Tiểu Cần: Nhiều nông dân Khmer tiêu biểu làm kinh tế giỏi
Dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, không trông chờ, ỷ lại, nỗ lực vượt khó vươn lên... thời gian qua nhiều nông dân Khmer ở huyện Tiểu Cần đã phát huy tinh thần cần cù, chịu khó, học tập kinh nghiệm và tự tổ chức sản xuất, tạo ra các mô hình phát triển kinh tế bền vững, mang lại hiệu quả cao, giúp gia đình có cuộc sống khá hơn. Từ đó góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo của địa phương, làm cho diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.
Tiểu Cần là một trong những huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm khoảng 32% dân số toàn huyện, tập trung nhiều ở các xã như: Hiếu Tử, Phú Cần, Hùng Hòa, Tập Ngãi, Long Thới... phần lớn nông dân Khmer có tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, cùng với nhiều năm qua Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer; cộng với việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó đến nay đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ở huyện Tiểu Cần không ngừng được nâng lên.
Từ xuất phát điểm kinh tế gia đình khó khăn thuộc hộ cận nghèo, nhà ở được Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình 167 của Chính phủ, song nhờ chăm chỉ, chịu khó, biết tính toán, anh Thạch Chầm Rên, sinh năm 1981 ở ấp Sóc Cầu, xã Hùng Hòa giờ đây không những thoát nghèo mà còn trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi trong đồng bào Khmer tại nơi đây.
Anh Chầm Rên chia sẻ về những khó khăn vất vả của buổi ban đầu, gia đình anh thuộc diện hộ cận nghèo, không đất sản xuất, rồi 02 đứa con lần lượt ra đời, khó khăn chồng chất khó khăn. Vợ chồng anh phải làm thuê đủ nghề ở nơi đất khách quê người như Đồng Tháp, Bình Dương, ai thuê gì làm nấy, nhưng vẫn không thoát được cái nghèo. Nhờ biết tiết kiệm và dành dụm, nên vợ chồng anh có được một số vốn mới trở về quê khởi nghiệp.
Phấn khởi về bước phát triển của gia đình từ việc nuôi lươn, nuôi bò, anh Chầm Rên chia sẻ: “Năm 2019 là anh đã xóa cận nghèo, trước mắt anh được người thân giúp đỡ vốn để nuôi lươn, anh thả nuôi 11.000 con đang chuẩn bị xuất bán, ước khoảng 2,7 tấn, thu về khoảng 200 triệu. Ngoài ra, tôi còn trồng xen canh cây dừa và chuối trên 10 công vườn, mỗi tháng thu hoạch từ việc bán lá chuối, trái chuối khoảng 03 triệu, tận dụng cỏ ngoài vườn nuôi thêm 04 con bò thịt”.
Chỉ sau hơn 03 năm vợ chồng anh Chầm Rên đã thoát nghèo và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Hiện tại gia đình anh đã có kinh tế khá ổn định, thu nhập từ việc nuôi lươn, nuôi bò cộng thêm từ việc trồng xen canh trên đất vườn mà hàng năm vợ chồng anh thu về khoảng 280 triệu đồng/năm, 02 con của anh đều được học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THCS - THPT - huyện Tiểu Cần.
Còn đến ấp Giồng Tranh, xã Tập Ngãi hỏi ông Thạch Trơn (hay còn gọi là ông 5 Trơn) thì ai cũng biết và nể phục bởi sự cần cù, biết tính toán của ông. Năm 1976 ông đi bộ đội ở chiến trường Tây Nam. Đến năm 1979 trở về địa phương rồi lập gia đình và được cha mẹ cho ra riêng với 05 công đất ruộng, vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn, chi tiêu tiết kiệm để tích lũy vốn. Đến nay ông đã có cơ ngơi khá vững chắc và được bà con chòm xóm tín nhiệm.
Với phong cách mộc mạc, chân chất của nông dân Khmer khi tâm sự với chúng tôi, ông 5 Trơn phấn khởi nói: “Lúc đầu khó khăn lắm, mẹ ông cho 05 công đất ruộng, ông cố gắng làm ăn chí thú cả ngày lẫn đêm, không dám sinh con nhiều. Ban đêm ông đi soi, bắt chuột, nuôi 1.000 con vịt đẻ, rồi hết nuôi vịt lại bắt trâu cày, thấy trâu cày không kịp, ông buông con bò con trâu ra hết, bắt đầu mua máy xới tay.
Thấy làm ăn thuận lợi, ông mua tiếp máy cắt, máy cày, máy cuộn rơm và 03ha đất. Đến nay thì gia đình ông đã sở hữu gần 04ha đất, 08 con bò thịt, 03 chiếc máy cắt, 02 chiếc máy cày, 02 máy cuộn rơm. Tổng thu nhập của gia đình ông sau khi trừ các khoản chi phí còn thu về trên 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 15 lao động tại địa phương, với mức thu nhập trên 05 triệu đồng/người/tháng.
Còn đối với nông dân Thạch Ma Ni ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, từ 02ha lúa ban đầu, ông đã tích góp mua thêm 08ha. Cũng nhờ biết dành dụm, tích lũy hàng năm, ông đã mua thêm được máy cuộn rơm, máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy cộ, xe cuốc để làm dịch vụ nông nghiệp. Nhờ mạnh dạn đầu tư, nhận định đúng xu thế thị trường và quyết tâm làm kinh tế, nên kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển lớn mạnh. Hàng năm sau khi trừ hết các khoản chi phí gia đình ông thu về trên 01 tỷ đồng.
Nói về quá trình khởi nghiệp của mình, ông Ma Ni tâm sự: đầu tiên 02 vợ chồng không có gì ngoài ruộng, không biết làm nghề gì; tôi lên mạng tìm hiểu, thấy được máy cuộn rơm. Thấy vậy, vợ chồng tôi lên chợ Bình Chánh, hỏi mua với giá 130 triệu, làm ăn thuận lợi, ông mua thêm 01 máy, mỗi một vụ lúa dư được một khoảng tiền, ông mua thêm đất. Đến nay thì ruộng đất gia đình ông khoảng 10ha, máy gặt, máy cuốn, máy cày, xe cuốc, máy cộ ông có 08 chiếc.
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiểu Cần cho biết: những tấm gương nông dân Khmer tiêu biểu như ông Thạch Chầm Rên, Thạch Trơn và Thạch Ma Ni, tuy xuất phát điểm phát triển kinh tế của mỗi gia đình có sự khác nhau, nhưng giữa họ có điểm chung chính là bằng sức lao động, bằng ý chí tự lực vươn lên, không ngại khó khăn cộng thêm sự tìm tòi, học hỏi, chịu đổi mới để thích ứng với tình hình mới. Những người nông dân này đã làm cho kinh tế gia đình ngày thêm lớn mạnh. Đây chính là những tấm gương nông dân tiêu biểu để các hội viên nông dân học tập và noi theo.
Qua đó, thấy rằng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Tiểu Cần đã thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân, đặc biệt là trong vùng có đông đồng bào Khmer.
Bài, ảnh: NGỌC DIỄM