Tín dụng xanh trông đợi khung pháp lý toàn diện

Dòng vốn từ ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc xanh hóa nền kinh tế. Tuy vậy, việc thiếu hệ thống tiêu chí phân loại xanh, chưa có cơ chế ưu đãi rõ ràng, bảo lãnh rủi ro cho cả bên vay và bên cho vay khiến doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng xanh.

Tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Tăng trưởng tín dụng xanh bình quân đạt trên 22%/năm

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nếu như năm 2017 chỉ có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia thì đến nay, đã có khoảng 50 đơn vị phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%). Đến nay, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng trên 26% so với cuối năm 2023.

“Nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động mang lại lợi ích môi trường, phát triển các mô hình sản xuất bền vững, thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế xanh, phát thải thấp”, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dư nợ tín dụng xanh năm vừa qua chiếm 4%, đây không phải con số lớn nhưng xu hướng tăng tương đối đều, kỳ vọng có thể tăng nhanh hơn nữa. NHNN đã nỗ lực trong việc hoàn thiện cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho việc xác định các lĩnh vực, dự án được cấp tín dụng xanh, các tiêu chí đánh giá dự án xanh, các hình thức cấp tín dụng xanh, tạo cơ sở phát triển nguồn vốn và giải ngân tín dụng xanh.

Thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, chính sách nhằm thúc đẩy tín dụng xanh; đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo nguồn vốn cho tín dụng xanh, như khuyến khích các TCTD phát hành trái phiếu xanh, hỗ trợ các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế…

Tín dụng xanh chưa như kỳ vọng vì "vướng"...

Mặc dù nhận định tín dụng xanh là hướng đi tất yếu thúc đẩy tăng trưởng bền vững nhưng ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tín dụng (dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế). Tốc độ phát triển tín dụng xanh chưa tương xứng với mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Thực tế cho thấy, DN vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là tín dụng ngân hàng. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long là một DN chuyên về xử lý chất thải và sản xuất nông nghiệp sạch. Để xây dựng Nhà máy xử lý chất thải và sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, Công ty đã mất nhiều thời gian, công sức làm hồ sơ vay vốn. Thế nhưng, DN này vẫn khó tiếp cận được nguồn tín dụng xanh.

“Trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi không có tài sản thế chấp truyền thống, không thể dùng tài sản hình thành của dự án để thế chấp khoản vay mà thường phải dùng tài sản khác ngoài dự án để đảm bảo cho khoản vay”, ông Lê Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu Tư và Xây Dựng Việt Long - chia sẻ.

Công ty Việt Long không phải là trường hợp cá biệt, thực tế, rất nhiều DN đang gặp những vướng mắc về tài sản đảm bảo trong quá trình tiếp cận tín dụng xanh. Nhiều DN thuê đất trả tiền hằng năm hoặc chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên theo quy định, ngân hàng không thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Trường hợp đó, ngân hàng chỉ được phép nhận tài sản đầu tư trên đất như nhà kính, nhà lưới nhưng các tài sản này lại rất khó định giá cụ thể, không đủ điều kiện để thế chấp. Rào cản về tài sản đảm bảo khiến ngân hàng dù rất muốn cho vay cũng khó giải ngân.

Trong khi đó, từ góc độ ngân hàng, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - chia sẻ: Nhiều khoản vay chưa thể xác định đúng danh mục vì chưa có khung phân loại chính thức. Cho đến nay, vẫn chưa có Nghị định hoặc hệ thống danh mục phân loại xanh cụ thể để làm cơ sở xác định dự án đủ điều kiện tín dụng xanh.

TS. Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - cho rằng: Bên cạnh việc thiếu tiêu chí phân loại xanh mang tính pháp lý thống nhất cho toàn hệ thống tài chính, tín dụng xanh vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng do: chưa có cơ chế ưu đãi tài chính rõ ràng về thuế, phí, bảo lãnh rủi ro dành cho cả bên vay và bên cho vay; DN nhỏ và vừa có năng lực quản trị yếu, thiếu tài sản đảm bảo và hồ sơ tài chính chưa minh bạch; nguồn vốn trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn chịu áp lực về kỳ hạn huy động, khiến các TCTD thận trọng trong việc mở rộng danh mục tín dụng xanh.

Cần phân loại dự án xanh và cơ chế ưu đãi

Để hóa giải các thách thức nêu trên, một trong những nhóm giải pháp quan trọng được Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) kiến nghị: Chính phủ và NHNN nên sớm ban hành danh mục chính thức các dự án xanh đủ điều kiện ưu tiên tín dụng, nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để các TCTD áp dụng thống nhất.

Về mặt cơ chế ưu đãi, theo Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), để khuyến khích các TCTD mở rộng danh mục cho vay xanh, một trong những giải pháp có thể áp dụng là cơ chế tái cấp vốn ưu đãi dành riêng cho các khoản tín dụng xanh. Theo đó, NHNN cho vay lại một phần khoản vay xanh mà ngân hàng thương mại đã giải ngân với lãi suất thấp hơn, giúp giảm chi phí vốn đối với bên cho vay. Ngoài ra, cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi về thuế, bao gồm thuế thu nhập DN hoặc thuế nhập khẩu thiết bị xanh, dành cho các ngân hàng và DN tích cực tham gia các chương trình tín dụng xanh.

Cũng từ góc nhìn pháp lý, ông Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị: Chúng ta cần sớm ban hành một danh mục dự án xanh quốc gia với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, làm cơ sở vững chắc để các TCTD xác định được đối tượng cho vay. Đồng thời, cần cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, như giảm lãi suất cho vay hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, để tăng tính hấp dẫn của tín dụng xanh đối với DN.

NHNN sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý và sẽ tiếp tục theo dõi thêm từ các TCTD. Khi Danh mục phân loại xanh được ban hành, NHNN sẽ có những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong thời gian sớm nhất.

Dẫn chứng Dự án 1 triệu ha ở Đồng bằng sông Cửu Long - một trong những dự án điển hình cho tín dụng xanh, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng sự đồng bộ về pháp lý, nhận thức của các DN, ngân hàng, nông dân sẽ phát huy hiệu quả nguồn vốn này. Đây là câu chuyện môi trường gắn với kinh tế xanh, ngân hàng xanh. “Nhìn về góc độ vĩ mô, chúng ta đã có hành lang pháp lý nhưng nhìn vào từng dự án cụ thể, chúng ta cần có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Đây là vấn đề cấp thiết, cần xây dựng cụ thể hơn.” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú gợi mở vấn đề./.

THÀNH ĐỨC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tin-dung-xanh-trong-doi-khung-phap-ly-toan-dien-39830.html