Tìm lối ra cho thủy sản xuất khẩu

Quý I/2023, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh. Nhiều địa phương ĐBSCL và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt được kế hoạch đề ra

Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 1,8 tỉ USD, giảm đến 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là cá tra và tôm giảm rất mạnh.

Đối diện nhiều khó khăn

Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2023, cá tra xuất khẩu đạt 422 triệu USD, giảm 33,1%; tôm xuất khẩu đạt 600 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng về tôm, trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, tôm chân trắng đạt 451 triệu USD, giảm 38%; tôm sú 83 triệu USD, giảm 34%; tôm các loại khác 65 triệu USD, giảm 34%.

Hai loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là cá tra và tôm giảm rất mạnh .Ảnh: VĨNH KỲ

Hai loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là cá tra và tôm giảm rất mạnh .Ảnh: VĨNH KỲ

Về thị trường, 2 mặt hàng nêu trên xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc quý I/2023 giảm khoảng 20%; sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc giảm đến 40% so với cùng kỳ năm trước...

Tại An Giang, diện tích cá tra thả nuôi ước khoảng 496 ha, tăng 113 ha so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 2 và tháng 3-2023, người nuôi cá tra thu hoạch nhiều và thả nuôi mới cũng cao, dẫn đến thiếu một phần nguồn giống cung cấp. Tổng sản lượng thu hoạch thủy sản nuôi trong 3 tháng đầu năm nay của tỉnh ước hơn 152.000 tấn, tăng gần 15%; riêng cá tra khoảng 127.270 tấn, tăng khoảng 10%.

Ông Trần Anh Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết người nuôi cá tra hiện nay gặp một số khó khăn. "Thời tiết nắng nóng kèm theo mưa rào khiến cá nuôi mắc nhiều bệnh. Giá thức ăn thủy sản đã tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với thời điểm này năm 2022. Thức ăn thủy sản tăng giá sẽ tác động trực tiếp đến kết quả vụ nuôi. Tuy nhiên, giá cá tra thương phẩm lúc này đã có chiều hướng tăng nên các cơ sở nuôi đang bắt đầu thả lại giống sau khi thu hoạch" - ông Dũng phân tích.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL đang tìm cách mở rộng thị trường

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL đang tìm cách mở rộng thị trường

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, dù bị tác động bởi các yếu tố bất lợi nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của địa phương năm 2022 vẫn đạt 1,08 tỉ USD. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau trên 1 tỉ USD. Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt hơn 622.000 tấn, tăng 2,16% so với năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản đạt 386.000 tấn với diện tích nuôi trồng khoảng 300.000 ha.

Tuy nhiên, sang quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau chỉ ước đạt 238,55 triệu USD, giảm 11,88% so với cùng kỳ. Giá tôm xuất khẩu bình quân khoảng 10,6 USD/kg, giảm 4,85%. Tôm xuất khẩu của Cà Mau trong quãng thời gian này chỉ khoảng 22.000 tấn, tôm dự trữ tại các doanh nghiệp (DN) 15.000 tấn, tôm bán trong nước chừng 18.000 tấn…

Ông Vũ cho rằng một số khó khăn mà Cà Mau đang gặp phải trong hoạt động xuất khẩu là do lạm phát tại các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tại Mỹ, thủy sản tồn kho nhiều, dư cung nên các nhà phân phối hạn chế nhập khẩu khiến đơn hàng sụt giảm; các DN thu hẹp hoạt động nhưng vẫn duy trì sản xuất.

Trong khi đó, giá thành nguyên liệu đầu vào nhiều biến động kéo theo lợi nhuận của DN trong nước giảm, dẫn đến các sản phẩm xuất khẩu của Cà Mau giảm khả năng cạnh tranh với các đối thủ Ecuador, Ân Độ, Indonesia, Trung Quốc tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật và thị trường tiêu thụ cũng không ổn định. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, môi trường nuôi ô nhiễm khiến dịch bệnh trên một số thủy sản thường xuyên xảy ra… Những yếu tố này đã tác động lớn đến việc nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản của Cà Mau.

Nâng chất lượng, mở rộng thị trường

Thời gian tới, Cà Mau sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ thủy sản trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, Cà Mau sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước cũng như thế giới; tận dụng các hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ DN ký kết đơn hàng mới. Địa phương sẽ phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài; khuyến khích đầu tư kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Về việc thiếu nguồn cá tra giống vào thời điểm cuối quý I/2023, ông Trần Anh Dũng cho rằng không trầm trọng bởi sang đầu quý II lại dồi dào. Điều quan trọng là tình hình xuất khẩu ổn định sẽ giúp DN tăng trưởng tốt.

"Các DN xuất khẩu thủy sản tại An Giang đang tìm cách đẩy mạnh sản lượng vào thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu 2 thị trường này được mở rộng thì sản lượng xuất khẩu của các DN sẽ tăng rất mạnh. Bởi hiện nay, việc xuất khẩu sang các thị trường truyền thống ở phương Tây có dấu hiệu khó phát triển, chỉ cố gắng bảo đảm ổn định. Do đó, việc mở rộng xuất khẩu sang thị trường có dân số đông như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tạo thêm động lực, thúc đẩy các DN phát triển mạnh" - ông Dũng nhìn nhận.

Mới đây, tại hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ với Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đã kiến nghị một số giải pháp nhằm cải thiện sức cạnh tranh của tôm nước ta so với tôm Ấn Độ và Ecuador.

Theo đó, ông Quang kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế hợp tác công tư giữa DN với các viện nghiên cứu, như Viện Nghiên cứu - Nuôi trồng thủy sản II, trong các vấn đề: Tạo ra giống tôm có khả năng chống chịu, thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường từng vùng miền; xây dựng, hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm sú thâm canh, tôm thẻ chân trắng thâm canh, tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao với giá thành thấp, phù hợp với từng vùng miền…

"Với các giải pháp này, nếu chúng ta thực hiện ngay trong năm nay và làm quyết liệt thì giá thành tôm Việt Nam sẽ bằng Ấn Độ trước năm 2030, bằng Ecuador trước năm 2035. Qua đó, giúp người nuôi tôm làm giàu trên chính mảnh đất của mình, giúp các DN chế biến có lợi nhuận tốt hơn để xây dựng ngành tôm vững mạnh, bền vững" - ông Quang kỳ vọng.

Tiếp sức doanh nghiệp

Theo VASEP, trong năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều thách thức từ tình trạng lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng sức tiêu thụ của các thị trường lớn. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với tôm Ecuador và Ấn Độ về giá thành.

VASEP nhận định nhu cầu thủy sản từ nhiều thị trường dự kiến phục hồi từ quý II/2023 với xu hướng giá thấp hơn năm 2022. Do vậy, DN cần tối ưu chi phí, tập trung phát triển giá trị gia tăng; nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển hướng xuất khẩu sản phẩm đặc thù như tôm - rừng, tôm - lúa; chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc thị trường; chuẩn bị về nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất để bắt nhịp khi nhu cầu tôm trên thị trường thế giới phục hồi.

Để vượt qua khó khăn, VASEP đề xuất Chính phủ có gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng với lãi suất thấp cho DN thủy sản vay thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch. VASEP cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho các DN thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng đối với các khoản vay đến hạn phải trả trong quý I và quý II năm nay.

CÔNG TUẤN - VÂN DU - VĨNH KỲ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dong-bang-ket-noi/tim-loi-ra-cho-thuy-san-xuat-khau-2023042321120139.htm