Tìm hiểu về tín chỉ carbon, đồng tiền tệ vô hình nhưng có thể đem lại doanh thu lớn
Là một sản phẩm không hiện hữu nhưng tín chỉ carbon hoàn toàn có thể đem về doanh thu. Vừa nhằm mục tiêu giảm khí phát thải, bảo vệ Trái đất, vừa thu về lợi ích nên tín chỉ carbon đã trở thành một xu thế mới của nền kinh tế.
Trong chuyến hành trình chuyển đổi xanh nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính, bảo vệ Trái đất, nhiều quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới đã đặt quyết tâm đạt Net Zero (Phát thải ròng bằng 0). Đây là mục tiêu nhằm giảm lượng khí nhà kính xuống mức cân bằng. Chính vì từ chiến dịch chuyển đổi xanh này, thị trường tài chính đã xuất hiện thêm các giao dịch mua bán tín chỉ carbon, từ đó tạo nên thị trường tín chỉ carbon. Trên thế giới, thị trường tín chỉ carbon đã hoạt động sôi nổi nhưng tại Việt Nam, đây vẫn còn là một thị trường mới mẻ.
Tín chỉ carbon là gì và ra đời như thế nào?
Trước tình hình lượng khí thải nhà kính ngày một nhiều khiến Trái đất nóng lên, gây ra biến đổi khí hậu và các thiên tai, Nghị định thư Kyoto 1997 và Thỏa thuận Paris 2015 đã được ký kết. Đây là những hiệp định quốc tế được ký kết để nhằm đưa ra những ràng buộc về cắt giảm khí thải nhà kính với các quốc gia tham dự.
Khi những hiệp định này có hiệu lực cũng là lúc các doanh nghiệp phải gánh theo áp lực cắt giảm lượng khí thải carbon. Hầu hết các giải pháp hiện nay đều là tạm thời có liên quan đến việc mua bán khí thải carbon. Cách thức hoạt động của thị trường này là biến khí thải carbon dioxit (CO2) trở thành một loại hàng hóa và định giá cho nó.
Khí thải carbon được chia ra làm 2 loại: tín chỉ carbon và bù đắp carbon. Vì cả hai khái niệm đều được đo bằng tấn CO2 nên thường có sự nhầm lẫn giữa chúng. Hiện tại, cả hai đều được mua bán trên thị trường carbon và sử dụng thay thế cho nhau, nhưng về bản chất, chúng hoạt động theo cơ chế khác nhau.
Tín chỉ carbon được biết đến với tên gọi dễ hiểu hơn là định mức carbon. Nó là lượng phát thải cho phép và hoạt động như một giấy phép. Thông thường, chính phủ là sẽ nơi cấp phép tín chỉ này.
Trong khi đó, bù đắp carbon lại lượng đền bù cho tổ chức, doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án xanh, đem lại lợi ích cho môi trường. Bù đắp carbon không được cấp phép và phân phối từ chính phủ. Nó có thể được giao dịch tự do trên thị trường tự nguyện và cũng không bị giới hạn.
Thị trường tín chỉ carbon hoạt động như thế nào?
Mỗi doanh nghiệp hoặc tổ chức chỉ được cấp số lượng tín chỉ carbon nhất định. 1 tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn carbon. Khi tổ chức, doanh nghiệp sở hữu 1 tín chỉ carbon cũng đồng nghĩa với việc họ được phép phát thải 1 tấn carbon. Nhiệm vụ của đội ngũ quản lý là luôn phải giữ cho lượng khí phải không vượt quá giới hạn cho phép.
Các tổ chức, doanh nghiệp có thể hạn chế được lượng khí phát thải sẽ có thặng dư tín chỉ carbon. Họ có thể giữ lại để sử dụng trong tương lai hoặc đem bán trên thị trường carbon, miễn là tuân theo quy định của chính phủ.
Nếu không hạn chế được lượng khí phát thải ở mức cho phép, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải cân đối bằng cách mua lại tín chỉ carbon còn thiếu từ các tổ chức, doanh nghiệp đang thừa. Có thể coi tín chỉ carbon là đồng tiền tệ trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên của Trái đất.
Một tín chỉ carbon giá bao nhiêu?
Tín chỉ carbon hiện nay có nhiều giá khác nhau trên thị trường tùy thuộc vào vị trí địa lý và thị trường giao dịch. Ở châu Âu và Mỹ giá tín chỉ carbon thường cao gấp nhiều lần so với châu Á.
Năm 2021, giá trung bình toàn cầu của một tín chỉ carbon là 4,04 USD/ tấn. Đến năm 2022, con số này tăng vọt lên 7,37 USD/ tấn. Trong năm 2023, giá tín chỉ carbon giảm nhẹ ở mức 6,97 USD/ tấn.
Kiếm tiền từ tín chỉ carbon như thế nào?
Ngoài mục đích chính là giảm lượng khí thải carbon, bảo vệ môi trường, các dự án giảm lượng carbon đều có thể đem lại doanh thu cho các tổ chức, doanh nghiệp. Vì thế, đây là hướng kinh doanh mới mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã lựa chọn. Khi đã tạo ra đủ lượng carbon bù đắp, họ sẽ có thể kiếm được tiền từ thị trường.
Các dự án giảm carbon hiện nay được chia ra làm 2 loại: tự nhiên và cơ học. Dự án tự nhiên bao gồm trồng rừng, trẻ hóa vùng ngập nước. Những giải pháp này đều giúp cô lập hay thu giữ carbon một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, dự án cơ học nói chung chính là đầu tư vào công nghệ mới nhằm làm tăng hiệu quả sản xuất đồng thời giảm lượng khí thải. Nhắc đến dự án cơ học chúng ta không thể bỏ qua năng lượng tái tạo như mặt trời, gió hay công nghệ thu giữ carbon trực tiếp.
Khi đã có những kiến thức cơ bản về tín chỉ carbon, bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào từ công cho tới tư nhân cũng đều có thể tham gia vào đầu tư cho thị trường đầy tiềm năng này.