Tiêu chảy do metformin trị tiểu đường, cách nào để ngăn ngừa?
Tiêu chảy do metformin là một trong những tác dụng phụ đường tiêu hóa thường gặp nhất của loại thuốc trị tiểu đường được kê đơn rộng rãi này. Biết cách ngăn chặn có thể giúp việc điều trị hiệu quả và dễ chịu hơn cho người bệnh.
1. Tại sao metformin gây tiêu chảy
Metformin được bán dưới tên thương hiệu glucophage và một số tên khác, là một trong những loại thuốc an toàn nhất được sử dụng để giảm lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường type 2. Tuy nhiên, có tới 75% người dùng metformin gặp phải các tác dụng phụ về đường tiêu hóa (GI), từ nhẹ đến nặng, chủ yếu là tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng và đầy hơi. Tiêu chảy là tác dụng phụ phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 53% người dùng.
Trong số những người gặp tác dụng phụ ở đường tiêu hóa, có tới 46% sẽ ngừng điều trị do không dung nạp. Những người khác có thể bỏ liều hoặc giảm liều, làm giảm hiệu quả của thuốc.
Theo thông tin đăng trên trang verywellhealth, tiêu chảy do metformin được cho là do một số tác dụng chồng chéo của thuốc, bao gồm:
- Sự thay đổi trong vi khuẩn đường ruột: Ở nhiều người, metformin tạm thời phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn "có lợi" như loài Intestinibacter và vi khuẩn "có hại" như Escherichia, gây viêm ruột và khởi phát tiêu chảy.

Tiêu chảy là tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc metformin trị tiểu đường.
- Tăng nồng độ mật: Thông thường, axit mật (một thành phần chính của enzyme tiêu hóa mật) được ruột tái hấp thu sau khi chất béo trong chế độ ăn đã được phân hủy. Metformin làm giảm khả năng tái hấp thu này, khiến axit mật tích tụ, làm tăng nhu động ruột, đồng thời hút nước từ niêm mạc ruột, dẫn đến tiêu chảy.
- Rối loạn quá trình phân hủy histamine: Khi hệ vi khuẩn đường ruột mất cân bằng, có thể cản trở quá trình phân hủy histamin – một chất hóa học có trong một số loại thực phẩm. Histamin là một tác nhân gây dị ứng, có thể gây đau dạ dày và tiêu chảy (tương tự như dị ứng thực phẩm) khi nồng độ histamin trong ruột cao.
- Tăng GLP-1: Peptide giống Glucagon 1 (GLP-1) là một hormone do ruột tiết ra, giúp điều hòa lượng đường trong máu. GLP-1 thường được phân hủy và bài tiết liên tục qua phân. Metformin làm suy yếu quá trình này, khiến nồng độ GLP-1 tăng cao. Ở nồng độ cao hơn, GLP-1 có thể gây đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy và nôn mửa.
- Tăng hoạt động serotonin trong ruột: Metformin kích thích giải phóng serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh, giúp điều chỉnh tâm trạng cũng như nhu động ruột. Khi tiết ra quá nhiều, serotonin có thể khiến ruột chuyển động quá nhanh, dẫn đến tiêu chảy.
- Tăng glucose đường ruột: Metformin làm tăng hấp thu đường huyết ở ruột, kích thích giải phóng một loại enzyme gọi là lactate, làm thay đổi cân bằng pH trong ruột, khiến ruột trở nên axit hơn. Điều này có thể dẫn đến tiêu chảy.
2. Cách nào giảm tiêu chảy do metformin?
Không phải ai dùng metformin cũng bị tiêu chảy. Tuy nhiên, đối với những người bị tiêu chảy, tác dụng phụ đường tiêu hóa có thể xảy ra ngay sau 24 giờ kể từ khi bắt đầu điều trị hoặc phát triển sau vài tuần.
Mặc dù gây khó chịu, nhưng tiêu chảy do metformin có xu hướng giảm dần khi cơ thể người bệnh thích nghi với thuốc. Trong thời gian chờ đợi, thực hiện các giải pháp dưới đây có thể giúp kiểm soát hoặc ngăn ngừa tiêu chảy:
2.1 Uống metformin cùng thức ăn giảm nguy cơ tiêu chảy
Metformin được dung nạp tốt hơn khi dùng cùng thức ăn. Hầu hết các chuyên gia khuyên dùng thuốc cùng bữa tối để giảm nguy cơ tác dụng phụ đường tiêu hóa. Hãy nuốt trọn viên thuốc, không nghiền nát hoặc nhai vì điều này có thể làm thay đổi quá trình giải phóng thuốc và làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
2.2 Ăn uống lành mạnh
Nguy cơ tiêu chảy do metformin tăng lên nếu ăn thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ, chất béo, đồ chiên hoặc chế biến sẵn. Để giảm nguy cơ, hãy áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, các loại hạt, đậu, chất béo lành mạnh và nhiều trái cây, rau củ…
2.3 Điều chỉnh liều
Nguy cơ tiêu chảy do metformin thường phụ thuộc vào liều dùng. Việc giảm liều có thể làm giảm tiêu chảy. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cần được thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh không bao giờ được tự ý điều chỉnh liều dùng mà không trao đổi trước với bác sĩ.
2.4 Chuyển sang dùng metformin tác dụng kéo dài khi cần thiết
Công thức metformingiải phóng kéo dài, sẽ giải phóng thuốc chậm hơn khi đi qua dạ dày và ruột. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 17% người dùng dạng giải phóng kéo dài bị tiêu chảy, so với 53% người dùng metformin giải phóng tức thì...