Tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng
Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tăng thêm khoảng 260.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024.

(Ảnh minh họa: Hải Quân).
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 15/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 3/2025, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024 (hơn 1,3 triệu tỷ đồng).
Trong quý I/2025, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, có 14 dự án hoàn thành với quy mô hơn 3.800 căn (tăng 40% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, có 26 dự án mới được cấp phép với khoảng 15.800 căn (tăng 36% so với cùng kỳ); có 59 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với hơn 19.700 (tăng 55% so với cùng kỳ); 994 dự án đang triển khai xây dựng với gần 400.000 căn hộ.
Đối với các dự án đầu tư xây dự hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất để người dân xây dựng nhà ở có 17 dự án hoàn thành với quy mô 4.414 lô/nền (giảm 19% so với cùng kỳ); 490 dự án đang triển khai với khoảng 19.000 lô/nền (giảm 6% so với cùng kỳ); 11 dự án được cấp phép mới với khoảng 3.400 lô/nền (giảm 9% so với cùng kỳ).
Lượng giao dịch bất động sản thành công đạt 33.585 căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ; 101.049 lô/nền.
Đáng chú ý, giá bất động sản tiếp tục xu hướng tăng, đặc biệt xuất hiện tình trạng tăng giá nhanh cục bộ tại một số địa phương sau thông tin sáp nhập, đặt cơ quan hành chính mới.
Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tháo gõ khó khăn, vướng mắc cho 136/788 dự án bất động sản.
Về nhà ở xã hội, cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với 9.737 ha đất để làm nhà ở xã hội; đã hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn; khởi công 152 dự án với khoảng 131.000 căn; 419 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với 419.000 căn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, nguồn cung bất động sản vấn mất cân đối về cơ cấu nguồn cung, giá tăng cao nên chưa đáp ứng được được nhu cầu nhà ở của người dân. Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, thời gian thực hiện trình tự, thủ tục kéo dài. Một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn triển khai dự án.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu (HoREA), thị trường địa ốc có dấu hiệu phục hồi nhẹ và mới vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, giá nhà đang neo ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Dự kiến, đến năm 2026 - 2027 mới có thêm nguồn cung nhà ở thương mại phân khúc trung bình.
Cần đánh giá nợ xấu liên quan đến bất động sản
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản vẫn không thể so sánh với giai đoạn trước đó, kéo theo ảnh hưởng tới toàn bộ hệ sinh thái đầu tư và kinh doanh liên quan.
Cơ cấu sản phẩm bất động sản mất cân đối nghiêm trọng. Phân khúc nhà ở trung bình và nhà ở xã hội còn rất hạn chế. Việc tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó khăn.
Bên cạnh nguyên nhân do giá đất, giá vật liệu xây dựng, chi phí xây dựng tăng cao, Phó Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân do quản lý chưa hiệu quả. Trình tự thủ tục hành chính, từ phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế kỹ thuật, quy hoạch, định giá đất… đều còn vướng mắc.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ, chủ động rà soát toàn bộ quy trình liên quan đến phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, từ khâu quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, định giá đất, đến thiết kế, cấp phép xây dựng và bố trí nguồn tín dụng; làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh như thời gian vừa qua.
Riêng đối với thủ tục đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Tài chính được giao rà soát lại toàn bộ quy trình, tiếp tục đơn giản hóa các bước, bởi "thủ tục hành chính là điểm nghẽn lớn, cắt được bước nào thì phải cắt, và làm nghiêm túc. Thủ tục nào chưa cắt được thì chỉ rõ lý do, vướng mắc ở đâu, và kiến nghị sửa đổi ở mức nghị định hay luật".
Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu giá đất đến năm 2026, tiến tới áp dụng một giá đất (không còn chênh lệch giữa giá thực và giá kê khai) để đảm bảo minh bạch, công bằng, và làm cơ sở thực hiện chính sách thuế bất động sản minh bạch, công bằng, tăng hiệu quả thu thuế, giảm thất thu, giảm trốn thuế; xử lý hiện tượng thổi giá và đầu cơ.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về cung - cầu nhà ở, bất động sản, làm cơ sở dự báo và điều tiết thị trường khi có dấu hiệu lệch cung - cầu, giá bị đẩy lên bất thường thông qua quy hoạch và công bố công khai quy mô, địa điểm, thời gian triển khai các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá phù hợp, để nhà đầu tư có cơ sở chuẩn bị và người dân có thông tin minh bạch.
"Không để tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin khiến nhà đầu tư đầu cơ, thổi giá, gây rối loạn thị trường. Nhà nước không thể để đất đai hoang hóa, dự án kéo dài không triển khai và cần có chế tài mạnh như thu hồi đất, tăng thuế", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và Bộ Công an phối hợp đánh giá nợ xấu liên quan đến bất động sản, và có giải pháp xử lý phù hợp để bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Đơn cử, đối với doanh nghiệp bất động sản không còn khả năng phục hồi thì cần tính đến phương án xử lý tài sản thế chấp, như bán lại, hoặc chuyển giao cho nhà đầu tư mới có năng lực, thậm chí chuyển thành dự án nhà ở xã hội.
Liên quan đến chính sách thuế bất động sản, Phó thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu đánh thuế đối với đất hoang hóa, dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, phải làm thấu đáo, không gây ảnh hưởng đến người dân sử dụng nhà đất hợp pháp, tránh tình trạng đánh thuế trùng, phân biệt rõ người đầu cơ với người sử dụng thật, người kinh doanh hợp pháp với người bỏ hoang, lãng phí tài nguyên.