TIẾP TỤC TRIỂN KHAI MỘT SỐ NỘI DUNG TRỌNG TÂM ĐỂ THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CÁC MỤC TIÊU BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường trên quan điểm phát triển bền vững trong thời gian tới, Ủy ban KHCN&MT yêu cầu Bộ TN&MT và các Bộ ngành hữu quan tiếp tục triển khai một số nội dung trọng tâm như: hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường, dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường…

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7. Một trong những nội dung được đề cập tại Phiên họp là Ủy ban lắng nghe những đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến khí hậu năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường trên quan điểm phát triển bền vững, trong thời gian tới, Bộ kiến nghị cơ quan chức năng những nội dung cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quan tâm bảo đảm đủ nguồn lực cho hệ thống quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, theo kịp mức độ gia tăng nhanh về quy mô, diễn biến ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường, phù hợp với xu thế tăng cường quản lý môi trường trong khu vực và trên thế giới.

Ưu tiên dành nguồn lực để xây dựng, triển khai Chương trình/dự án về môi trường nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng, bức xúc hiện nay để có lộ trình thực hiện xong trong 05 -10 năm tới. Đặc biệt là nguồn lực để xây dựng các Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị; dự án cải tạo, phục hồi ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Cầu… Các đề án đổi mới, chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh sang cải thiện môi trường, tái chế, thu hồi năng lượng, thu hồi khí. Quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện và tổ chức các hoạt động giám sát triển khai thực hiện tại các địa phương, góp phần đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào thực tiễn cuộc sống.

Chỉ đạo Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường ưu tiên bố trí nguồn lực và tổ chức các hoạt động giám sát, thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại địa phương, bảo đảm bố trí không dưới 1% ngân sách của địa phương chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường; tăng cường theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn chi này một cách hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chi đúng nội dung và đủ kinh phí theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước.

Quan tâm, xem xét để ban hành (hoặc chỉ đạo ban hành) những chủ trương, chính sách cụ thể phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội - môi trường của đất nước giai đoạn tới; tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo vệ môi trường. Đây cần được xem là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm...

Tăng cường các hoạt động giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các vấn đề nóng, nổi cộm như: công tác kiểm soát các dự án, cơ sở lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, phòng ngừa sự cố môi trường; quản lý chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn; quản lý rác thải nông thôn; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp; hạ tầng bảo vệ môi trường cảng công nghiệp, làng nghề; xử lý nước thải sinh hoạt đô thị; xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế.

Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất rà soát, hoàn thiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý chất thải, trong đó ưu tiên bố trí vốn đầu tư công đối với đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương. Xem xét, chỉ đạo hoàn thiện và phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, trong đó có nội dung về quy hoạch quản lý chất thải làm cơ sở cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện; Quy hoạch quan trắc môi trường. Quan tâm chỉ đạo việc lồng ghép các mục tiêu, yêu cầu bảo vệ môi trường trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường thực tế.

Chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định khi sử dụng nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường làm nước tưới cây; nước thải từ hoạt động chăn nuôi, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác; ban hành danh mục công bố các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi trên phạm vi cả nước. Các Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định khi tái sử dụng nước thải làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý.

Với các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, huy động sự tham gia của toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường; khẩn trương ban hành các văn bản triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo thẩm quyền; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chế định mới của Luật nhằm sàng lọc dự án đầu tư và chủ động phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ xảy ra ô nhiễm, đặc biệt các dự án có yếu tố nhạy cảm liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chuyển đổi đất rừng; thực hiện tiêu chí tiếp cận cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Phê duyệt và tổ chức thực hiện các quy hoạch về môi trường, phân vùng môi trường làm cơ sở thẩm định, thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo hạn ngạch xả thải ra môi trường.

Tăng cường giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông...; triển khai kế hoạch giám sát, xử lý khu vực, điểm nóng về môi trường. Thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển hạ tầng về môi trường, xử lý tái chế chất thải rắn, tuần hoàn nước. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo chức năng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Duy trì và tăng cường hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường theo thẩm quyền của địa phương.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), đặc biệt là trong việc khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý CTRSH, đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững. Quan tâm chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc để chủ động xây dựng, tham mưu trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn theo quy định tại khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 26, 27, 28, 29, 30 và 31 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, khẩn trương xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành; bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất CTRSH, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý CTRSH trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt; bố trí đủ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn; rà soát và có kế hoạch đóng cửa hoặc cải tạo các khu xử lý chất thải rắn không hợp vệ sinh, tự phát không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; quy định việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng. Ưu tiên xây dựng và ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt thuộc trách nhiệm của địa phương. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai các nội dung của Luật vào thực tiễn địa phương, đặc biệt là những nội dung mới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: Tiểu ban Môi trường và Biến đổi khí hậu cơ bản thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã đề cập trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; đồng thời đề nghị cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu, đó là:

Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường.

Thứ hai: Chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Thứ ba: Quản lý chất thải rắn, trọng tâm là quản lý tốt CTRSH, chất thải nhựa, chất thải nguy hại; tăng cường các biện pháp quản lý, cải thiện chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…).

Thứ tư: Đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Thứ năm: Hoàn thiện việc xây dựng và đưa vào vận hành chính thức cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

Đối với dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trung ương năm 2024. Trong đó, một số đơn vị có số dự toán đề nghị tăng đột biến, mặt khác một số đơn vị lại có số dự toán đề nghị giảm mạnh so với năm 2023; đề nghị làm rõ hơn vấn đề này./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80722