Tiếng thổi ở tim cảnh báo điều gì về tình trạng sức khỏe?

Tiếng thổi ở tim là hiện tượng phổ biến, có thể báo hiệu vấn đề về tim hoặc vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tiếng thổi ở tim là tình trạng vô hại.

Mặc dù tiếng thổi ở tim đôi khi được coi là vô hại, nhất là ở trẻ em nhưng bạn vẫn cần được đánh giá về tình trạng này để loại trừ những vấn đề sức khỏe khác.

1. Tiếng thổi ở tim là gì?

Tiếng thổi ở tim tạo ra âm thanh giống như: "bùm – tặc", được tạo ra bởi dòng máu chảy nhanh, hỗn loạn qua tim.

Âm thanh này có thể được nghe bằng một thiết bị gọi là ống nghe.

Tiếng thổi ở tim được phân loại dựa trên thời điểm chúng xảy ra trong nhịp tim:

- Tiếng thổi tâm thu: Loại tiếng thổi này xảy ra khi cơ tim bạn co lại (thắt chặt).

- Tiếng thổi tâm trương: Loại tiếng thổi này xảy ra khi cơ tim bạn thư giãn.

- Tiếng thổi liên tục: Tiếng thổi tim liên tục xảy ra trong cả quá trình co bóp và thư giãn của cơ tim.

Tiếng thổi tâm trương và liên tục có nhiều khả năng liên quan đến bệnh tim. Nhưng mọi tiếng thổi của tim đều cần được đánh giá.

Tiếng thổi ở tim được tạo ra bởi dòng máu chảy nhanh, hỗn loạn qua tim (Ảnh: Internet)

Tiếng thổi ở tim được tạo ra bởi dòng máu chảy nhanh, hỗn loạn qua tim (Ảnh: Internet)

2. Triệu chứng tiếng thổi ở tim

Một số tiếng thổi ở tim không gây ra triệu chứng gì và được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ.

Nhưng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tiếng thổi, bạn có thể gặp các triệu chứng như:

- Da xanh xao

- Ho dai dẳng

- Tim đập nhanh.

- Đau hoặc tức ngực

- Hụt hơi

- Ngất hoặc yếu

Triệu chứng tiếng thổi ở tim ở trẻ sơ sinh:

- Trẻ bỏ bú hoặc chán ăn

- Da xanh xao, đặc biệt là ở môi và đầu ngón tay

- Ho

- Chậm lớn

- Chóng mặt

- Sưng ở bụng, cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân

3. Nguyên nhân gây ra tiếng thổi ở tim

Tiếng thổi là do dòng máu chảy hỗn loạn hoặc bất thường qua van tim. Nếu máu chảy nhanh hơn bình thường, nó có thể gây ra tiếng thổi ở tim. Đây là loại tiếng thổi vô hại và thường gặp trong các trường hợp:

- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ trong thời gian tăng trưởng nhảy vọt

- Thực hiện các bài tập

- Thai kỳ

Những tiếng thổi trong tim vô hại này có thể biến mất và xuất hiện trở lại. Chúng có thể nghe thấy to hơn khi tim bạn đập nhanh hơn. Cuối cùng chúng thường biến mất, nhưng một số tồn tại suốt đời. Những tiếng thổi vô hại ở tim không phải là dấu hiệu cho thấy tim bạn có vấn đề.

Tiếng thổi ở tim ở trẻ em thường là vô hại (Ảnh: Internet)

Tiếng thổi ở tim ở trẻ em thường là vô hại (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, tiếng thổi ở tim cũng là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:

- Thiếu máu: có thể gây ra tiếng thổi vì nó ảnh hưởng đến độ nhớt (độ dày) của máu. Các dấu hiệu thiếu máu khác bao gồm suy nhược và mệt mỏi.

- Hội chứng carcinoid hoặc bệnh tim carcinoid: là một khối u (ung thư) phát triển chậm do tăng thêm hormone, có thể ảnh hưởng đến tim của bạn. Người mắc hội chứng carcinoid cũng có thể bị sụt cân không rõ nguyên nhân, đau bụng, tiêu chảy hoặc huyết áp thấp.

- Khuyết tật tim bẩm sinh: tim có thể có vấn đề về cấu trúc ngay từ khi sinh ra. Ví dụ về các khuyết tật tim bẩm sinh bao gồm khuyết tật vách ngăn (lỗ trong tim) hoặc tứ chứng Fallot .

- Viêm nội tâm mạc: là một bệnh nhiễm trùng tim. Vi khuẩn hoặc vi trùng khác xâm nhập vào máu và tấn công van tim. Bệnh lý này thường gây ra các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, phát ban hoặc đau họng.

- Bệnh van tim: có nghĩa là một hoặc nhiều van tim không hoạt động bình thường, cản trở quá trình lưu thông máu tốt. Ví dụ, van có thể bị cứng (hẹp van). Tức là van tim có thể không mở hoặc đóng hoàn toàn. Hoặc có thể khiến máu rò rỉ sai hướng (hở van). Các dấu hiệu khác của bệnh van tim bao gồm sưng mắt cá chân hoặc bàn chân, tim đập nhanh (rung rinh), khó thở hoặc tức ngực.

- Bệnh cường giáp: còn gọi là tuyến giáp hoạt động quá mức, tuyến này tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp. Tình trạng này cũng có thể gây lo lắng, tăng cảm giác thèm ăn, nhịp tim nhanh và sụt cân.

- Bệnh cơ tim phì đại: là một loại bệnh tim làm cho cơ tim của bạn to hơn, dày hơn hoặc cứng hơn. Nó có thể được di truyền hoặc phát triển do lão hóa hoặc huyết áp cao. Các triệu chứng khác có thể bao gồm ngất, đau ngực, tim đập nhanh, mệt mỏi và khó thở.

4. Làm thế nào để chẩn đoán tiếng thổi ở tim?

Thông thường, các bác sĩ sẽ phát hiện tiếng thổi ở tim khi khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ có thể nghe được âm thanh khi nghe tim bạn bằng ống nghe. Bác sĩ sẽ lắng nghe và đánh giá:

- Âm lượng. Tiếng thổi của tim to như thế nào trên thang điểm từ 1 đến 6? Tiếng thổi tim to nhất là 6.

- Vị trí. Tiếng thổi xảy ra ở đâu trong trái tim? Âm thanh có lan đến cổ hoặc lưng không?

- Tiếng thổi có âm vực cao, trung bình hay thấp?

- Thời điểm xảy ra của tiếng thổi. Tiếng thổi xảy ra khi máu rời khỏi tim (tiếng thổi tâm thu) nói chung là tiếng thổi ở tim vô hại. Hiện tượng xảy ra khi tim đầy máu (tiếng thổi tâm trương) hoặc trong suốt nhịp tim (tiếng thổi liên tục) có thể báo hiệu vấn đề về tim.

- Âm thanh thay đổi. Việc tập thể dục hoặc thay đổi tư thế cơ thể có ảnh hưởng đến âm thanh không?

Ngoài các đánh giá trên từ bác sĩ, người bệnh có thể cần làm thêm các xét nghiệm khác như:

- Siêu âm tim

- X-quang ngực

- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG)

- Đặt ống thông tim

Bác sĩ lắng nghe tim bằng ống nghe và kết hợp với một số phương pháp khác để chẩn đoán tiếng thổi ở tim (Ảnh: Internet)

Bác sĩ lắng nghe tim bằng ống nghe và kết hợp với một số phương pháp khác để chẩn đoán tiếng thổi ở tim (Ảnh: Internet)

5. Điều trị tiếng thổi ở tim như thế nào?

Một số trường hợp có tiếng thổi ở tim không cần điều trị và không phải là nguyên nhân gây lo ngại như đã đề cập là vô hại. Nhưng nếu tiếng thổi do một tình trạng nghiêm trọng hơn gây ra, bạn có thể cần:

- Điều trị bằng các loại thuốc, chẳng hạn như sắt để điều trị tình trạng thiếu máu hoặc thuốc làm chậm tuyến giáp.

- Phẫu thuật để sửa hoặc thay thế van tim.

6. Có thể phòng ngừa tiếng thổi ở tim không?

Không thể phòng ngừa hoàn toàn được tiếng thổi ở tim. Nhưng tuân theo lối sống lành mạnh cho tim và kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể giúp bạn tránh được các tình trạng như huyết áp cao và các vấn đề về van tim gây ra tiếng thổi.

Không uống rượu, hút thuốc và điều trị nhiễm trùng khi mang thai có thể ngăn ngừa một số tiếng thổi ở tim ở trẻ em. Hầu hết trẻ em có tiếng thổi ở tim sẽ hết khi lớn lên.

Tóm lại, nếu nhận thấy mình có các dấu hiệu da xanh xao, đau ngực, tim đập nhanh, hụt hơi, yếu và ngất xỉu thì bạn nên đến bệnh viện kiểm tra tình trạng sức khỏe của tim. Khi phát hiện ra tiếng thổi ở tim, bạn không nên quá lo lắng nhưng cũng nên thăm khám để loại trừ các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Nguồn: Cevelandclinic, Mayoclinic

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tieng-thoi-o-tim-canh-bao-dieu-gi-ve-tinh-trang-suc-khoe-20240604145122634.htm