Tiếng kêu cứu ở chung cư Hà Nội và hành động khiến người mẹ khắc ghi suốt đời

Trong lúc cấp bách, một người hàng xóm đã lấy xe đưa mẹ con chị đi viện, những người khác giúp chị chuẩn bị quần áo, vật dụng cá nhân. Một trong số đó giúp chị chăm sóc bé lớn.

Lời tòa soạn:

Mặc dù có sự khác biệt với khu dân cư truyền thống nhưng ở các chung cư cao tầng nhộn nhịp nơi phố thị, "tình làng nghĩa xóm" vẫn ươm mầm, phát triển. Nhiều câu chuyện cảm động về quan hệ giữa các gia đình, cá nhân sống trong chung cư đã làm ấm lòng bao người.

VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài viết về “Nghĩa tình ở chung cư”. Mời độc giả cùng tham gia nêu ý kiến, chia sẻ thêm những trải nghiệm của mình về văn hóa "hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau" ở các khu chung cư. Bài viết xin gửi về địa chỉ: Bandoisong@vietnamnet.vn

Bài 1: Bố mất ở chung cư, hành động của hàng xóm khiến người con U50 'lặng người'
Bài 2: Cô gái Ninh Bình làm lễ đón dâu ở chung cư, em bé hàng xóm níu váy không rời

"Tôi nhớ ơn hàng xóm suốt đời"

Chị Nguyễn Hường (33 tuổi, quê Phú Thọ) đã có 5 năm sống ở khu chung cư thuộc phường Từ Liêm (Hà Nội). Ngày mới mua nhà, chị hay nghe họ hàng nói "chung cư như cái tổ chim, nhà nào biết nhà nấy, hàng xóm cả năm chẳng thấy mặt nhau".

Bố mẹ ruột chị đôi lần xuống chơi cũng nhận xét, các gia đình sống ở chung cư quá mức riêng tư, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm cả ngày. "Thế này, chẳng may xảy ra hoạn nạn thì biết cậy nhờ ai?", bố chị từng đặt câu hỏi.

Con trai chị Hường khỏe mạnh trở lại nhờ hàng xóm cứu giúp. Ảnh: NVCC

Con trai chị Hường khỏe mạnh trở lại nhờ hàng xóm cứu giúp. Ảnh: NVCC

Không ngờ, cái gọi là "chẳng may" ấy thực sự đã xảy đến với tổ ấm nhỏ của chị. Tuy nhiên, khi ấy, vợ chồng chị đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của hàng xóm.

Lần đó xảy ra cách đây 2 năm, cả 2 đứa con của chị Hường đều mắc Covid-19. Vợ chồng chị cùng xin nghỉ làm, ở nhà chăm sóc con. Cơn sốt mỗi lúc một dày hơn, chị vừa cho con uống hạ sốt, vừa chườm nóng, chuẩn bị cho con vào bệnh viện.

“Nào ngờ, sốt lên quá nhanh, vợ chồng tôi không kịp trở tay. Sau khi uống thuốc hạ sốt, con gái lớn của tôi ổn hơn nhưng con trai thì mệt li bì.

Lúc đó là 19h, tôi thấy con trai lả đi, người tím tái, chân tay duỗi thẳng, lay hay gọi con cũng không phản ứng. Tôi thậm chí không nghe được tiếng thở của con. Trong phút chốc, tôi nghĩ con đã rời xa mình”, chị Hường xúc động nhớ lại.

Chồng chị hoảng loạn hô hoán, còn chị run rẩy bấm điện thoại gọi cho người hàng xóm làm bác sĩ ở cùng tòa nhà. Chị khóc không thành tiếng, mãi mới nói được câu: “Cứu con em với, anh ơi. Cứu mẹ con em với...”.

Nghe tiếng cầu cứu, bác sĩ và hàng xóm cùng tầng đã lập tức chạy sang nhà chị. “Nhờ bác sĩ sơ cứu, con trai tôi tỉnh dần nhưng vẫn lờ đờ, không tỉnh táo. Anh ấy véo mạnh một cái khiến con òa khóc, lúc đó tôi mới biết con đã về bên mình.

Thế rồi, anh bảo tôi gọi xe đưa con vào viện. Anh còn căn dặn tôi phải nói chuyện với con thật nhiều để con không lịm đi mà quên nhịp thở”, chị xúc động kể lại.

Trong lúc cấp bách, một người hàng xóm đã lấy xe đưa chị và bé vào bệnh viện, những người khác giúp chị chuẩn bị quần áo, vật dụng cá nhân. Một người giúp chị chăm sóc bé lớn. Mỗi người một câu, khuyên vợ chồng chị bình tĩnh để lo cho con.

Nhờ được sơ cứu kịp thời, con trai chị sớm ổn định, chỉ phải ở viện theo dõi một ngày là được về nhà.

Biến cố qua đi, chị đến gặp người hàng xóm là bác sĩ và gõ cửa từng nhà cùng tầng để cảm ơn. Ai cũng đáp: “Hàng xóm không giúp nhau lúc này thì lúc nào?”.

“Đến giờ, tình cảm xóm giềng nơi tôi ở vẫn tốt đẹp như vậy. Mỗi khi nhìn con chơi ngoan, cười nói vui vẻ, tôi lại nhớ đến ngày ấy. Tôi nhớ ơn họ suốt đời”, chị tâm sự.

Tình làng nghĩa xóm luôn hiện hữu

Nhắc tới chuyện “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, chị Mai (sống tại tòa chung cư trên đường Nguyễn Xiển, Hà Nội) cũng có kỷ niệm đáng nhớ.

Năm 2024, một căn hộ cùng tầng không may xảy ra hỏa hoạn trong lúc chủ nhà đi vắng. Vụ cháy bắt nguồn từ việc cây quạt bị chập điện, lửa ‘ăn’ sang các vật dụng như giấy, nhựa, gỗ... tạo khói đen mù mịt, chuông reo ầm ĩ khắp tòa nhà.

Ban quản lý ngay lập tức có mặt cắt nguồn điện và xử lý đám cháy.

Chị Mai cho rằng, ở chung cư tình làng nghĩa xóm vẫn luôn hiện hữu và được thể hiện theo cách riêng. Ảnh minh họa

Chị Mai cho rằng, ở chung cư tình làng nghĩa xóm vẫn luôn hiện hữu và được thể hiện theo cách riêng. Ảnh minh họa

Dù đám cháy được dập tắt kịp thời nhưng căn hộ vẫn bị hư hại nặng. Chủ nhà phải sơn lại nhà và lát lại nền gỗ. Điều khiến chị Mai khá bất ngờ là, sự cố khiến cư dân cùng tầng một phen hốt hoảng nhưng không ai phàn nàn một lời.

Thậm chí, mọi người còn thăm hỏi, góp tiền hỗ trợ chủ nhà sang sửa căn hộ.

“Nhìn mọi người quan tâm gia đình ấy, tôi rất xúc động. Mọi người sang nhà chơi, nói những điều tích cực như ‘xem như được dịp làm mới nhà cửa’; ‘bà hỏa ghé thăm mà chỉ thiệt hại thế này là may lắm, sau này gia đình đón lộc đầy nhà’...

Vợ chồng anh ấy cũng vô cùng biết ơn vì hàng xóm thông cảm, không mảy may trách cứ câu nào”, chị Mai chia sẻ.

Chị Mai đã chuyển về đây sống được 5 năm. Chị thấy, ở chung cư không có kiểu mở cửa ra là nhìn thấy nhau. Tuy nhiên, ở nơi tưởng như rất riêng tư và khép kín này, tình làng nghĩa xóm vẫn luôn hiện hữu và được thể hiện theo cách riêng.

Tầng của chị có một nhóm trò chuyện chung, mọi thông tin về cuộc sống thường ngày đều được trao đổi qua đó. Nhà ai cần nhờ trông con, đưa đón con, mượn đồ... đều có thể nhắn vào nhóm và ngay lập tức nhận được hỗ trợ.

Gia đình nào có người ốm đau, sinh nở hoặc có người qua đời, hàng xóm sẽ sang thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ công việc nếu cần thiết. Chị Mai cho rằng, tình làng nghĩa xóm tại đây cũng ấm áp giống như ở làng quê, không có gì khác biệt.

Thanh Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tieng-keu-cuu-o-chung-cu-ha-noi-va-hanh-dong-khien-nguoi-me-khac-ghi-suot-doi-2424029.html