TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI SUY YẾU TỪ BÃO SỐ 1 (MALIKSI)

Bão số 1 (MALIKSI) đã đi vào đất liền Trung Quốc và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Bão số 1 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Chiều 31/5, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 01 năm 2024, có tên quốc tế là MALIKSI.

Hôm nay bão số 1 đã đi vào đất liền Trung Quốc và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 13 giờ ngày 01/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,3 độ Vĩ Bắc; 112,6 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Đông Bắc với tốc độ 10km/h.

Dự báo diễn biến áp thấp nhiệt đới (trong 12 giờ tới)

Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới

Trên biển: Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, chiều và tối nay (01/6) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.

Sóng biển: Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao 2,0-3,0m.

DỰ BÁO GIÓ MẠNH VÀ SÓNG LỚN TRÊN BIỂN

Hiện nay (01/6): rãnh áp thấp có trục ở khoảng 20-23 độ Vĩ Bắc nối với áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 1; vị trí tâm áp thấp nhiệt đới lúc 07h ở khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông.

Dự báo diễn biến trong 24h tới

Ngoài ra, ngày và đêm 01/6, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 3.

Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió giật mạnh và sóng lớn.

CÔNG ĐIỆN CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ BÃO SỐ 1 (MALIKSI)

Hồi 16h00 ngày 31/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 02/CĐ-QG về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 1, có tên quốc tế là MALIKSI.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đề phòng dông lốc cục bộ.

Vùng nguy hiểm trong 12 giờ tới: phía Bắc vĩ tuyến 18, từ kinh tuyến 110,5-114,5 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo). Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Năm 2024, bão có thể hình thành nhiều hơn ngay trên Biển Đông

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, hiện tượng El Nino (pha nóng) kéo dài đến giữa năm 2024 và đạt đỉnh, nên năm 2024 có thể là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao nhất và thiên tai sẽ bất thường hơn.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn cảnh báo nguy cơ thiếu nước ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong nửa đầu năm, ở Trung Bộ trong các tháng 6, 7, 8.

Hiện tượng El Nino sẽ chuyển sang trạng thái trung tính vào giữa năm, sau đó xuất hiện hiện tượng La Nina, do đó hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng sẽ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối năm.

Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông sẽ nhiều hơn, dự báo cơ cấu bão ở Biển Đông sẽ chiếm 1/3 so với toàn bộ số cơn bão.

Điều đó đồng nghĩa với việc phòng, chống bão sẽ phải thực hiện nhanh hơn, gấp hơn vì bão trên Biển Đông sẽ tác động rất nhanh đến đất liền.

Cùng với đó, mưa dông và mưa lớn thời đoạn ngắn xuất hiện thường xuyên hơn, gây lở đất vùng núi, ngập lụt đô thị.

CÔNG ĐIỆN SỐ 01 CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI

Ngày 30/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ dạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 01/CĐ-QG gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa lớn và vùng áp thấp trên vùng biển khu vực Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 13 giờ ngày 30/5, áp thấp nhiệt đới có tọa độ 17 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông với sức gió cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc với vận tốc 15km/giờ, cường độ gió cấp 7, giật cấp 9.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành nêu trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới.

Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; Tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đồng thời đề phòng dông lốc cục bộ.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới là phía Bắc vĩ tuyến 15, từ kinh tuyến 111,0-115,0 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình rà soát, sẵn sàng phương án để ứng phó với mưa lớn trên 120mm/24 giờ gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài Thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Áp thấp nhiệt đới, ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền

Theo Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, đây là áp thấp nhiệt đới đầu tiên xuất hiện trên Biển Đông trong mùa bão lũ năm nay, dấu hiệu cho thấy mùa bão, lũ, mùa thiên tai trên biển cũng như trên đất liền đã bắt đầu.

Dự báo trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc và có xu hướng mạnh thêm, đến 13 giờ chiều 31/5 vị trí áp thấp nhiệt đới trên vùng biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Sau đó áp thấp nhiệt đới di chuyển Bắc Đông Bắc khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) sau đó suy yếu dần.

Theo quy luật của khí hậu, giai đoạn đầu mùa, bão, áp thấp nhiệt đới ít khả năng di chuyển vào đất liền nước ta, với cơn áp thấp nhiệt đới đầu mùa này, đến thời điểm hiện tại ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới cũng khiến cho khu vực phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng cao 2,5-3,5 m với khu vực biển phía Đông của phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông và giữa Biển Đông, vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

Ngoài ra, ở khu vực vịnh Bắc Bộ, các khu vực Bắc, giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển khu vực Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào, dông mạnh.

Trên đất liền, từ chiều tối 30/5 đến sáng 31/5, khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 120mm.

Chiều tối và tối 30/5, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 50mm.

Chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới

Ngày 30/5/2024, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có công văn hỏa tốc gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10h00 ngày 30/5, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 17-20 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc Biển Đông có vị trí ở khoảng 16,5-17,5 độ Vĩ Bắc; 110,5-111,5 độ Kinh Đông; dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Bắc và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển:

Một là, theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của vùng áp thấp; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Hai là, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Ba là, trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Nghệ An chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết cực đoan

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An vừa có văn bản gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan yêu cầu chủ động ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa dông, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây ra.

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Các đơn vị triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền kịp thời và phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.

Các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác mà phải tăng cường quán triệt mạnh mẽ hơn về công tác phòng, chống thiên tai.

Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng, vai trò của các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn các địa phương.

Các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, thường xuyên tổng hợp báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.

Theo Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Cụ thể, từ ngày 22 - 30/1, không khí lạnh, mạnh liên tục được tăng cường đã gây ra rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh với nhiệt độ trung bình trong ngày dao động từ 10 - 13 độ C. Đặc biệt, từ giữa tháng 3 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 15 đợt dông lốc, mưa lớn, mưa đá, xuất hiện tần suất lớn.

Diễn biến cực đoan của thời tiết, thiên tai từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng lớn đến dân sinh, kinh tế xã hội, sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng.

Cụ thể, hơn 1.600 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có gần 40 ngôi nhà thiệt hại hoàn toàn; hơn 2.870 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 27ha diện tích cây trồng hằng năm và gần 1.000ha diện tích cây ăn quả tập trung bị gãy đổ; hơn 100 gia súc, gia cầm bị chết và hàng chục chuồng trại bị hư hỏng…. Ước tính thiệt hại khoảng hơn 103 tỷ đồng./.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tin-ap-thap-nhiet-doi-va-chi-dao-ung-pho-119240530160843168.htm