Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các công ty nông - lâm nghiệp
Bài cuối: Cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp
Bài 1: Hiệu quả sau cổ phần hóa
LCĐT - Việc sắp xếp, đổi mới đã giúp các công ty nông - lâm nghiệp trên địa bàn từng bước khắc phục hạn chế, vướng mắc và tổ chức lại hình thức sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy vậy, đối với Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Bảo Yên và Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Văn Bàn vẫn còn nhiều khó khăn.
Đề án sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Văn Bàn, Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Bảo Yên giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại các Quyết định số 1606 và số 1607 ngày 1/6/2016, với nhiệm vụ chính là trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển vốn rừng; khai thác và chế biến lâm sản, tạo thu nhập và việc làm cho người lao động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Bảo Yên đã kiện toàn lại tổ chức, bộ máy và giảm biên chế ở các phòng chuyên môn, số lao động giảm từ 94 người xuống còn 87 người, trong đó số lao động gián tiếp từ 26 người giảm còn 22 người, đều gắn trực tiếp với các đội sản xuất và xưởng chế biến lâm sản. Công ty thực hiện cơ chế khoán cho cán bộ, công nhân; quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Về quản lý, bảo vệ và phát triển vùng nguyên liệu, hằng năm, công ty bảo vệ hơn 8.491 ha rừng, trồng rừng nguyên liệu thâm canh với quy mô hơn 450 ha. Đối với diện tích rừng tự nhiên, công ty đã lập 1 tổ bảo vệ rừng, đồng thời ký hợp đồng giao khoán bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng dân cư thôn;đối với diện tích đất rừng trồng, đơn vị liên kết với các hộ, hằng năm trồng từ 300 đến 350 ha rừng.
Tương tự, Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Văn Bàn đã sắp xếp và giảm lao động gián tiếp tại các phòng nghiệp vụ từ 23 người xuống 18 người; tăng cường lao động tại các tổ, đội, bám sát cơ sở để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Hằng năm, công ty bảo vệ hơn 12.275 ha rừng tự nhiên, trồng rừng sau đầu tư hơn 300 ha. Công ty tổ chức sản xuất nguyên liệu giấy tại Xí nghiệp giấy Bảo Hà, Xí nghiệp giấy Sơn Thủy và đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất, giới thiệu đồ gỗ nội thất tại phường Phố Mới (thành phố Lào Cai).
Ông Nguyễn Duy Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Văn Bàn cho biết: Thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động, công ty đã kiện toàn lại bộ máy, tổ chức, giảm biên chế ở các phòng chuyên môn; chỉ đạo đẩy mạnh quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thành lập các tổ bảo vệ, đồng thời ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các hoạt động làm nguy hại đến hiện trạng rừng. Mặc dù vậy, công tác quản lý đất đai, quản lý rừng vẫn còn hiện tượng chồng chéo; công tác quản lý tài chính còn một số hạn chế, dẫn đến không bảo toàn và phát triển được nguồn vốn...
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sắp xếp, đổi mới hoạt động đối với 2 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế lâm nghiệp, ổn định xã hội và quốc phòng - an ninh tại địa phương. Tuy nhiên, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của cả 2 công ty còn hạn chế, sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; doanh thu, lợi nhuận chưa đạt mục tiêu đề ra; các công ty không bảo toàn và phát triển được nguồn vốn, có thời điểm mất an toàn về tài chính, chưa hoàn thành việc bàn giao đất về đất địa phương quản lý; hiện tượng người dân xâm canh vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng...
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Nguyên nhân chủ yếu là do việc sắp xếp, tổ chức sản xuất, kinh doanh chưa phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ chế sang phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc sắp xếp tổ chức, bộ máy còn nhiều bất cập, vẫn thực hiện theo mô hình chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc công ty, ban kiểm soát chưa phát huy hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Yếu tố nữa là chu kỳ sản xuất, kinh doanh của các công ty lâm nghiệp kéo dài, thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc gieo ươm cây giống và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Nguồn vốn của các công ty hạn hẹp, không được tín chấp bằng dự án trồng rừng để vay vốn. Mặt khác, nguồn kinh phí bảo vệ rừng được ngân sách nhà nước cấp hằng năm thường chậm, buộc công ty phải sử dụng nguồn vốn lưu động để thực hiện trước, dẫn đến thiếu chủ động trong hoạt động sản xuất khác. Đội ngũ cán bộ còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; lao động có tay nghề ít, chủ yếu là lao động phổ thông, dẫn đến năng suất lao động thấp. Ý thức của người dân còn hạn chế nên một số nơi vẫn xảy ra tình trạng người dân địa phương có tác động xấu đến hiện trạng rừng và đất rừng.
Vì vậy, cần thực hiện cổ phần hóa, thoái 100% vốn nhà nước đối với 2 công ty lâm nghiệp nhằm huy động nguồn lực từ xã hội, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm, tài chính để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tách nhiệm vụ sản xuất, chế biến lâm sản để thực hiện cổ phần hóa, chuyển nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên về ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.
“Việc chuyển toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và diện tích rừng phòng hộ sang ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, bảo vệ đúng chức năng của cơ quan chuyên trách theo Nghị định số 01 ngày 1/1/2019 của Chính phủ quy định về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Có như vậy mới đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các công ty nông - lâm nghiệp, đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và lực lượng lao động”, ông Tô Mạnh Tiến nhấn mạnh.