Tín dụng ì ạch, ngân hàng 'ế' vốn, thời kỳ tiền rẻ liệu đã đến?
Tăng trưởng tín dụng quý I chỉ bằng 40% cùng kỳ năm ngoái và tương đương mức thấp kỷ lục thời kỳ đầu Covid-19 (quý I/2020). Nhiều ngân hàng có dấu hiệu dư thừa thanh khoản, lãi suất tiếp tục hạ nhiệt.
Tăng trưởng tín dụng quay về vùng đáy
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/3/2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế cũng chỉ đạt 1,61%, thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2022 (tăng 4,03%).
Cùng với đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng cũng chỉ tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%). Tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,49%).
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên, với con số tăng trưởng tín dụng nêu trên thì gần hết quý I, tín dụng mới đạt hơn 1,1% so với mục tiêu, nhiều khả năng cả năm sẽ không đạt con số mà NHNN đưa ra.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào đầu tháng 3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng 2 tháng đầu năm tăng chậm do thời điểm này trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Bên cạnh đó, sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp cũng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.
Ngoài ra, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Việc nhu cầu tín dụng sụt giảm khiến các ngân hàng phải hạ nhiệt nhanh chóng lãi suất huy động. Theo đó, đa phần các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động về dưới 9%/năm, mức lãi suất trên 9%/năm chỉ còn duy trì ở một số ngân hàng TMCP nhỏ.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay giữa các nhà băng đã xuống vùng dưới 1%/năm. Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (chiếm trên 90% doanh số giao dịch thị trường liên ngân hàng) chỉ ở mức 0,98%/năm. Lúc cao nhất năm ngoái, lãi suất kỳ hạn này lên tới gần 8%/năm.
Các kỳ hạn khác cũng cùng xu hướng hạ nhiệt. Kỳ hạn 1 tuần, 1 tuần, 1 tháng lần lượt là 1,74%/năm; 2,52%/năm và 3,44%/năm.
Thời kỳ tiền rẻ chưa thực sự bắt đầu
Do cầu tín dụng suy giảm, thanh khoản dồi dào, một số chuyên gia dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm thêm lãi suất điều hành, trong đó đặc biệt là lãi suất tái cấp vốn. Trong lần giảm lãi suất điều hành gần đây (15/3), Ngân hàng Nhà nước đã không điều chỉnh giảm đối với loại lãi suất này.
Các chuyên gia Ngân hàng UOB cho rằng việc cắt giảm lãi suất điều hành sẽ xảy ra ngay trong quý II này.
“Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng kết thúc chu kỳ tăng lãi suất ngay sau tháng 5/2023 và tỷ lệ lạm phát trong nước đang cho thấy một số dấu hiệu đảo chiều, chúng tôi dự đoán rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 100 điểm cơ bản đâu đó trong quý II/2023 xuống còn 5% (hiện là 6%).
Hiện tại, chúng tôi nghĩ đây có thể là động thái một lần kèm nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn có thể được thực hiện nếu áp lực lạm phát trong nước giảm bớt, mặc dù điều này rất không chắc chắn ở thời điểm hiện tại”, các chuyên gia UOB dự báo.
Dù lãi suất giảm, song các chuyên gia cho rằng thời kỳ “tiền rẻ” chưa thực sự bắt đầu. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam dự báo, từ giờ đến cuối năm lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhưng không quay về mặt bằng lãi suất như trong thời gian Covid-19.
"Thời kỳ tiền rẻ đã qua và chúng ta buộc phải sống trong mặt bằng lãi suất cao hơn. Đừng mong đợi lãi suất sẽ quay lại mức thấp như thời kỳ 2020-2021" - ông Thành nói.
Theo vị chuyên gia, trong thời gian Covid-19, lãi suất tiền gửi khoảng 7,5% và đến thời điểm cuối năm ngoái lên tới 10,5% và giờ hạ được khoảng 1% xuống còn 9,5%.
"Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể hạ xuống tối đa thêm 1% nữa tức là còn 8,5%. Lãi suất sẽ có tính trồi sụt chứ không phải chỉ theo đà giảm, nhưng chắc chắn khó có thể trở lại mức 7,5% kể cả trong những năm tới" – ông nói.
Các chuyên gia cho rằng, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất 0,25% tuy giảm áp lực đến đồng nội tệ, nhưng thực tế là cơ quan này vẫn chưa “xoay trục” chính sách mà vẫn duy trì quan điểm giữ lãi suất ở mức cao.
Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, trên cơ sở Fed tăng lãi suất và chính sách điều hành của Fed trong thời gian tới, có thể thấy rằng kỷ nguyên “tiền đắt” vẫn chưa thể kết thúc được, ít nhất trong năm nay.