Tìm cơ hội trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đem đến nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ.

Nhân viên vận hành tại Nhà máy chế biến sâu Vonfram của Massan.

Nhân viên vận hành tại Nhà máy chế biến sâu Vonfram của Massan.

Cơ hội trong thách thức

Hiện nay, nhiều nền kinh tế đã đặt ra những tiêu chuẩn liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu. Xu hướng này sẽ tạo nên luật chơi mới cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu, phải chuyển sản xuất theo hướng ít phát thải hay phát thải carbon thấp để đáp ứng được những yêu cầu thị trường nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược, nên các doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là một cơ hội lớn. Những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường và “đường đi” rất thuận lợi.

Trong lĩnh vực bán lẻ, thời gian qua WinCommerce chung tay bảo vệ môi trường bằng việc triển khai loạt giải pháp xanh tại hệ thống siêu thị và siêu thị mini WinMart/WinMart+. Tại hệ thống các siêu thị này đã thay thế nilon hoàn toàn bằng túi tự hủy sinh học; đồng loạt giảm thiểu hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động vận hành; thực hiện các chương trình khuyến mại đối với khách hàng tự sử dụng túi đựng nhiều lần.

Ngành dệt may xuất khẩu sang EU có mức tăng trưởng tích cực, tỷ lệ tận dụng C/Oưu đãi liên tục tăng cao. Ảnh: Trần Việt/ TTXVN.

Ngành dệt may xuất khẩu sang EU có mức tăng trưởng tích cực, tỷ lệ tận dụng C/Oưu đãi liên tục tăng cao. Ảnh: Trần Việt/ TTXVN.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết: “Vinatex đang tập trung cho phát triển bền vững, sản xuất xanh để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với mục tiêu trung hòa phát thải các bon vào năm 2050 và hoàn toàn có thể cung cấp cho các nhà mua hàng nhiều sản phẩm xanh, bền vững”. Đến nay, Vinatex có dây chuyền sản xuất theo chiều dọc giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu kéo sợi, đồng thời cho phép truy xuất nguồn gốc rõ ràng trong sản phẩm vải và may mặc của Vinatex.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Ban kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả đã giúp tập đoàn tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng trong năm 2022. Cùng với đó, tập đoàn đã triển khai triển khai đối với 2 đơn vị thành viên (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình và Công ty CP Đạm Hà Bắc) đầu tư hệ thống thu hồi CO2, bình quân lượng CO2 thu hồi hàng năm là 30.000 - 40.000 tấn CO2. Doanh nghiệp này cũng đã thực hiện chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, sử dụng nguyên liệu xanh trong việc sản xuất hơi. “Từ những hoạt động này, giá trị đem lại là hiệu quả, đồng thời cũng tạo ra uy tín đối với sản phẩm phân bón tại thị trường trong nước và quốc tế”, ông Đạt đánh giá.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Đạt cũng thừa nhận, với ngành hóa chất, yêu cầu về tiêu chuẩn xanh được đặt ra rất khắt khe. Muốn chuyển dịch năng lượng thì phải đầu tư nâng cấp công nghệ và thậm chí sẽ phải đầu tư mới hoàn toàn. Việc này là rất khó trong giai đoạn hiện nay, khó về vốn đầu tư, khó về công nghệ, khó cả về con người vận hành công nghệ.

Để giải quyết những khó khăn trên, nhiều ý kiến đề nghị cần sớm có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn ưu đãi, đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: “Cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu về thực hiện các quy định kiểm kê phát thải khí nhà kính và có cơ chế khuyến khích áp dụng mô hình phát triển kinh tế carbon thấp hay ít phát thải... Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, để trợ lực cho doanh nghiệp, cần có những ưu đãi về thuế đối với những hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo phương thức carbon thấp hoặc ít phát thải”.

Trong khí đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đóng góp vào cam kết của Việt Nam tại COP26 là đến năm 2030, giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản của ngành năng lượng; 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp. Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt những nghiên cứu docáctổchứcquốctếhỗtrợđểxây dựng những danh mục, các công nghệ phát thải carbon thấp, giúp cho doanh nghiệp của các ngành, các lĩnh vực có được thông tin về nguồn, về các loại công nghệ mới nhất hiện nay ở trên thế giới và khả năng thích ứng với điều kiện của Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ trình cấp có thẩm quyền những cơ chế chính sách, đồng hành cùng doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp sớm hội nhập được vào tiến trình phát thải carbon thấp và tận dụng được nhiều cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi về năng lượng của toàn cầu.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tim-co-hoi-trong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-20240214114234314.htm