'Tiếp sức' thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp
Nhiều thanh niên nông thôn có ước mơ khởi nghiệp tại quê nhà. Tuy nhiên cũng có những trường hợp 'đuối sức' do thiếu vốn, không có sự đồng hành từ gia đình. Hiểu được vấn đề đó, Thị đoàn Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã có những hoạt động 'tiếp sức' thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp.
Được Thị đoàn Vĩnh Châu hỗ trợ từ nguồn Dự án Khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên nông thôn với 2.500 con cua giống và 25 triệu đồng, em Nguyễn Quốc Toàn - Bí thư Chi đoàn ấp Lai Hòa, xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu) quyết tâm thực hiện ước mơ - mô hình nuôi cua trong hộp nhựa. Quốc Toàn kể: “Gia đình em trước nay chủ yếu nuôi tôm. Mà nuôi tôm hiện nay có khi lỗ vốn. Vì vậy, tận dụng diện tích ao có sẵn, em tính đến chuyện nuôi cua trong hộp nhựa. Trước khi “thực hành”, em có tham gia các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm các mô hình thành công. Được Thị đoàn “rót vốn” đầu tư, em bắt tay thả nuôi cua hồi tháng 6/2023, sau 4 tháng thu hoạch tầm 200kg cua các loại: cua thịt, cua gạch, cua lột. Mỗi loại có giá bán khác nhau, riêng cua lột giá tầm 500.000 - 600.000 đồng/kg. Tính bình quân em cũng bỏ túi hơn 50 triệu đồng”.
Em Nguyễn Quốc Toàn - Bí thư Chi đoàn ấp Lai Hòa, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) giới thiệu mô hình nuôi cua trong hộp nhựa. Ảnh: NGỌC HẢI
Nuôi cua theo hình thức này 1 năm làm được 2 vụ nhưng khá kỳ công. Ban đầu thả nuôi ao ương, tầm 45 ngày san qua ao khác. Đến khi cua đạt size 6 - 10 con/kg thì người nuôi sẽ cho từng con cua vô hộp nhựa nuôi riêng, tầm 15 - 25 ngày thu hoạch. Bí quyết để nuôi cua đạt lợi nhuận cao, Toàn mua cá, ốc cho cua ăn, nên không những tiết kiệm tiền mua thức ăn mà thịt cua chắc, ngon hơn. Vì vậy, cận ngày thu hoạch, cua của em có khách hàng đặt mua hết, em không phải lo đầu ra. Phấn khởi vụ đầu tiên thuận lợi, dự định tháng 2/2024, Toàn sẽ mua cua giống về thả nuôi tiếp.
Theo Bí thư Thị đoàn Vĩnh Châu Lê Quang Nhật, có rất nhiều hoạt động được triển khai đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp tại thị xã Vĩnh Châu. Giải quyết câu chuyện “thiếu vốn”, Thị đoàn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã hỗ trợ cho gần 800 hộ gia đình thanh niên tiếp cận vốn với tổng số tiền trên 9,4 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ sở đoàn còn thực hiện mô hình “Góp vốn xoay vòng” giúp nhau làm kinh tế, kết quả đã góp được 720 triệu đồng, giải quyết cho nhiều thanh niên đang “khát vốn”.
Giúp thanh niên “định hình” khởi nghiệp, Thị đoàn phổ biến về chương trình hỗ trợ “Thanh niên khởi nghiệp”, qua đó nảy sinh nhiều ý tưởng chăn nuôi bò, dê, gà, cua, ếch; trồng màu... Thị đoàn còn tổ chức lớp tập huấn hỗ trợ, phát huy tư duy sáng tạo cho thanh niên về khởi nghiệp, lập nghiệp, có trên 70 đoàn viên, thanh niên tham gia. Các cơ sở đoàn cũng giới thiệu về các kênh tuyển dụng, cách làm kinh tế hiệu quả đăng trên trang mạng xã hội của đoàn. Thị đoàn còn phối hợp với các đơn vị liên quan tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề cho gần 2.200 đoàn viên, thanh niên;giới thiệu, giải quyết việc làm cho trên 1.600 thanh niên.
Với sự “đồng hành” của đoàn, nhiều đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp thành công, trong đó có 39 đoàn viên, thanh niên thoát nghèo bền vững. Những tấm gương lập nghiệp thành công phải kể đến đoàn viên Phạm Thị Mộng Thường (Chi đoàn ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp). Em đã cho ra mắt sản phẩm muối tôm Toàn Thắng, nhận được sự ưa chuộng từ người tiêu dùng, cung cấp ra thị trường trong, ngoài tỉnh khoảng 50 - 70kg muối tôm/ngày. Đầu tháng 11/2023, sản phẩm muối tôm Toàn Thắng đã gia nhập vào “căn nhà chung” OCOP.
Trong năm 2023, các xã đoàn cũng đã thành lập được 2 tổ hợp tác gồm: Tổ hợp tác Thanh niên làm kinh tế trong lĩnh vực trồng trọt ở xã Lai Hòa có 15 thành viên và Tổ hợp tác Thanh niên trồng màu ở xã Vĩnh Hải có 18 thành viên; thí điểm mô hình “Nuôi heo rừng khép kín” tại Chi đoàn ấp Tân Thành B, xã Vĩnh Hiệp, đến nay tổng số là 35 con, dự kiến nhân rộng mô hình cho 8 thanh niên trên địa bàn ấp.
Sự chủ động của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thị xã Vĩnh Châu đã giúp thanh niên tự tin trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp. Thời gian tới, phát huy kết quả đạt được, Thị đoàn sẽ tranh thủ thêm nhiều nguồn vốn để tháo gỡ khó khăn cho thanh niên và trang bị cho thanh niên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để biết được thế mạnh của bản thân là gì, bắt đầu lập nghiệp từ đâu và làm như thế nào... để thành công.