Tiếp tục nhân rộng mô hình giáo dục STEM
Hoạt động giáo dục STEM tại các đơn vị thí điểm đã tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mô hình giáo dục STEM sẽ được ngành giáo dục Thanh Hóa tiếp tục nhân rộng trong năm học 2024-2025.
STEM là phương thức giáo dục tích hợp liên môn thông qua thực hành, ứng dụng lý thuyết đã học vào thực tiễn nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề. Học sinh sẽ được trang bị kiến thức khoa học gắn liền ứng dụng thực tiễn. Tùy vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường lựa chọn hình thức tổ chức giáo dục STEM phù hợp như dạy môn khoa học theo bài học STEM, tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM, tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật... Ở giai đoạn 1, trong năm học 2023-2024 Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa chỉ định 5 đơn vị thực hiện thí điểm, gồm: TP Thanh Hóa, các huyện Quảng Xương, Thọ Xuân, Thường Xuân và Thạch Thành. Các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai đến ít nhất 5 cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tham gia thí điểm theo nguyên tắc chọn đa dạng về vùng miền, điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, học sinh. Giai đoạn 2, từ năm học 2024-2025 sẽ triển khai thực hiện đến tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm chất lượng và yêu cầu theo quy định.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện mô hình giáo dục STEM, Trường Tiểu học thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân) sẽ là một trong những “nòng cốt” trong việc hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn triển khai mô hình giáo dục STEM trong năm học 2024-2025.
Cô Lê Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lam Sơn, cho biết: Việc triển khai thực hiện mô hình giáo dục STEM đã mang lại nhiều lợi ích cho học sinh như khuyến khích tư duy sáng tạo; mỗi học sinh sẽ được tự vận dụng kiến thức vào để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; thảo luận nhóm để trao đổi cách làm... từ đó giúp học sinh phát triển óc sáng tạo, sự khéo léo, kỹ năng giao tiếp, phát triển tư duy nghệ thuật, làm việc nhóm... Trong quá trình thực hiện, giáo viên sẽ theo dõi, giám sát và đưa ra các góp ý, gợi ý cho học sinh. Sau một năm thực hiện chương trình giáo dục STEM, học sinh của nhà trường đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tự tin tham gia hoạt động nhóm, phát triển tư duy phản biện, sáng tạo... Nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện mô hình giáo dục STEM trong năm học mới với những cách làm đổi mới, sáng tạo hơn.
Tại Trường Tiểu học Quảng Khê (Quảng Xương), việc thực hiện mô hình giáo dục STEM đã giúp học sinh thỏa sức phát huy trí tuệ, sức sáng tạo để làm ra những sản phẩm có thể ứng dụng vào thực tế như: Rô bốt, đèn lồng, bông hoa, cây xanh hay những bộ trang phục dạ hội...
Em Đinh Cẩm Ly, học sinh Trường Tiểu học Quảng Khê, cho biết: Em cảm thấy rất thú vị khi được tham gia các tiết học STEM. Chúng em được làm những thứ mình thích, giúp phát huy tính sáng tạo của mỗi bạn. Em cũng đã có thể tự làm ra đồ chơi hoặc làm ra những vật dụng có thể dùng được trong gia đình từ nguyên liệu tái chế, có sẵn.
STEM là chương trình giáo dục dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến 4 lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học theo cách tiếp cận liên môn. Chương trình giúp người học hình thành năng lực kỹ thuật có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống hàng ngày, đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0.
Thầy Lê Ngọc Chế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Thạch (Quảng Xương), cho biết: "Giáo dục STEM có vai trò quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi triển khai giáo dục STEM trong nhà trường đã được các em học sinh tham gia rất hào hứng, thích thú. Qua đó, các em có thể phát huy được sức sáng tạo, tiếp thu kiến thức văn hóa nhanh hơn, tư duy tốt hơn... Để chuẩn bị cho việc đưa giáo dục STEM vào toàn bộ các lớp học trong nhà trường, chúng tôi đã cử giáo viên đi tập huấn, tham mưu, trang bị cơ sở vật chất để có thể đáp ứng nhu cầu môn học trong năm học tới".
Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện mô hình giáo dục STEM như kinh phí triển khai, thực hiện; giáo viên còn lúng túng về phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; cơ sở vật chất đáp ứng việc dạy học STEM còn thiếu... Tuy nhiên, với quyết tâm triển khai, nhân rộng mô hình giáo dục STEM, các trường học trên địa bàn Thanh Hóa đang tích cực xây dựng phương án, tham mưu với chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn việc dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình giáo dục STEM...
Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện mô hình giáo dục STEM trong năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đang tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phương pháp giáo dục STEM; tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý; nhân rộng và lan tỏa hệ thống bài giảng STEM để giáo viên học tập, nghiên cứu...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tiep-tuc-nhan-rong-mo-hinh-giao-duc-stem-32631.htm