Tìm lối ra cho dự án PPP giao thông
Nhu cầu đầu tư xây dựng đường bộ của các địa phương trong cả nước hiện nay rất lớn, đòi hỏi lượng vốn khổng lồ. Vậy nhưng nhiều tỉnh rơi vào cảnh 'lực bất tòng tâm' bởi ngân sách thì hạn hẹp còn khu vực tư nhân lại không mặn mà. Để tìm lối ra cho các dự án đường bộ, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số cơ chế thí điểm, trong đó có việc tăng 'vốn mồi' của Nhà nước trong dự án hợp tác công - tư (PPP).
Dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL) trong giai đoạn 2022 - 2030. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 9.246 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách tham gia là 4.620 tỷ đồng, chiếm 49,96% tổng vốn đầu tư; vốn của nhà đầu tư là 4.627 tỷ đồng, chiếm 50,04%.
Do khó khăn về kinh phí, mới đây, Điện Biên đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ toàn bộ phần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án. Chưa rõ đề xuất có được chấp thuận hay không, lãnh đạo tỉnh đã lo lắng rằng, ngay cả khi Trung ương đồng ý thì vẫn khó thu hút nhà đầu tư tham gia dự án bởi theo quy định hiện hành phần vốn Nhà nước tham gia dự án không vượt quá 50%.
Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia trong các dự án PPP không chỉ là khó khăn của Điện Biên, mà còn của nhiều tỉnh, thành phố khác trong triển khai dự án giao thông đường bộ. Đặc biệt, hiện nay, có một số dự án đang được chuẩn bị đầu tư nhằm tạo động lực phát triển cho vùng, miền khó khăn, nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao. Ngoài ra, có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chi cho hạng mục này chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Với những trường hợp kể trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu áp dụng đúng quy định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư (khoản 2 Điều 69 Luật PPP) sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng.
Để tìm lối ra, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các Luật để đầu tư xây dựng đường bộ đang đưa ra lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia các dự án PPP đường bộ trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, có yếu tố an ninh - quốc phòng lên không quá 65% tổng mức đầu tư dự án. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn Nhà nước trong dự án PPP bản chất là mang tính hỗ trợ dự án, là "vốn mồi" nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án. Khi thông qua Luật PPP, Quốc hội đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định mức trần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP. Do đó, mặc dù tăng tỷ lệ vốn Nhà nước nhưng cũng cần khống chế mức trần 65% tổng mức đầu tư của dự án (giá trị 65% được tính trung bình theo các dự án PPP trước đây) để tránh làm mất đi bản chất PPP.
Đề xuất tăng tỷ lệ “vốn mồi” của Nhà nước trong một số dự án PPP đường bộ đặc thù đang nhận được sự đánh giá cao của nhiều chuyên gia kinh tế, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, bởi sẽ giúp cải thiện tính hấp dẫn của các dự án - điều xưa nay đang rất thiếu. Dù vậy, ngay cả khi cơ chế này được Quốc hội thông qua, các cơ quan quản lý vẫn còn rất nhiều việc phải làm mới có thể lôi kéo được khu vực tư nhân tham gia dự án, nhất là khi những “lùm xùm” trong các dự án BOT giao thông giai đoạn trước chưa được giải quyết triệt để.