Tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp muốn có thêm nhiều cơ hội làm ăn mới. Song nếu chính sách thiếu ổn định thì doanh nghiệp sẽ khó lên kế hoạch cho bài toán tài chính, e ngại đầu tư.

Doanh nghiệp rất cần nhiều trợ lực để “bồi bổ sức khỏe”. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp rất cần nhiều trợ lực để “bồi bổ sức khỏe”. Ảnh: Quang Vinh.

Bộn bề nỗi lo

Trao đổi về khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Cường cho rằng, có rất nhiều tác động khiến cho cộng đồng DN e ngại rủi ro. Trong đó có việc phát hiện các sai phạm ở DN lớn, điều này tác động đến tâm lý của nhiều DN.

Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra dẫn chứng, quý I/2024 xuất khẩu thủy sản khá hơn khi đạt kim ngạch 2 tỷ USD.

Đối với vốn cho ngành thủy sản, bà Lan cho biết do không có đơn hàng, các thị trường chính đều suy giảm đơn hàng nên DN ngại vay vốn. Với nhóm 20 DN xuất khẩu hàng đầu thường vay USD, biến động tỷ giá không có lợi cho DN, do đó DN e dè trong việc vay vốn, chờ những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường xuất khẩu lớn.

Còn đối với DN vừa và nhỏ, những DN có chiến lược tốt, có mối quan hệ tốt với ngân hàng thì các ngân hàng sẵn sàng cho vay khi có lịch sử tài chính tốt. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, họ khó tiếp cận gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng, thậm chí không biết về gói hỗ trợ này.

Theo bà Lan, các DN vừa và nhỏ đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6-7%. Còn với các DN nhỏ, không có tài sản thế chấp thì đang vay với lãi suất 8-8,5%. Từ thực tế trên, bà Lan đề xuất các ngân hàng xem xét hạ lãi suất đối với vay USD với mức dưới 4%, bên cạnh đó bà Lan cũng đề xuất các ngân hàng phổ biến công khai các gói vay ưu đãi để DN dễ dàng tiếp cận.

"Các DN đề xuất nếu có các gói ưu đãi cho nông lâm thủy sản thì cần rà soát tính hiệu quả, đối tượng nào đã nhận được để DN rút kinh nghiệm với mục tiêu sau này tiếp cận được" - bà Lan nói.

Nhiều DN bày tỏ về bức tranh sản xuất kinh doanh, cho rằng họ vẫn đang gặp nhiều điểm nghẽn. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC), quý I/2024 kinh tế Việt Nam khởi sắc, GDP đạt 5,66% nhưng còn những vướng mắc. Trong đó, ngành xây dựng dường như có nghịch lý là chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp xây dựng cao nhưng DN vẫn chưa hết khó. “Nhiều công ty xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc không có việc làm. Đáng lo ngại, tình trạng nợ đọng mà các nhà thầu xây dựng đang gặp phải” – ông Hiệp nói, đồng thời đưa ra dẫn chứng báo cáo tài chính từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Đến ngày 31/12/2023, khoản phải thu của tập đoàn là 10.669 tỷ đồng (chiếm 70% tổng tài sản), DN phải trích lập dự phòng 2.476 tỷ đồng nợ khó đòi. Trong khi đó, nợ phải trả của Hòa Bình là 15.156 tỷ đồng (nợ vay là 4.718,3 tỷ đồng).

"Công ty xây dựng kêu nợ đọng nhiều, tình hình rất ảm đạm. Công ty không có nợ đọng đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, cần có cuộc cách mạng trong ngành xây dựng, xử lý mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu" - ông Hiệp kiến nghị.

Tăng cường “sức khỏe” cho doanh nghiệp

Theo phân tích của ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nòng cốt sức mạnh của nền kinh tế là DN, DN mạnh thì thực lực nền kinh tế mới vững bền mà không phải phụ thuộc vào DN FDI, mặc dù đây là thành phần rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Muốn thu hút DN FDI đến để cùng hợp lực, tạo nên sức mạnh của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn phải là sức khỏe các DN trong nước, nội lực tốt thì nền kinh tế mới khỏe

Để tăng cường “sức khỏe” cho DN Việt, cần phải có những chính sách hỗ trợ đồng bộ nhằm giúp DN lớn mạnh hơn. Thuế, phí là một mảng quan trọng, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN về vốn, công nghệ, đất đai, lao động… Chính các yếu tố này cũng sẽ thu thút các DN FDI.

Cũng theo ông Lâm, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ cộng đồng DN, vấn đề là khả năng tận dụng của DN. Đơn cử, về vốn chúng ta đang có mức lãi suất vay hấp dẫn. Cơ bản DN có đủ năng lực để sử dụng nguồn vốn vay đó hay không.

Đối với chính sách thuế, phí, Chính phủ cũng đã có nhiều động thái tạo cơ hội cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, vẫn cần cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho DN, hỗ trợ DN tiếp cận đất đai dễ dàng và nhanh chóng hơn.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tiep-suc-cho-cong-dong-doanh-nghiep-10283083.html