặn của Bác rất thấm thía sâu sắc cho đến tận ngày nay đối với chúng ta.

Tiếng đàn Ta Lư của nhạc sĩ Huy Thục sáng tác vào khoảng năm 1967-1968 như một bài ca đi cùng năm tháng. Bài ca Tiếng đàn Ta Lư và bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân cùng một số sáng tác của nhạc sĩ Huy Thục đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về sáng tác văn học - nghệ thuật năm 2001.

Vũ Đức Vinh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/tieng-dan-ta-lu-vang-mai-cung-dat-nuoc-7df3b20/