Tín hiệu tích cực từ kết quả thí điểm cát biển làm vật liệu nền đường cao tốc

Kết quả quan trắc 5 lần số liệu môi trường cho thấy, chưa có biểu hiện rõ ràng việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.

Thí điểm sử dụng cát biển cho đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Thí điểm sử dụng cát biển cho đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Đây là thông tin liên quan đến việc nghiên cứu thí điểm cát biển làm vật liệu xây dựng đắp nền vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thông tin tới các đại biểu Quốc hội vào sáng nay (7/11).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền cho các dự án công trình giao thông, tháng 3/2023, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài nguyên môi trường triển khai nghiên cứu đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã thành lập tổ với các bộ ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, triển khai quyết liệt việc nghiên cứu, tổ chức các hội nghị, hội thảo, đặc biệt thực hiện thí điểm trên các công trình giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, qua 5 lần quan trắc và qua nhiều cuộc họp đánh giá, chất lượng vật liệu cát biển hiện nay đang thí điểm là đã đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền cũng như các chỉ tiêu kỹ thuật về sức tải, độ ổn định, có giá trị tương tự như sử dụng cát sông, hiện nay chưa có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng, vật nuôi ở khu vực xung quanh.

Theo yêu cầu của các chuyên gia, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để mở rộng mẫu thí điểm ra các vùng khác nhau như Hải Phòng, Vũng Tàu.

Dự kiến vào tháng 12 tới, Hội đồng đánh giá cấp bộ sẽ họp và có đánh giá tổng kết dự án, qua đó Bộ sẽ triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục để mở rộng diện tích thí điểm với một số dự án đường cao tốc cũng như cho phép sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.

“Việc khai thác, sử dụng cát biển vẫn cần đảm bảo khai thác bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường. Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm về việc làm rõ chất lượng, tiềm năng, khả năng khai thác của các vùng miền”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.

Theo thông tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, hiện nay, Bộ GTVT triển khai thi công dự án thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc Dự án cao tốc Hậu Giang – Cà Mau với thiết kế chiều dài đoạn thí điểm cát biển là 300m dùng thi công cho các lớp cát đắp có độ chặt 95% (K95) có chiều dày lớp đắp cát biển từ 0,5m đến 1m; đã hoàn thành công tác thi công đoạn thí điểm trong tháng 7/2023, thông xe trong tháng 8/2023. Cát biển lấy tại mỏ cát biển đã được cấp phép của tỉnh Trà Vinh với tính chất cơ bản đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 (Nền đường ô tô - Thi công và nghiệm thu).

Trong quá trình phê duyệt đề cương triển khai dự án thí điểm cát biển, Bộ GTVT đã tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các các Bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và tham vấn các tài liệu có liên quan trên thế giới. Nội dung liên quan đến môi trường được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đưa ra thảo luận và xin các ý kiến góp ý chi tiết.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang triển khai Đề án “Nghiên cứu định hướng giải pháp xây dựng đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm đánh giá các giải pháp một cách khách quan, khoa học và toàn diện trên nhiều khía cạnh của việc triển khai xây dựng đường cao tốc liên quan đến xử lý nền đất yếu, các yếu tố môi trường (môi trường nước, chia cắt cộng đồng…), kết cấu xây dựng (cầu cạn, nền đắp…)… hướng tới phát triển bền vững kết cấu hạ tầng giao thông.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tin-hieu-tich-cuc-tu-ket-qua-thi-diem-cat-bien-lam-vat-lieu-nen-duong-cao-toc-d202535.html