Tiếp tục tập trung vào 3 động lực tăng trưởng để phát triển bứt phá

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024 mới diễn ra, các đại biểu khẳng định, kinh tế nước ta 6 tháng qua đạt nhiều kết quả quan trọng, đây là nền tảng để phấn đấu hoàn thành thắng lợi và vượt mục tiêu phát triển năm 2024. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong các tháng cuối năm còn rất lớn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, một số chuyên gia, Đại biểu Quốc hội đã gợi mở, đề xuất các giải pháp cần tập trung thực hiện.

Chuyên gia kinh tế, Đại biểu Quốc hội – PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Cần những chính sách đồng bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của kinh tế thế giới bình quân khoảng 3,8%. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 cũng không mấy sáng sủa, có nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 trong 2 năm 2022 - 2023 đến nay, chúng ta đã có thành công nhất định. Trong bối cảnh khó khăn chung đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Thu ngân sách vẫn đạt và vượt dự toán đề ra. Nợ công giảm mạnh... Quý I/2024, GDP Việt Nam đạt 5,66%. So với tốc độ tăng trưởng bình quân thế giới chỉ 3%, chúng ta đạt mức khá, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô…

 Đại biểu Quốc hội – PGS.TS Trần Hoàng Ngân.

Đại biểu Quốc hội – PGS.TS Trần Hoàng Ngân.

Bên cạnh kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2024, vẫn còn một số khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ, đó là số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng tới 20%, cần có những chính sách đồng bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần nhất chính là thể chế, một môi trường thuận lợi, tạo ra sự cạnh tranh công bằng. Cùng với đó, doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ về thuế, phí như miễn, giảm, giãn, hoãn một số khoản thuế, phí và tiền thuê đất.

Chúng ta còn dư địa tiếp tục dùng đòn bẩy chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển tốt hơn. Khi doanh nghiệp phục hồi thì sẽ có công ăn việc làm cho người dân.

Có thể thấy rằng, bối cảnh kinh tế thế giới thời gian qua không thuận lợi, thậm chí bất lợi đối với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam, vì vậy, chúng ta phải tương thích với bất ổn, khó lường, khó dự báo trên toàn cầu và hiện Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát nhưng có một số dấu hiệu cảnh báo cần được lưu tâm, đó là: tỷ giá tăng, lạm phát cao hơn so với bình quân các năm trước, cần phải tăng cường kiểm soát và có phương án, kịch bản ứng phó phù hợp.

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục tập trung 3 động lực là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và 3 đột phá là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để có nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, giúp cho học sinh, sinh viên mua sắm thiết bị máy vi tính học tập; hỗ trợ vay vốn nhà ở xã hội… Gói hỗ trợ này cần tiếp tục triển khai hỗ trợ cho đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.

 6 tháng cuối năm 2024, tiếp tục tập trung vào 3 động lực tăng trưởng để tạo sự phát triển bứt phá. Ảnh minh họa.

6 tháng cuối năm 2024, tiếp tục tập trung vào 3 động lực tăng trưởng để tạo sự phát triển bứt phá. Ảnh minh họa.

Đại biểu Quốc hội – PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Hiện thực hóa quan điểm chung tay và đồng hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực

Chính phủ cần sớm triển khai những quyết sách quan trọng đã được Quốc hội khóa XV thông qua trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, theo kịp hơi thở cuộc sống hàng ngày, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Đây là các quyết sách cần thiết, cấp bách để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực tế hiện nay.

Về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt từ 6,0 - 6,5% (theo Nghị quyết 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024), tôi cho rằng, thời gian từ nay đến cuối năm, công tác chỉ đạo, điều hành cần quyết liệt hơn, với các giải pháp tổng thể. Với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã bám sát mục tiêu cần đạt được. Chúng ta kỳ vọng mục tiêu Quốc hội giao sẽ đạt được. Tuy vậy, lưu ý trong hai quý còn lại của năm 2024 cần phấn đấu tăng trưởng cao hơn hai quý đầu năm. Do đó, yêu cầu đặt ra vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô; sớm đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào cuộc sống.

 Đại biểu Quốc hội – PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.

Đại biểu Quốc hội – PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.

Trong hai quý đầu năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã tạo ra chuyển biến đáng ghi nhận. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò chỉ đạo, điều hành càng quan trọng, cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, để hiện thực hóa quan điểm chung tay và đồng hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành không chỉ cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn thi hành, mà cần hiện thực hóa trong cuộc sống mới có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, khi đó, cử tri cả nước và nhân dân mới cảm nhận rõ tác động của chính sách.

Cùng với đó, cần có sự phối hợp cấu trúc ngang (giữa các Bộ, ngành) và cấu trúc dọc (giữa Trung ương và địa phương) bằng cách phân cấp mạnh, nhưng cần có độ mở của cơ chế, chính sách, tránh tình trạng phân cấp theo kiểu chuyển giao nhiệm vụ cho cấp dưới nhưng cấp dưới không có căn cứ để thực hiện phù hợp với tình hình của từng địa phương.

Từ nay đến cuối năm 2024, chúng ta cần tiếp tục tập trung vào 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) để tạo sự phát triển bứt phá; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm…

Thiên An (Ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiep-tuc-tap-trung-vao-3-dong-luc-tang-truong-de-phat-trien-but-pha-post303009.html