Tiếp tục đề xuất tăng diện tích Ga Sài Gòn thêm hơn 1,1 ha

Theo báo cáo giữa kỳ, Ga Sài Gòn là ga đầu mối hành khách trung tâm TP.HCM, tổ chức chạy tàu khách xuyên tâm theo hướng Ga An Bình - Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên.

Sau khi đề xuất mở rộng Ga Sài Gòn từ 6,14 ha lên thành 6,85 ha ở báo cáo đầu kỳ, đến báo cáo giữa kỳ, Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Trung tâm Tư vấn - Đầu tư phát triển GTVT gửi Cục Đường sắt Việt Nam quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM (liên danh tư vấn) đề xuất diện tích Ga Sài Gòn thành 8 ha (tăng thêm 1,15 ha).

Mở quảng trường hướng ra đường CMT8

“Ga Sài Gòn là đầu mối giao thông, trung chuyển, thu gom và phân tán khách đến/đi từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác; kết nối/trung chuyển hành khách với tuyến đường sắt đô thị số 2 của TP.HCM” - báo cáo giữa kỳ của liên danh tư vấn nêu.

Ga Sài Gòn nằm trên địa bàn quận 3, thuộc trung tâm TP HCM. Nơi này hiện nay rộng khoảng 6,14 ha, là ga cuối của tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TP HCM.

Theo báo cáo giữa kỳ, Ga Sài Gòn sẽ có tổng diện tích ga dự kiến khoảng 8 ha gồm: nhà ga hành khách 5,6 ha với kết cấu tuyến - nhà ga trên cao - nhà ga dự kiến ba tầng, quảng trường ga 2,3 ha, công trình khách (cây xanh - hàng rào…) chiếm 0,1 ha.

Quảng trường ga được điều chỉnh hướng ra đường Cách Mạng Tháng 8 để thuận tiện trong việc kết nối/trung chuyển hành khách với tuyến metro số 2. Tại quảng trường ga bố trí bến xe buýt, taxi, bãi đỗ phương tiện cá nhân phục vụ việc thu gom và phân tán khách đi, đến ga.

Khu vực xung quanh quảng trường ga định hướng quy hoạch, bố trí bãi/bến đỗ bến xe buýt, taxi, bãi đỗ xe cá nhân nhằm tạo sự thuận tiện cho hành khách, cho người dân thuận lợi trong quá trình đi lại.

Trước đó, cuối tháng 8-2023, báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, từ diện tích khoảng hơn 6 ha, Ga Sài Gòn sẽ được mở rộng lên 6,85 ha với một phần quảng trường rộng lớn và các dịch vụ của một ga trung tâm hành khách hiện đại tại TP.HCM

Đến nay, báo cáo giữa kỳ sẽ tiếp tục mở rộng Ga Sài Gòn, đồng thời Ga Sài Gòn là ga hành khách trung tâm của TP, tổ chức chạy tàu khách xuyên tâm theo hướng Ga An Bình - Ga Bình Triệu - Ga Sài Gòn - Ga Tân Kiên theo kiểu “con lắc” qua ga trung tâm.

Ga Sài Gòn cũng là ga đón, tiễn cho hành khách lên xuống các đoàn tàu khách: Đoàn tàu khách liên vận, đoàn tàu khách đường dài hoặc tàu khách liên vùng và đoàn tàu khách nội - ngoại ô đi các đô thị vệ tinh (xuyên tâm TP qua Ga Sài Gòn).

 Ga Sài Gòn hiện hữu nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Ga Sài Gòn hiện hữu nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Ga Sài Gòn thúc đẩy phát triển sáu khía cạnh

“Vai trò ga hành khách trung tâm, nhà ga thúc đẩy sự phát triển của TP thông qua sáu khía cạnh: Bền vững, công nghệ, di sản/kiến trúc, an ninh và an toàn, công bằng xã hội và phát triển kinh tế” - báo cáo nêu.

Ngoài ra, liên danh tư vấn cũng cho rằng nhà Ga Sài Gòn sẽ là TP trong TP khi các khu vực chức năng được xây dựng, tích hợp quanh khu vực nhà ga.

Liên danh tư vấn cũng cho biết TP.HCM hiện nay là một siêu đô thị và với kế hoạch đưa đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng lên cao. Từ đó tránh giao cắt với các phương tiện giao thông đường phố, kéo dài tuyến đường sắt này về Tân Kiên để nối đi Cần Thơ sẽ giúp giải quyết ách tắc giao thông.

Bên cạnh đó, việc di chuyển cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy toa xe từ Chí Hòa ra ga An Bình, xây dựng thêm cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy toa xe ở ga Tân Kiên và việc áp dụng tổ chức chạy tàu kiểu “con lắc” phục vụ vận chuyển công cộng nội – ngoại ô sẽ giúp giải quyết giao thông tại các cửa ngõ đông bắc và tây nam TP.

Báo cáo giữa kỳ cũng nêu: Ga An Bình là ga đầu mối hành khách phía bắc TP, ga Bình Triệu là ga đón/tiễn cho hành khách lên xuống, ga Tân Kiên là ga đầu mối hành khách phía Nam TP, ga Thủ Thiêm là ga hành khách phía đông của TP tổ chức đón, tiễn cho hành khách đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Hai ga hành khách đầu mối là ga An Bình và ga Tân Kiên có cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy toa xe nằm ở hai đầu bên ngoài khu trung tâm. Đồng thời tổ chức chạy tàu kiểu “con lắc” qua ga hành khách trung tâm là ga Sài Gòn cho các đoàn tàu khách liên vận, tàu khách liên vùng và tàu khách nội - ngoại ô.•

Ga Bình Triệu được quy hoạch ra sao?

Ga Bình Triệu, thuộc phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM. Theo quy hoạch mạng lưới thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 1769), ga Bình Triệu là ga khách kỹ thuật cho các tuyến đường sắt đi phía Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Lộc Ninh.

Báo cáo giữa kỳ đề xuất di dời các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng chỉnh bị, vận dụng đầu máy toa xe khách về tổ hợp ga An Bình. Do đó ga Bình Triệu điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ như sau: Là ga cuối tuyến hành khách của tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam khổ 1.000 mm, là ga đón/tiễn cho hành khách lên xuống quy mô xây dựng ga với diện tích dự kiến khoảng 15,1 ha.

Dự án ga đường sắt Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), được duyệt quy hoạch từ năm 2002 với diện tích khoảng 41 ha. Theo Quyết định 568/2013 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, ga Bình Triệu là ga khách kỹ thuật phía bắc TP.HCM.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tiep-tuc-de-xuat-mo-rong-ga-sai-gon-them-hon-11-ha-post773740.html