Tin Thị trường: Giá dầu thế giới tăng phiên đầu tuần
Giá dầu thế giới nhích tăng phiên đầu tuần; Giá khí đốt tiếp đà tăng mạnh...
Giá dầu thế giới nhích tăng phiên đầu tuần
Tính đến đầu giờ chiều nay 23/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 69,87 USD/thùng - tăng 0,59%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 73,32 USD/thùng - tăng 0,52%.
Như vậy, sau một tuần giảm mạnh, giá xăng dầu thế giới đồng loạt nhích tăng trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần. Theo các nhà phân tích, thời gian gần đây, giá dầu thô thế giới tăng giảm thất thường do tác động trực tiếp từ các quyết định kéo dài việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) đến hết quý I/2025.
Theo các nhà phân tích, với những thông tin từ tuần trước để lại như tồn kho sản phẩm chưng cất ở Mỹ tăng, tồn kho dầu thô lại giảm; lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt; nhu cầu từ thị trường Trung Quốc được dự báo khó biến động tăng... khiến giá dầu trở nên khó đoán định hơn, tiến hay lùi đều trong phạm vi nhỏ.
Bên cạnh đó, thị trường hiện đang lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ bỏ hỗ trợ thị trường bằng các chương trình lãi suất cũng như về triển vọng nhu cầu chậm lại, đặc biệt ở Trung Quốc.
Giá khí đốt tiếp đà tăng mạnh
Theo ghi nhận, tính đến đầu giờ chiều 23/12 (theo giờ Việt Nam), giá khí đốt tự nhiên trên thị trường thế giới tiếp tục tăng 3,34 % lên mức 3.873 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 12/2024.
Giá khí đốt tăng mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua sau khi Liên minh Châu Âu (EU) tuyên bố không còn quan tâm đến việc duy trì khí đốt Nga qua Ukraine. Tuyên bố này xuất hiện ngay sau khi một nhóm công ty lớn ở Trung Âu lên tiếng kêu gọi EU hỗ trợ tiếp tục hợp đồng trung chuyển.
Theo Bloomberg, giá khí đốt tại Châu Âu ghi nhận tăng mạnh hơn 4% vào tuần trước, mức tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 11, sau khi Ủy ban châu Âu khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc kết thúc thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga - Ukraine vào cuối năm nay.
Mặc dù Châu Âu đã giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng các quốc gia không giáp biển như Slovakia và Hungary vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Việc dừng trung chuyển không chỉ đẩy giá lên cao mà còn có thể gây ra thiếu hụt khí đốt trong một mùa đông lạnh giá.
Phó Thủ tướng Slovakia Denisa Sakova, cho biết nước này đang gấp rút đàm phán với nhiều đối tác, trong đó có Gazprom của Nga, để tìm giải pháp cung cấp và trung chuyển 15 tỉ m3 khí đốt - tương đương khối lượng hiện tại qua đường ống Ukraine.
Theo SPP, việc dừng trung chuyển khí đốt sẽ khiến Slovakia thiệt hại hơn 220 triệu euro để mua và trung chuyển từ nguồn thay thế. Trong khi đó, Ukraine cũng cảnh báo cơ sở hạ tầng khí đốt của nước này sẽ chịu tổn thất "không thể phục hồi" nếu dòng chảy bị gián đoạn.
Tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Đức tăng vào năm 2024
Nhu cầu khí đốt tự nhiên của Đức đã tăng 3,3% vào năm 2024 do giá thấp hơn so với năm ngoái, theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội các công ty điện lực của Đức, BDEW, mới được công bố.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm lại, ngành công nghiệp Đức đã tăng mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong năm nay từ mức rất thấp được ghi nhận vào năm 2023, BDEW cho biết. Cụ thể, doanh số bán khí đốt tự nhiên cho ngành công nghiệp đã tăng 5,8% vào năm 2024 so với một năm trước đó và doanh số bán điện chạy bằng khí đốt tăng 1,9%.
Na Uy, nhà khai thác dầu khí hàng đầu Tây Âu, vẫn là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của Đức, chiếm 45% tổng lượng khí đốt được giao. Na Uy đã thay thế Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn nhất của Đức và Châu Âu vào năm 2022 sau khi Moscow ngừng cung cấp cho nhiều khách hàng EU sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ là nhà cung cấp LNG lớn nhất cho Đức, chiếm tới 91% tổng khối lượng giao tại các trạm nhập khẩu tại Wilhelmshaven, Brunsbüttel và Mukran. Ba quốc gia khác mà Đức nhập khẩu LNG là Na Uy, Angola và Ai Cập, mỗi quốc gia chiếm từ 2% đến 4% lượng LNG nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Đức cũng tiêu thụ khí đốt tự nhiên từ các mỏ khí đốt nhỏ trong nước, nơi sản lượng đã giảm kể từ những năm 2000.
BDEW cho biết, giá tiêu dùng cuối cùng cho hộ gia đình đối với cả khí đốt tự nhiên và điện đều giảm so với năm 2023, nhưng vẫn ở mức tương đối cao.
Trong những tuần gần đây, sản lượng điện chạy bằng khí đốt tự nhiên ở Đức đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm.