Tin Thị trường: Giá dầu thế giới trở lại sắc xanh
Giá dầu thế giới hôm nay bật tăng trở lại; Giá khí tự nhiên tại thị trường Mỹ tăng nhẹ...

Ảnh: Reuters
Giá dầu hôm nay bật tăng trở lại
Tính đến đầu giờ chiều nay 8/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 58,37 USD/thùng - tăng 0,52%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 61,36 USD/thùng - tăng 0,39%.
Giá dầu thế giới bật tăng sau phiên giảm mạnh hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/5, chuẩn dầu Brent và dầu WTI giảm lần lượt 1,66% và 1,73%.
Các nhà đầu tư nghi ngờ các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không đạt được đột phá, trong khi hy vọng về một thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ càng "mờ mịt", gây lo ngại về nguồn cung.
Theo Reuters, đại diện của Mỹ và Trung Quốc dự kiến gặp nhau tại Thụy Sĩ trong thời gian tới. Đây có thể là bước đầu tiên hướng tới giải quyết cuộc chiến thương mại đang làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu.
Thiago Duarte, nhà phân tích thị trường tại Axi nhận xét, mặc dù cuộc gặp có thể báo hiệu sự tan băng, nhưng kỳ vọng về một bước đột phá vẫn còn thấp. Trừ khi Mỹ nhận được những nhượng bộ thương mại lớn, nếu không thì khả năng giảm leo thang có vẻ không cao.
Ngày 7/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất, nhưng cho biết rủi ro lạm phát và thất nghiệp tăng cao khiến triển vọng kinh tế thêm u ám, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ đang vật lộn với tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng nhẹ
Tính đến đầu giờ chiều nay 8/5 (theo giờ Việt Nam), giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ giao dịch ở mức 3,656 USD/MMbtu - tăng 0,97% - phản ánh xu hướng ổn định sau giai đoạn biến động mạnh. Mức giá này cũng gần với dự báo trung bình năm 2025 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), ước tính khoảng 3,79 USD/MMBtu.
Sự ổn định kể trên được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong nước tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực điện lực và công nghiệp, cùng với việc xuất khẩu LNG đạt kỷ lục.
Dự báo trong ngắn hạn, giá khí đốt có thể duy trì quanh mức 3,6–3,8 USD/MMBtu, tùy thuộc vào yếu tố thời tiết, tồn kho và chính sách năng lượng. Các nhà phân tích kỳ vọng giá có thể tăng nhẹ trong mùa hè nếu nhu cầu điện tăng cao và sản lượng LNG xuất khẩu tiếp tục duy trì mức cao.
Trong khi đó, Freeport LNG tại Texas chuẩn bị tiếp nhận thêm khí đốt, một dấu hiệu cho thấy nhà máy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ đang dần khôi phục hoạt động sau sự cố mất điện vào ngày 6/5, theo dữ liệu lưu lượng khí LSEG.
Việc đóng cửa tại Freeport LNG đã làm gián đoạn hơn 10% công suất xuất khẩu LNG của Mỹ, khiến giá khí đốt chuẩn của Châu Âu tăng cao và giá khí đốt trong nước của Mỹ diễn biến theo chiều ngược lại.
Ả Rập Xê-út tăng giá bán dù thị trường đủ nguồn cung
OPEC+ đã mang đến hai bất ngờ cho thị trường dầu mỏ chỉ trong vài tuần. Ban đầu, liên minh này cho biết sẽ đưa trở lại gấp ba lần lượng dầu cung cấp mà họ đã lên kế hoạch vào tháng 5. Sau đó, cho biết sẽ lặp lại động thái này vào tháng 6. Và sau đó, có thông tin cho biết Ả Rập Xê-út đang tăng giá bán tại thị trường Châu Á trong khi lẽ ra họ nên giảm giá.
OPEC+ đang trở thành tâm điểm chú ý và có lẽ họ đang tận hưởng điều đó khi giá tiếp tục giảm và các công ty khoan đá phiến của Mỹ hạn chế hoạt động.
Hồi tháng 4 vừa qua, OPEC+ cho biết sẽ tăng thêm 411.000 thùng/ngày vào sản lượng chung của mình vào tháng 5, khiến thị trường dầu mỏ hỗn loạn sau khi hạn chế nguồn cung trong nhiều tháng nhằm mục đích hỗ trợ giá dầu. Động thái này là một sự đảo ngược chiến thuật đến mức khiến nhiều người bất ngờ.
Về mặt chính thức, các thành viên OPEC+ đã tuân thủ cắt giảm sản lượng của họ cho biết rằng các yếu tố cơ bản của thị trường đủ mạnh để hấp thụ không chỉ một mà là hai đợt tăng sản lượng hàng tháng, mỗi đợt là 411.000 thùng/ngày. Về mặt không chính thức, câu chuyện là việc Ả Rập Xê-út đã chán ngấy với Iraq và Kazakhstan, hai thành viên đã khai thác quá mức kể từ khi bắt đầu thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Kazakhstan thực sự khiến Riyadh khó chịu không chỉ vì khai thác quá mức mà còn đạt mức sản lượng cao kỷ lục vào đầu năm nay.
Hiện tại, triển vọng về nhu cầu được cho là ảm đạm vì đòn tấn công thuế quan của Tổng thống Trump đối với thế giới. Triển vọng này là lý do chính khiến các nhà giao dịch bắt đầu bán tháo dầu khiến giá giảm và sau đó kéo dài đà giảm khi OPEC+ gây bất ngờ cho thị trường với hai quyết định liên tiếp.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-gia-dau-the-gioi-tro-lai-sac-xanh-727229.html