Tìm cách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam (*): Lấy văn hóa bản địa làm cốt lõi

Xây dựng văn hóa bản địa là cách để xây dựng nên thương hiệu văn hóa quốc gia, là cách để phân biệt văn hóa của nước này với nước khác

Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) chính là lấy văn hóa bản địa làm cốt lõi. Nếu Âu Mỹ lấy văn hóa toàn cầu thì Trung Quốc lấy văn hóa địa phương để phát triển. Khán giả sẽ tìm thấy những thông điệp mang tính toàn cầu như bình đẳng giới, tự do cá nhân, môi trường, vấn đề xã hội ở những sự kiện văn hóa Âu Mỹ, thì những thông điệp văn hóa và lịch sử bản địa lại đậm nét trong các sự kiện đại chúng ở Trung Quốc.

Phải dựa vào văn hóa

Từng mất hơn 10 năm lang thang khắp nơi ở Trung Quốc, tôi nhận thấy Trung Quốc không xây dựng nền văn hóa đất nước mà họ xây dựng nền văn hóa địa phương. Ở mỗi tỉnh đều có những chương trình văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Trong khi đó, chúng ta vẫn còn ôm đồm khi cố gắng xây dựng nền văn hóa vĩ mô mà bỏ quên khối tài nguyên địa phương.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam

Khi một tỉnh nào đó nằm trong chiến lược phát triển (từ du lịch, kinh tế thông qua văn hóa), không chỉ các cơ quan chức năng mà những người có liên quan từ đạo diễn, biên kịch, người làm đạo cụ... đều chung tay đóng góp để xây dựng lên một chương trình thực sự hoành tráng, đủ dấu ấn để ra thế giới. Sự chung tay của mọi người vì mục đích chung luôn luôn có sức mạnh mà bạn không thể tưởng tượng được và minh chứng là hàng loạt chương trình nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc khiến cho du khách "chao đảo" khi ghé thăm. Đó là điều chúng ta phải học hỏi nếu thực sự muốn góp sức vào phát triển nền CNVH Việt Nam.

Trong quá trình tìm đối tác xây dựng những chương trình nghệ thuật văn hóa mang tính chất đặc sản cho các địa phương, tôi mãi vẫn chưa tìm được sự đồng thuận. Nhiều người không đủ kiên nhẫn để xây dựng nên những nền móng vững chắc trước khi gặt quả ngọt. CNVH đầu tiên phải dựa vào văn hóa, đó là văn hóa bản địa và độc đáo của riêng một đất nước, dân tộc, vùng miền và của mỗi cá nhân. Cần tìm và xây dựng một biểu tượng cho thương hiệu văn hóa quốc gia, rồi mới dùng "công nghiệp" - tức là tính hệ thống và chuyên nghiệp để vận hành.

Tôi vẫn thường nghe đâu đó có người nói rằng Việt Nam chỉ cần 5-7 năm nữa là có thể có nền CNVH vượt trội. Với tôi đó là sự lạc quan nhưng có phần chủ quan. Vì không thể chỉ tốn 5-7 năm để xây dựng nên một thế hệ tài năng có thể xoay chuyển cục diện. Muốn xây dựng nền CNVH tiên tiến cần một tầm nhìn lâu dài và đồng bộ, không ăn xổi hay đi tắt đón đầu được.

Khái niệm "giải trí giáo dục"

Năm 2005 tôi được cử sang Hollywood học dự thính. Ở đó, tôi chứng kiến các nghệ sĩ của Hàn Quốc đến Hollywood học tập chính quy. Không chỉ có đạo diễn, biên kịch... mà mọi thành phần trong đoàn phim đều được đưa sang Mỹ để đào tạo bài bản. Vì vậy, Hàn Quốc đã có những thế hệ vàng điện ảnh với những tác phẩm bom tấn. Hàn Quốc đã dành 20-30 năm để đào tạo nhân tài của mình bằng cách đưa sang Mỹ tham gia những khóa đào tạo chuyên ngành như thế.

Lễ hội Tây Bắc “Vũ điệu trên mây”. (Ảnh do đạo diễn Phạm Hoàng Nam cung cấp)

Lễ hội Tây Bắc “Vũ điệu trên mây”. (Ảnh do đạo diễn Phạm Hoàng Nam cung cấp)

Tôi vẫn thường nhắc đến khái niệm "edutainment" (giải trí giáo dục) trong những bài phát biểu của mình vì tôi tin rằng yếu tố giáo dục chính là cốt lõi để tạo nên một nền giải trí vẹn tròn. Cái đẹp chi phối mọi thứ trên thế giới này. Nó không chỉ là cái đẹp duy mỹ mà là những cái đẹp đến từ hiểu biết, tri thức, kiến thức và cả nhận thức.

Nếu khán giả ngay từ đầu đã được trau dồi về những chuẩn mực cơ bản của nghệ thuật, chắc chắn nhận thức đúng sai của khán giả cũng hình thành rõ nét. Khán giả phải biết chuẩn mực của nghệ thuật nằm ở đâu, giới hạn sáng tạo nào là được phép thì khán giả mới biết được những gì họ đang tiếp nhận có giá trị ở mức độ nào. Khi khán giả biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là những sản phẩm có giá trị và đâu chỉ là thứ phẩm thì chắc chắn những gì được đón nhận đều có giá trị. Những gì là vô nghĩa tự khắc sẽ bị đào thải bởi sự quay lưng của khán giả.

Điều tôi thấy lo lắng hiện nay là tâm lý đám đông đang chi phối mọi thứ. Sự chi phối đó mạnh đến mức nhiều ý kiến độc lập không được lắng nghe hoặc bị bài xích bởi nó khác với những gì mà đám đông đang nghĩ. Thế hệ trẻ cần được phát huy chính kiến độc lập là điều mà tôi muốn nhắc đến. Các bạn cần được phản biện, cần thể hiện chính kiến cá nhân trong thái độ đón nhận và khuyến khích.

Chúng ta không bàn đến chuyện đúng - sai nhưng khi ai cũng có chính kiến của mình thì một vấn đề chung sẽ được nhìn bằng nhiều hướng, nhiều khía cạnh. Ai cũng có chính kiến trên nền tảng kiến thức và hiểu biết thì mọi vấn đề hay những phản biện sẽ được nhìn nhận đa dạng và đều được tôn trọng, lắng nghe.

Không chỉ cần xây dựng kiến thức và chủ trương tốt từ trên cao, tài năng và kiến thức của người làm nghề mà còn cần giáo dục, hướng dẫn khán giả biết cách thưởng thức, hưởng thụ văn hóa một cách "văn hóa", ngay cả việc thể hiện, chia sẻ chính kiến, cảm xúc một cách độc lập, hiểu biết mà không phụ thuộc vào ý kiến số đông, không có nỗi sợ mình khác và bị "đánh hội đồng".

Làm thế nào để giáo dục giải trí được thực hiện? Đó là sự bắt tay của nhiều cơ quan ban ngành. Giáo dục trong trường học, thành lập những câu lạc bộ nghệ thuật, thúc đẩy tài năng học đường phát triển. Chúng ta xây dựng những nền tảng cơ bản bền vững trước rồi sau đó, khi đến thời điểm thích hợp, chúng ta sẽ nghĩ đến việc phát triển một cách mạnh mẽ bằng việc tiếp nhận những thành tựu của thế giới hay nghiệm thu những sáng tạo của chính mình dựa trên nền tảng đào tạo bài bản.

Tất cả những việc này cần xây dựng lộ trình và làm tới nơi tới chốn từ hôm nay.

Bắt đầu từ những viên gạch nhỏ

Sân Mây trên đỉnh Fansipan trở thành sân khấu của "Vũ điệu trên mây", tái hiện một lễ hội Tây Bắc đã có từ 70 năm trước. Du khách ngược dòng lịch sử tìm về truyền thuyết nơi núi rừng Tây Bắc như truyền thuyết về loài hoa đỗ quyên - biểu trưng của núi rừng Hoàng Liên Sơn, chuyện tình yêu tha thiết của trai gái, đám cưới người Dao Đỏ hay màn múa vũ hội Mường Hoa ngập tràn cảm xúc. Đời sống của người dân vùng cao được khắc họa sống động trong không gian đẹp như thơ.

Chương trình do đạo diễn Phạm Hoàng Nam dàn dựng được biểu diễn định kỳ để phục vụ du khách, nhận về nhiều lời khen ngợi của khán giả. Anh tâm sự đó chỉ là một viên gạch nhỏ đóng góp vào công cuộc phát triển du lịch Việt và góp phần xây dựng CNVH Việt Nam.

T.Trang

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-5

Đạo diễn PHẠM HOÀNG NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tim-cach-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-lay-van-hoa-ban-dia-lam-cot-loi-196240530205016462.htm