Căn bệnh âm thầm đe dọa tương lai người trẻ Việt Nam
Từng được xem là 'bệnh của người già', thoát vị đĩa đệm giờ đây đang âm thầm tấn công giới trẻ. Cơn đau không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn đe dọa tương lai của họ.

Những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm phải đối mặt với nguy cơ phẫu thuật nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc có biến chứng thần kinh. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.
Từng là căn bệnh phổ biến ở tuổi trung niên, thoát vị đĩa đệm đang ngày càng "trẻ hóa" với nhiều ca bệnh nghiêm trọng xuất hiện ngay từ lứa tuổi học đường. Một bé gái chỉ mới 16 tuổi bị thoát vị đĩa đệm nặng. Cùng lúc đó, một cô gái 23 tuổi cũng suýt mất khả năng đi lại và kiểm soát tiểu tiện vì căn bệnh này.
Hai câu chuyện là lời cảnh báo đanh thép về một căn bệnh tưởng chừng xa lạ, nhưng lại rất gần với giới trẻ ngày nay.
Nỗi đau tuổi 16
Ở tuổi 16, thế giới của T.L. lẽ ra phải tràn ngập những trang sách, những giờ vui chơi cùng bạn bè và biết bao ước mơ tươi đẹp. Nhưng thay vì niềm vui, T.L. lại phải đối mặt với nỗi đau buốt giá, ám ảnh.
Một ngày, cơn đau lưng dữ dội bỗng ập đến, lan xuống chân phải, khiến em gần như không thể đứng vững. Mỗi bước đi, mỗi cử động đều là sự giày vò. Cơn đau càng lúc càng tăng, bủa vây lấy cơ thể non nớt của em. Cùng với thể trạng thừa cân và bệnh nền, T.L. đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy một khối thoát vị lớn, với kích thước 14mm x 9mm, như một "kẻ thù" vô hình, đang chèn ép rễ thần kinh, gây hẹp ngách bên nghiêm trọng.
Các bác sĩ cảnh báo, nếu không can thiệp kịp thời, T.L. có thể phải đối mặt với tương lai mịt mờ vì teo cơ, mất chức năng vận động, thậm chí liệt vĩnh viễn. Đó là một cú "sốc" không chỉ với gia đình mà còn với cả đội ngũ y bác sĩ.

Nữ sinh 16 tuổi được thăm khám sau khi mổ thoát vị đĩa đệm. Ảnh: BVCC.
Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á quyết định thực hiện một cuộc phẫu thuật "giải thoát" bằng kỹ thuật nội soi siêu nhỏ. Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Hoài Hưng, Trưởng khoa chia sẻ phẫu thuật được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp nội soi với hai đường rạch da cực nhỏ, chưa đầy 1cm.
"Kỹ thuật này cho phép chúng tôi đưa dụng cụ chuyên dụng tiếp cận chính xác khối thoát vị, loại bỏ phần nhân đệm chèn ép mà vẫn bảo tồn tối đa các mô lành xung quanh", bác sĩ Hưng nói.
Ca mổ diễn ra thành công. Sau phẫu thuật, điều kỳ diệu đã xảy ra. Em L. cải thiện nhanh chóng, không còn triệu chứng đau, tê hay yếu chân. Em đã có thể tự đi lại nhẹ nhàng chỉ sau vài giờ.
"Cảm giác đau đớn như tan biến, em đã có thể tự bước đi trên đôi chân của mình một lần nữa", T.L. xúc động kể lại.
Tuổi 23 và nỗi ám ảnh của hội chứng "chùm đuôi ngựa"
Câu chuyện của N.Đ.A.V. (23 tuổi, Củ Chi) cũng là một lời cảnh tỉnh khác. Một năm qua, V. đã sống chung với những cơn đau thắt lưng dai dẳng, tê cứng đùi phải, cảm giác nặng chân khi đứng.
Cô đã đi khám nhiều nơi, nhưng chỉ được chẩn đoán là căng cơ và điều trị nội khoa. Nhưng những cơn đau không thuyên giảm mà ngày càng trở nên dữ dội hơn, đỉnh điểm là khi cô bắt đầu gặp khó khăn trong việc tiểu tiện.
Khi V. nhập viện cấp cứu, cô đã rơi vào tình trạng đau dữ dội, tê cứng vùng mông - đùi phải, mất cảm giác đi tiểu, phải rặn mới ra nước tiểu. Các bác sĩ chẩn đoán cô mắc hội chứng chùm đuôi ngựa, một biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm.
Bác sĩ Lục Đình Phương, khoa Sọ Não cột sống 2, chia sẻ bệnh nhân nhập viện khi tổn thương thần kinh đã ảnh hưởng đến chức năng vận động và tiểu tiện. Nếu chậm trễ, nguy cơ liệt vĩnh viễn là rất cao. Tình trạng bí tiểu nếu để lâu quá 72 giờ mà chưa can thiệp thì tỷ lệ phục hồi chỉ dưới 25%.

Bệnh nhân được khám lại vết thương sau khi phẫu thuật. Ảnh: BVCC.
Ngay lập tức, ê-kíp quyết định phẫu thuật nội soi. Ca mổ thành công, đã lấy đi khối thoát vị lớn đang chèn ép ống sống và rễ thần kinh của V.
Sau mổ, V. đã cải thiện cơn đau, vận động chân tốt hơn và được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để phục hồi khả năng tiểu tự kiểm soát.
Những cơn đau dai dẳng
Thoát vị đĩa đệm từng được coi là bệnh của tuổi trung niên hay người lao động nặng. Tuy nhiên, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa đáng báo động.
Các nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh lý này ở người trẻ bao gồm ngồi học/làm việc sai tư thế trong thời gian dài, ít vận động, lười tập thể dục, sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, mang vác vật nặng sai cách và thừa cân, béo phì.
Theo bác sĩ Phương bệnh lý thoát vị đĩa đệm thường dễ phát hiện và điều trị với những triệu chứng đau vùng lưng khá điển hình. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều bạn trẻ còn chủ quan với những cơn đau lưng âm ỉ, cho đến khi triệu chứng trở nặng và gây biến chứng nguy hiểm mới chịu đi khám.
Do vậy, bác sĩ Phương khuyến cáo người trẻ cần chú ý tư thế khi ngồi, tăng cường vận động thể chất và giữ cân nặng hợp lý. Khi có dấu hiệu đau lưng kéo dài, lan xuống chân, yếu cơ hoặc rối loạn tiểu tiện, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Với những tiến bộ của y học, bệnh thoát vị đĩa đệm có thể được kiểm soát và phục hồi tốt. Tùy vào mức độ tổn thương và triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Đó là điều trị nội khoa (bảo tồn) với thuốc, vật lý trị liệu, thay đổi lối sống. Hoặc tiêm giảm đau ngoài màng cứng khi người bệnh đau dữ dội nhưng chưa cần phẫu thuật.
Cuối cùng, phẫu thuật được chỉ định khi điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc bệnh nhân có biến chứng thần kinh, với các phương pháp hiện đại như phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu, phẫu thuật mở truyền thống hay phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo trong trường hợp nặng.